ĐĂNG KÝ BẢO HỘ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA VÀO CỘNG ĐỒNG CHÂU ÂU THEO THỂ THỨC CTM (THE COMMUNITY TRADE MARK)

Một phần của tài liệu Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam (Trang 59 - 64)

CHÂU ÂU THEO THỂ THỨC CTM (THE COMMUNITY TRADE MARK)

Trong những năm gần đây, thị trường Châu Âu được coi là một trong những thị trường tiềm năng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Các nước thuộc Cộng đồng Châu Âu đã thiết lập một hệ thống đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc lập (đăng ký nhãn hiệu hàng hóa theo thể thức CMT) để tạo điều kiện cho các chủ sở hữu nhãn hiệu tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của mình vào Cộng đồng Châu Âu một cách thuận lợi, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.

Cộng đồng Châu Âu (EU) hiện tại có 27 nước thành viên. Các nước này đã thiết lập một hệ thống đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc lập được gọi là hệ thống đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cộng đồng hay theo thể thức CTM (The Community Trade Mark) nhằm tạo điều kiện cho các chủ sở hữu có thể đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của mình vào EU một cách thuận lợi, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.

Khi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa qua hệ thống đăng ký CTM, chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ phải nộp một đơn duy nhất cho cơ quan đăng ký có tên là

"The office for Harmonization in the Internal Market" viết tắt là OHIM. OHIM là cơ quan đăng ký được thành lập riêng, độc lập với hệ thống đăng ký quốc gia của mỗi nước thành viên, có trụ sở tại Tây Ban Nha.

Để được đăng ký theo thể thức CTM, nhãn hiệu hàng hóa phải được tất cả các nước trong EU đồng ý. Sau khi được đăng ký, nhãn hiệu hàng hóa này sẽ có hiệu lực ở tất cả các nước trong Cộng đồng. Ngược lại, nếu nhãn hiệu bị hủy bỏ hay mất hiệu lực ở một nước thành viên thì đương nhiên bị mất hiệu lực trong cả cộng đồng.

Trong quá trình đăng ký, chỉ cần một trong các nước EU từ chối bảo hộ thì việc đăng ký nhãn hiệu thông qua hệ thống đăng ký CTM coi như không thành công. Lúc này, nếu chủ sở hữu vẫn muốn đăng ký nhãn hiệu vào những nước thành viên khác không từ chối bảo hộ nhãn hiệu thì có thể chuyển đơn đăng ký CTM thành nhiều đơn đăng ký quốc gia vào từng nước này, và vẫn được bảo lưu ngày nộp đơn của CTM trong các đơn quốc gia đó.

Vì hệ thống đăng ký theo thể thức CTM là độc lập và không có ảnh hưởng đối với hệ thống đăng ký quốc gia của mỗi nước thành viên cộng đồng, nên chủ sở hữu nhãn hiệu hoàn toàn tự do nộp đơn đăng ký nhãn hiệu CTM, hoặc nộp đơn đăng ký quốc gia, hoặc cả hai. Điều này có nghĩa là nhãn hiệu đăng ký theo thể thức CTM và nhãn hiệu đăng ký quốc gia đều có thể song song tồn tại.

Theo quy định của hệ thống nhãn hiệu cộng đồng, các chủ thể có quyền nộp đơn tại OHIM bao gồm: cá nhân, pháp nhân thuộc các nước thành viên EU; cá nhân, pháp nhân thuộc các nước thành viên Công ước Paris hay Hiệp định TRIPs; cá nhân, pháp nhân có nơi cư trú hoặc trụ sở kinh doanh đóng tại một trong các nước thành viên của EU, Công ước Paris, hoặc Hiệp định TRIPs. Việt Nam là thành viên của Công ước Paris, do đó các cá nhân, pháp nhân Việt Nam nếu có nhu cầu cũng có thể nộp đơn đăng ký CTM tại OHIM.

Đơn đăng ký nhãn hiệu CTM có thể được làm bằng một trong 11 ngôn ngữ chính thức của Cộng đồng. Trong đơn, người nộp đơn phải tuyên bố chọn một trong năm ngôn ngữ: Tây Ban Nha, Đức, Anh, Pháp và Italia (đây là năm ngôn ngữ chính thức được sử dụng ở OHIM) là ngôn ngữ thứ hai để sử dụng khi tiến hành các thủ tục, ví dụ như phản đối đơn, hủy bỏ hiệu lực…

Thủ tục nộp đơn

Tài liệu và thông tin cần cung cấp

- Tên đầy đủ, địa chỉ, số điện thoại, số fax (nếu có) và quốc tịch của người nộp đơn;

- Giấy ủy quyền của người nộp đơn; - Mẫu nhãn hiệu dự định đăng ký;

- Danh mục hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu; - Phân loại quốc tế hàng hóa/dịch vụ (nếu biết).

