Nhãn hiệu được bảo hộ thông qua việc đăng ký hoặc có thể thông qua việc sử dụng. Thông qua việc đăng ký, nhãn hiệu sẽ được bảo hộ mạnh hơn, đặc biệt trong trường hợp có tranh chấp với một nhãn hiệu giống hoặc tương tự.
Theo quy định của pháp luật, việc đăng ký mang lại cho doanh nghiệp độc quyền ngăn chặn người khác đưa ra thị trường các sản phẩm giống hoặc tương tự mang nhãn hiệu giống hoặc tương tự gây nhầm lẫn. Nếu không đăng
ký, việc đầu tư tiếp thị một sản phẩm của doanh nghiệp có thể trở nên vô ích bởi vì công ty đối thủ có thể sử dụng nhãn hiệu giống hoặc gây nhầm lẫn. Nếu một đối thủ cạnh tranh sử dụng nhãn hiệu giống hoặc tương tự, người tiêu dùng có thể bị mắc lừa khi mua sản phẩm của đối thủ đó và doanh nghiệp có nhãn hiệu sẽ giảm lợi nhuận và gây phương hại đến danh tiếng và hình ảnh của công ty nếu sản phẩm của đối thủ cạnh tranh có chất lượng thấp. Bởi vì, giá trị của nhãn hiệu và tầm quan trọng mà một nhãn hiệu có thể tự quyết định sự thành công của một sản phẩm trên thị trường, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng nhãn hiệu đó được đăng ký tại các thị trường liên quan.
Theo quy định tại Điều 11 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và Điều 3 Nghị định 103/2006/NĐ-CP, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, riêng đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
Doanh nghiệp muốn sở hữu và được bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ của mình thì phải đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan có thẩm quyền. Để tiến hành đăng ký một nhãn hiệu, doanh nghiệp cần gửi hoặc làm đơn đăng ký hoàn chỉnh (theo mẫu) quy định trong đó bao gồm cả địa chỉ công ty, bản mô tả nhãn hiệu và mẫu nhãn hiệu (theo quy định) kèm theo danh mục nhóm hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cần đăng ký và trả một khoản lệ phí nhất định.
Khi làm đơn doanh nghiệp cần phải chỉ ra các hàng hóa, dịch vụ mà mình cần đăng ký và phân nhóm cụ thể dựa trên hệ thống phân loại Nice về nhãn hiệu.
Đơn đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc tại bất kỳ địa điểm tiếp nhận đơn nào khác do Cục Sở hữu trí tuệ
thiết lập hoặc được gửi bằng hình thức bảo đảm qua bưu điện tới các địa điểm tiếp nhận.
Trình tự, thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ: Chủ thể nộp đơn phải là người có quyền nộp đơn theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đồng thời đơn xin đăng ký nhãn hiệu cũng phải đáp ứng các yêu cầu nhất định (theo Điều 101 và Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ). Đơn phải được nộp theo đúng cách thức và được chấp nhận theo nguyên tắc người nộp đơn đầu tiên. Pháp luật Việt Nam cũng chấp nhận nguyên tắc ưu tiên theo Công ước Paris.
Trên cơ sở hồ sơ đăng ký của người nộp đơn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thẩm định đơn bao gồm thẩm định hình thức và thẩm định nội dung sau đó quyết định cấp hay từ chối cấp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam là Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời là cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về nhãn hiệu. Thời gian để một nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ là 9 tháng. Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, có hiệu lực 10 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm.
Khi được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền trực tiếp sử dụng nhãn hiệu; ngăn không cho người khác sử dụng nhãn hiệu trùng hay tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ; có quyền định đoạt nhãn hiệu thông qua lixăng hoặc để lại thừa kế nhãn hiệu đó cho người khác…. Đây là những độc quyền mà chỉ chủ sở hữu mới có được.