Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

Một phần của tài liệu Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam (Trang 36 - 38)

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first to file) được thể hiện trong trường hợp các nhãn hiệu xin đăng ký trùng nhau thì nhãn hiệu sẽ được ưu tiên cấp cho người nộp đơn đầu tiên. Đây là một nguyên tắc bảo hộ hết sức hợp lý. Ý tưởng về một nhãn hiệu hàng hóa đối với các hàng hóa tương đối giống nhau về chức năng và hình thức dẫn đến sự trùng lặp giữa những nhà sáng tạo. Và

nhãn hiệu được chấp nhận bảo hộ theo quy định của pháp luật cũng rất chặt chẽ trong việc xác định các dấu hiệu tạo nên nhãn hiệu hàng hóa để phân biệt. Vì vậy, việc chỉ chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đầu tiên chính là việc phòng tránh tình trạng ăn cắp, làm nhái, bắt chước các nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó.

Hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới như pháp luật EU, Mỹ và Nhật Bản đều quy định và áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên như căn cứ pháp lý đầy đủ nhất để chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa

Pháp luật Nhật Bản quy định rõ nguyên tắc này tại Điều 8 Luật nhãn hiệu hàng hóa Nhật Bản. Theo quy định này, khi có hai hay nhiều đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa liên quan đến các nhãn hiệu hàng hóa tương tự hoặc giống nhau được áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ cùng loại được nộp vào những ngày khác nhau thì chỉ người nộp đơn nào có ngày nộp đơn sớm nhất mới có thể được cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Trong trường hợp các đơn nộp cùng một ngày thì bắt buộc các chủ thể nộp đơn phải đàm phán với nhau để chọn ra một người được quyền đăng ký. Cơ quan cấp đăng ký sẽ có yêu cầu về vấn đề này và buộc các bên phải báo cáo về đàm phán giữa họ trong một thời hạn nhất định. Thông thường, nội dung thỏa thuận của các bên liên quan đến việc một hoặc một số chủ thể chấp nhận rút đơn đăng ký và bên kia chấp nhận thanh toán cho bên rút đăng ký một khoản tiền bù đắp chi phí để tạo ra một nhãn hiệu mới. Tuy nhiên, không phải lúc nào các bên cũng thỏa thuận được vấn đề này với nhau. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được hoặc thỏa thuận được nhưng báo cáo không đúng hạn thì cơ quan cấp đăng ký sẽ tổ chức bốc thăm một cách công bằng để chọn ra một bên [24].

Giống như pháp luật Nhật Bản, pháp luật Việt Nam cũng quy định áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên. Tuy nhiên, chính nguyên tắc này sẽ tạo ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp khi chưa kịp thời đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Nguy cơ bị cướp mất nhãn hiệu là rất lớn đến từ những doanh

nghiệp vốn nắm vững pháp luật về sở hữu trí tuệ hơn nhiều so với các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ đơn giản bằng cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa trước tiên. Họ có thể là các doanh nghiệp đối thủ nội địa tại thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, họ cũng có thể là các đối tác làm ăn lâu dài với các doanh nghiệp Việt Nam, biết rõ các nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam.

Như vậy, nắm được các nguyên tắc quan trọng của bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, các doanh nghiệp cần ý thức được việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài vốn không phải vấn đề đơn giản, nắm bắt được cách thức đăng ký bảo hộ cũng như quy định của các quốc gia khác nhau lại càng là vấn đề khó khăn hơn. Nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài, doanh nghiệp phải kịp thời nộp đơn đăng ký tại các quốc gia mình đã và dự định sẽ xuất khẩu hàng hóa tới.

Một phần của tài liệu Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam (Trang 36 - 38)