Đặc điểm tự nhiên

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của loài voọc quần đùi trắng trachypithecus delacouri (osgood, 1932) ở khu bảo tồn thiên nhiên vân long và đề xuất một số giải pháp bảo tồn (Trang 25)

THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.2.1.Đặc điểm tự nhiên

Theo Vũ Trung Tạng (2004), Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long có các đặc điểm tự nhiên sau:

Vị trí địa lý : Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long có diện tích khoảng 2.612,81 ha, nằm phía đông bắc tỉnh Ninh Bình, trên địa phận các xã Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Hoà, Gia Vân, Gia Lập, Gia Tân và Gia Thanh của huyện Gia Viễn.

Toạ độ địa lý : Từ 20020’55” đến 20025’45” vĩ độ Bắc

Từ 105048’20” đến 105054’30” kinh độ Đông

Địa hình : Kiểu địa hình ô trũng giữa các lòng sông. Khu vực nghiên cứu chủ yếu chứa các thành tạo đá vôi. Trên mặt đất chính là các đỉnh và sườn Karst phễu và hố sụt. Các dãy núi đá vôi (có xen một ít đồi cát kết) chiếm gần 3/4 diện tích khu bảo tồn, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Ít thấy các thung lũng và cánh đồng Karster lớn, mà thường thấy các thung dạng lòng chảo nhỏ dưới 10 ha có dạng đáy hình chữ U. Đỉnh các khối núi thường sắc nhọn với các địa hình dạng tai mèo khá đặc trưng, còn sườn thì dốc đứng với nhiều đống đá sụp đổ. Các đỉnh núi có độ cao dưới 450m như đỉnh Súm

(233m), đỉnh Mào Gà (308m), đỉnh Ba Chon (428m), đỉnh Cô Tiên (116m), đỉnh Mèo Cào (206m), đỉnh Đồng Quyển (328m), núi Mây (138m), núi Lương (128m). Trên hầu hết sườn dốc đứng, tai mèo dạng rãnh và luống khắc sâu vào vách đá; trong các hốc nhỏ có lớp thổ nhưỡng tạo nền tảng cho hệ thực vật trên đỉnh và sườn núi phát triển thưa thớt với các cây bụi, cây gỗ nhỏ là nơi sinh sống của đàn voọc và các động vật khác.

Khí hậu : Nhiệt độ trung bình năm 23,30C-23,40C. Phần lớn chịu ảnh hưởng gió mùa Đông Nam, ít chịu ảnh hưởng của gió Lào. Lượng mưa trung bình 1800 – 1900 mm, phân bố không đều giữa các mùa. Độ ẩm tương đối trung bình là 84 – 85%. Lượng bốc hơi chưa vượt quá 1000 mm/năm.

Khu hệ thực vật : Trần Đình Nghĩa và Vũ Công Quỳ (2004) đã thống kê được 488 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 342 chi, 135 họ, 6 ngành. Trong đó thực vật hạt kín chiếm 87% tổng số loài, khoảng 60 loài thực vật bậc cao thuỷ sinh. Thực vật bậc thấp có khoảng 258 loài thuộc 6 ngành tảo.

Khu hệ động vật : Theo các nghiên cứu từ trước đến nay đã xác định được ở Vân Long có 39 loài thú thuộc 19 họ, 8 bộ (Lê Vũ Khôi và Hoàng Trung Thành, 2004); 72 loài chim thuộc 33 họ, 14 bộ (Lê Vũ Khôi và Nguyễn Lân Hùng Sơn, 2004); 32 loài lưỡng cư - bò sát thuộc 13 họ, 4 bộ (Bùi Thị Hải Hà và nnk., 2004); 54 loài cá thuộc 42 giống, 17 họ, 9 bộ (Nguyễn Xuân Huấn và nnk., 2004); 22 loài động vật phù du, 95 loài động vật đáy và 79 loài côn trùng (Nguyễn Xuân Quýnh và nnk., 2004).

Sinh cảnh và nơi sống của Voọc :Khu vực Vân Long có thể phân thành 2 hệ thống lớn: Hệ trên cạn và hệ đất ngập nước. Các sinh cảnh trên cạn được che phủ bởi thảm thực vật, nơi sinh sống của Voọc và các loài động vật hoang dã khác. Thảm thực vật rừng có thể chia ra các kiểu chính sau:

- Rừng thứ sinh trên núi đá vôi : Kiểu rừng này chiếm diện tích nhỏ, chủ yếu ở sườn núi phía Đông Bắc và các thung lũng. Thảm xanh không liên tục, nhưng là nơi các đàn Voọc có thể tìm kiếm được thức ăn.

- Thực vật trên các sườn và đỉnh núi : Phần lớn núi đá vôi ở Vân Long là núi trọc, độ che phủ của tán cây rất thấp và cây mọc được ở các kẽ đá. Tuy nhiên đây cũng là nơi Voọc thường đến kiếm ăn.

- Trảng cỏ và cây bụi trên các thung núi khô cằn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của loài voọc quần đùi trắng trachypithecus delacouri (osgood, 1932) ở khu bảo tồn thiên nhiên vân long và đề xuất một số giải pháp bảo tồn (Trang 25)