Xét nghiệm đơn

Đơn sau khi nộp tại OHIM sẽ được cơ quan này xét nghiệm về hình thức. Nếu đơn có đủ các thông tin và tài liệu nêu trên, ngày nộp đơn được ghi nhận. Sau đó đơn được chuyển sang xét nghiệm nội dung.

Trong giai đoạn xét nghiệm nội dung, nhãn hiệu trong đơn chỉ được xét nghiệm trên cơ sở tuyệt đối (absolute grounds) tức là đánh giá về khả năng phân biệt của nhãn hiệu, ví dụ nhãn hiệu có thuộc các dấu hiệu loại trừ theo quy định của pháp luật hay không; có trái với trật tự công cộng và đạo đức xã hội hay không; nhãn hiệu có phải là một thuật ngữ chung theo các ngôn ngữ của cộng đồng cho hàng hóa và dịch vụ hay không; nhãn hiệu có gây nhầm lẫn cho công chúng về bản chất, nguồn gốc địa lý của hàng hóa và dịch vụ mang nhãn hiệu hay không.

Có điểm đặc biệt trong giai đoạn xét nghiệm nội dung và trước khi công bố đơn trên công báo CTM của OHIM, OHIM không tự động xét nghiệm nhãn hiệu trên cơ sở tương đối (ralative grounds), tức là không xem xét nhãn hiệu có trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được đăng ký trước hoặc nộp đơn trước hay không. Mà việc xét nghiệm này chỉ được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của bên thứ ba khi thực hiện thủ tục phản đối đơn, hoặc thủ tục hủy bỏ sau khi nhãn hiệu đã được đăng ký.

Nếu nhãn hiệu hoàn toàn có khả năng phân biệt và có thể được sử dụng như một nhãn hiệu hàng hóa, thì đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được công bố trên Công báo CTM bằng các ngôn ngữ chính thức của EU để các bên thứ ba có quyền và lợi ích liên quan có thể phản đối.

Phản đối đơn

Sau khi đơn được công bố trên công báo CTM, các bên thứ ba có quyền và lợi ích liên quan nếu có căn cứ rằng việc đăng ký nhãn hiệu trong đơn sẽ gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình có thể tiến hành thủ tục phản đối đơn trong vòng 3 tháng kể từ ngày công bố đơn. Các lý do phản đối bao gồm nhưng không giới hạn ở các lý do chính sau:

- Nhãn hiệu trong đơn trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với CTM đã được đăng ký trước hoặc nộp trước;

- Nhãn hiệu trong đơn trùng lặp hoặc tương tự với nhãn hiệu trong đơn quốc gia hoặc đã được đăng ký quốc gia hoặc nộp đơn quốc gia trước hoặc nhãn hiệu đăng ký quốc tế đang có hiệu lực ở nước thành viên EU;

- Nhãn hiệu trong đơn trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của Công ước Paris.

Nếu không có bên thứ ba nào phản đối đơn trong thời hạn cho phép, nhãn hiệu sẽ được OHIM cấp văn bằng bảo hộ. Khi đó chủ sở hữu có quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu; ngăn chặn việc sao chép và giả mạo nhãn hiệu;

chuyển giao nhãn hiệu, cấp licence cho một số hàng hóa hoặc dịch vụ tại một phần hay toàn bộ lãnh thổ cộng đồng; phản đối đăng ký những nhãn hiệu cộng đồng hoặc nhãn hiệu quốc gia tương tự có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Thời hạn bảo hộ và gia hạn hiệu lực

Nhãn hiệu CTM sau khi được đăng ký sẽ có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn, và có thể được gia hạn nhiều lần liên tục, mối lần 10 năm. Khi gia hạn, chủ sở hữu chỉ phải nộp phí gia hạn mà không phải nộp bằng chứng sử dụng nhãn hiệu.

Chuyển nhượng và chuyển giao Li-xăng

Việc chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng một nhãn hiệu CTM chỉ được cho phép khi việc chuyển nhượng hay chuyển giao đó là trong phạm vi cả cộng đồng, chứ không chỉ đơn lẻ trong một vài quốc gia nào đó.

Để đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu cộng đồng, người nộp đơn chỉ phải nộp 1 đơn duy nhất theo một thủ tục chung duy nhất. Do đó, chi phí cho việc nộp đơn đăng ký thấp hơn nhiều so với việc bảo hộ quyền tại từng quốc gia. Đơn đăng ký được làm bằng một loại ngôn ngữ duy nhất giúp doanh nghiệp giảm thiểu các chi phí cho việc dịch thuật. Việc thực thi hiệu lực của nhãn hiệu cộng đồng được thực hiện bởi Tòa án nhãn hiệu Cộng đồng, điều này giúp cho các thủ tục pháp lý được đơn giản hóa, tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí cho chủ sở hữu quyền trong quá trình giải quyết, xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Chương 3

Một phần của tài liệu Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam (Trang 59 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)