KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1.2.4. Địa điểm ngủ đêm của Voọc quần đùi trắng ở Vân Long
Đã xác định được những điểm ngủ đêm của Đàn số 1 và Đàn số 4 tại Vũng Sốc trong thời gian nghiên cứu (Bảng 3.4), Voọc đều chọn những nơi đáp ứng được điều kiện an toàn cho chúng theo một cách giống nhau như: vách đá cao, dựng đứng và trơ trọi. Rất nhiều các điểm ngủ là những vách đá ít có vật che chắn phía trên, như vậy nếu có mưa Voọc sẽ ít nhiều bị ướt. Tuy nhiên một số nơi ngủ
là những vách đá được che chắn, hoặc những hốc đá nằm giữa các vách đá dựng đứng, được che mưa rất tốt. Voọc luôn chọn những điểm ngủ này khi có mưa. Độ cao so với mặt nước biển không đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn điểm ngủ đêm, có những điểm ngủ đêm chỉ ở độ cao 14 - 30m so với mặt nước biển (bảng 3.4, hình 3.4, hình 3.5, hình 3.6).
Bảng 3.4. Tọa độ các điểm ngủ của Đàn số 1 và Đàn số 4
Tên điểm ngủ Tọa độ
S1 N 20022’20.6’’ E 105052’52.9’’ S2 N 20022’18.4’’ E 105052’54.3’’ S3 N 20022’23.2’’ E 105052’50.4’’ S4 N 20022’24.8’’ E 105053’4.3’’ S5 N 20022’23.8’’ E 105053’5.2’’ S6 N 20022’26.3’’ E 105052’54.5’’ S7 N 20022’22.5’ E 105053’5.4’’ S8 N 20022’23.7’’ E 105052’50.3’’ S9 N 20022’33.1” E 105052’46.7” S10 N 20022’32.6” E 105052’52.5”
Trước khi vào chỗ ngủ khoảng 30 phút, Voọc thường di chuyển đến các vị trí xung quanh, dừng lại và quan sát. Nhưng cũng có khi chúng ngồi ăn và quan sát ở một địa điểm khá xa nơi ngủ, rồi di chuyển khá nhanh trên một khoảng cách tương đối xa để vào nơi ngủ. Thời điểm vào nơi ngủ dao động theo mùa, có nhiều khả năng thời điểm vào nơi ngủ phụ thuộc chặt chẽ vào mức độ ánh sáng, bởi Voọc quần đùi trắng luôn chỉ vào nơi ngủ khi đã mờ mờ tối.
Nơi ngủ đêm của Voọc không cố định ở một nơi nào trong thời gian dài. Voọc thường sử dụng một nơi ngủ đêm khoảng 1 đến 2 đêm rồi rời đi ngủ ở nơi khác. Nguyên nhân của sự thay đổi nơi ngủ đêm của Voọc chưa được xác định chắc chắn. Tuy vậy, chúng tôi nhận thấy rằng tại những nơi ngủ, Voọc thường tiểu tiện ra nơi đó và khu vực rất gần đó. Nhiều nơi ngủ chúng tôi tiếp cận có mùi nước tiểu khá đậm. Voọc thay đổi nơi ngủ có thể là để chờ giảm hoặc bay mất mùi nước tiểu trước khi quay lại nhằm tránh một số động vật ăn thịt (xem phần 3.4.2) phát hiện và rình gần nơi ngủ.
Tư thế ngủ đêm của Voọc quần đùi trắng là ngồi co chân ôm gối, mông đặt hoàn toàn trên đá hoặc chỉ ghé một phần trên đá, đuôi luôn duỗi thẳng để thòng xuống, chi trước bám đá, bám cây, hoặc ôm gối.
Thảo luận
Nhiều loài linh trưởng ngủ trên cây, thí dụ Presbytis aygula (Ruhiyat, 1983); Presbytis pileata (Stanford, 1991); Rhinopithecus bieti (Li and Zhou, 2004; và Li et al., 2006). Đối với Voọc quần đùi trắng Trachypithecus delacouri, Đào Văn Tiến (1989) cho rằng chúng ngủ trong hang. Tương tự, Voọc đầu trắng
Trachypithecus leucocephalus và Voọc francoisi (Trachypithecus francoisi), cũng là các loài đặc hữu cho sinh cảnh đá vôi, được báo cáo là ngủ ở trong hang hầu hết các đêm (Huang et al., 2003).
Tại sao Voọc quần đùi trắng tại Vân Long lại hầu như chỉ ngủ ở những vách đá trơ trụi? Tính an toàn có thể đóng vai trò quan trọng cho sự lựa chọn này. Huang et al., (2003), cũng cho rằng các hang và vách đá là những nơi lý tưởng cho việc ngăn chặn sự tiếp cận của động vật ăn thịt, những hang mà T. leucocephalus
ngủ đều nằm ở lưng chừng hoặc đỉnh các vách đá dựng đứng. Sự thiếu các cây to trong sinh cảnh cũng là một lý do, thí dụ như ở Papio hamadryas và
Theropithecus gelada chọn nơi ngủ trên các vách đá (Swedell, 2002; Noser et al., 2003). Cũng có những loài khỉ như Macaca mulatta và M. assamensis sống cùng sinh cảnh đá vôi với Voọc đầu trắng (Huang et al., 2003). Tuy nhiên cả 2 loài khỉ này khai thác sinh cảnh khác nhau. Có những nguyên nhân khác nhau làm cho chúng không ngủ trong hang. Thí dụ, kích thước đàn khỉ có thể quá lớn để ngủ trong hang, chúng có thể tự vệ tốt hơn ở ngoài hang, hoặc có thể chúng chuyển tới sống ở sinh cảnh đá vôi muộn hơn so với Voọc.
Việc thay đổi thường xuyên địa điểm ngủ cũng là một thói quen khá phổ biến, thí dụ như ở loài Hylobates lar ở Vườn quốc gia Khao Yai, Thái Lan, thường chỉ ngủ ở mỗi cây một lần (Reichard, 1998). Huang and Li (2005) nghiên cứu loài Voọc đầu trắng Trung Quốc Trachypithecus leucocephalus cũng có kết luận tương
tự rằng Voọc thường di chuyển tới gần hang nhưng ở lại trong bụi rậm và chờ cho đến khi tối. Thời điểm lúc T. leucocephalus vào hang cũng khác nhau nhiều, thường là sớm hơn vào mùa đông và muộn hơn vào mùa hè, và độ sáng lúc bắt đầu vào hang dao động từ 2,6 đến 7,5 lux.
Nhận xét:
Từ những tương đồng về tập tính lựa chọn điểm ngủ, ra vào điểm ngủ như trên, chúng tôi cho rằng quy luật lựa chọn và thường xuyên thay đổi nơi ngủ, ra vào nơi ngủ của T. delacouri rất có thể đều bị chi phối mạnh bởi việc đảm bảo an toàn chống lại kẻ ăn thịt. Thêm nữa, các cây gỗ to tương đối hiếm tại Vân Long cũng là một cách giải thích cho việc Voọc lựa chọn ngủ trên những vách đá.