I. Polypodiophyta NGÀNH DƯƠNG XỈ
71. Amomum villosum Lour Sa nhân + Cỏ lâu năm, h 4-6,q 5-
3.3.2. Sinh con và nuôi con
Trên thực địa, thời điểm xuất hiện con Sơ sinh 1 chỉ mới được quan sát thấy vào các tháng 1, 2, 4, 8, và 9. Theo Nadler (1994), Rowe (1996) và Phạm Nhật (2002), Voọc có thời gian mang thai khoảng 196 ngày, thì có thể suy luận rằng có giao phối vào tháng 3 để đến tháng 8 – 9 sinh con. Thời gian mang thai 196 ngày của Voọc quần đùi trắng cũng tương tự các loài khỉ ăn lá châu Á khác, điển hình là từ 6-7 tháng, thí dụ như ở Presbytis senex (Rudran, 1973), và ở Presbytis entellus
(Sommer et al., 1992).
Con sơ sinh 1 và 2 có thời gian bám mẹ rất nhiều. Trong khi con sơ sinh 1 bám mẹ hoàn toàn, con sơ sinh 2 chủ yếu bám mẹ nhưng có thể tự vận động và đi theo mẹ. Con sơ sinh 3 vẫn còn bám mẹ mặc dù đã có khả năng tự vận động tốt (xem phần 3.2.3. Quỹ thời gian hoạt động). Khi Voọc mẹ di chuyển bằng bốn chân, Voọc sơ sinh dùng cả bốn chi bám vào bụng mẹ. Nếu Voọc mẹ phát hiện Voọc sơ sinh bám không chắc và bất cứ chi nào tuột ra, nó lập tức dừng di chuyển, ngồi xuống và xốc lại Voọc sơ sinh để bám chắc trở lại.
Chưa rõ trong tự nhiên Voọc sơ sinh sẽ bú mẹ bao lâu, thời gian cai sữa là bao lâu. Tuy nhiên Voọc sơ sinh 3 vẫn bú mẹ, bởi vì Voọc mẹ được quan sát thấy vẫn có tuyến vú tạo sữa phát triển trong thời gian này. Tuy nhiên khi Voọc sơ sinh chuyển thành Voọc non thì chưa rõ chúng có được cai sữa hay không. Nadler (1997) cho rằng Voọc non được cai sữa khi được 9 – 12 tháng tuổi.
Đã quan sát được hiện tượng cá thể cái không có con bế con sơ sinh của cá thể cái khác. Thậm chí Voọc mẹ cũng có thể cùng một lúc bế hai Voọc sơ sinh, một là con của nó, một là con của Voọc mẹ khác. Phát hiện này của chúng tôi được cho là ít xảy ra (Paul and Kuester, 1996). Cá thể cái không có con có thể bị Voọc mẹ từ chối khi muốn bế con sơ sinh, khi đó Voọc mẹ dùng chi trước ngăn
cản không cho cá thể cái kia chạm vào con của nó.. Trên thực tế quan sát được, một cá thể cái không có con sau khi bế được Voọc sơ sinh đã di chuyển rất nhanh và bất cẩn. Việc di chuyển không cẩn thận như vậy trên địa hình núi đá tai mèo sắc nhọn có thể làm Voọc sơ sinh bị tuột khỏi cá thể trưởng thành, bị thương. Vì vậy mà có hiện tượng Voọc mẹ từ chối cho cá thể cái khác chăm sóc con sơ sinh của mình .
Các thành viên trong đàn, trừ cá thể đực, thường xuyên chơi đùa với Voọc sơ sinh và Voọc non. Voọc sơ sinh cũng rất thích và chủ yếu chơi đùa với nhau và với Voọc mẹ.
Thảo luận
Hrdy and Hrdy (1976), Quiatt (1979) tổng kết và cho thấy hiện tượng cá thể cái trưởng thành bế con sơ sinh của cá thể cái khác là rất phổ biến ở nhiều loài linh trưởng. Trong các loài linh trưởng, động cơ thúc đẩy sự bế con sơ sinh được cho là nhằm nhiều mục đích như: chăm sóc với tư cách “cô dì” (Hrdy, 1977), chơi trò tập làm mẹ (Lancaster, 1971), làm cho con sơ sinh hòa nhập nhanh hơn với đàn đã sinh ra nó (Hrdy, 1977); tăng cường quan hệ trong đàn (Jolly, 1985; Nakamichi and Koyama, 2000), chia sẻ trách nhiệm làm mẹ (Hrdy, 1978; Small, 1990), tới sự “bắt cóc” (Bullerman, 1950; Nakagawa, 1995), và chọn lựa để giết con sơ sinh (Mohnot, 1980; Collins et al., 1984). Tuy nhiên xét về bản chất, việc bế con sơ sinh của cá thể cái khác thường mang ý nghĩa ích kỷ, nghĩa là cá thể bế con sơ sinh nhận được nhiều lợi ích hơn là ý nghĩa chia sẻ với mẹ của con sơ sinh (Quiatt, 1979). Vì vậy, những tương tác kiểu này thường làm khổ cả mẹ và con sơ sinh (Bentley-Condit et al., 2001). Paul and Kuester (1996) có ý kiến cho rằng những kinh nghiệm bế con sơ sinh không ảnh hưởng đến sự sống sót của đứa con đầu lòng của nó, và mức độ thường xuyên bế con sơ sinh không làm tăng sự sống sót của con sơ sinh và cũng không làm tăng khả năng sinh sản của mẹ. Thứ hạng dường như không tạo ra bất kỳ sự ưu tiên nào về mặt thử bế con sơ sinh (Bentley- Condit et al., 2001). Bất kỳ giao tiếp nào với con sơ sinh chưa cai sữa đều có liên
quan tới mẹ của nó, do bản chất của liên kết mẹ con và giai đoạn phụ thuộc của con sơ sinh vào mẹ. Paul and Kuester (1996) áp dụng giả thuyết “tác dụng phụ” để giải thích mức độ bế con sơ sinh: (1) Tỉ lệ mang con sơ sinh cao nhất trong số các cá thể cái đã sớm trải qua sự mất con sơ sinh. (2) Những cá thể cái đang bế con sơ sinh hoặc con non của chính nó thường bế con non khác với mức độ rõ ràng là ít hơn so với những cá thể cái không có con. (3) Hiện tượng cá thể cái bế con sơ sinh rất phổ biến trong tháng đầu đời của con sơ sinh. (4) Cả việc “cô dì” làm chết con sơ sinh và sự nhận làm con nuôi một cách thành công đều xảy ra bất chấp quan hệ họ hàng. Tuy nhiên Paul and Kuester (1996) cũng cho rằng ở những loài không có liên kết giữa các cá thể cái, sự bế con sơ sinh hiếm khi xảy ra. Điều này có thể được lý giải rằng việc chọn lọc để cho phép cá thể cái bế con sơ sinh liên quan đến hiện tượng chọn lọc họ hàng.
Bế con sơ sinh là một hiện tượng không đồng nhất ở cả trong một loài cũng như giữa các loài (Maestripieri, 1994). Trong khi cá thể cái bị thu hút bởi những con sơ sinh, mức độ hấp dẫn để dẫn tới hành động bế, và mức độ chịu đựng của mẹ đối với sự giao tiếp của cá thể cái khác đối với con nó cũng rất khác nhau (Hrdy, 1999). Nhiều yếu tố xã hội và sinh thái như là quan hệ theo dòng, mối nguy từ kẻ ăn thịt, có thể tác động nào đó lên phản ứng của mẹ đối với những cố gắng thử bế con sơ sinh. Nhìn chung, cá thể cái của T. delacouri cũng thể hiện sự thích thú với con sơ sinh.
Nhận xét:
Hiện tượng giúp chăm sóc con sơ sinh có vẻ khá phổ biến ở Voọc quần đùi trắng. Tuy nhiên hiện tại chưa có đủ số liệu và cơ sở để nhận định về ý nghĩa của việc bế con sơ sinh ở Voọc quần đùi trắng, cũng như nguyên nhân Voọc mẹ chấp nhận hoặc từ chối mong muốn bế con sơ sinh của cá thể cái khác. Đó là do chúng tôi chưa thể xác định rõ quan hệ theo dòng giữa các cá thể cái trong đàn.