Xuất một số giải pháp bảo tồn Voọc quần đùi trắng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của loài voọc quần đùi trắng trachypithecus delacouri (osgood, 1932) ở khu bảo tồn thiên nhiên vân long và đề xuất một số giải pháp bảo tồn (Trang 125 - 130)

I. Polypodiophyta NGÀNH DƯƠNG XỈ

71. Amomum villosum Lour Sa nhân + Cỏ lâu năm, h 4-6,q 5-

3.6.3. xuất một số giải pháp bảo tồn Voọc quần đùi trắng

Nguyễn Ngọc Quyến (2002), Mai Đình Yên và Nguyễn Lân Hùng Sơn (2002) trong "Đất ngập nước Vân Long : Đa dạng sinh học, vấn đề khai thác và quản lý cho phát triển bền vững" (Vũ Trung Tạng, Chủ biên, 2002), đã đề cập tới nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học nói chung theo hướng phát triển bền vững. Vì vậy, trong nghiên cứu này trên đối tượng là Voọc quần đùi trắng ở Vân Long chúng tôi chỉ đề xuất một số giải pháp liên quan đến bảo tồn loài Voọc quần đùi trắng mà thôi.

- Về chiến lược lâu dài, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động du lịch của chính quyền địa phương và hoạt động bảo tồn của Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, vì đây là hai mặt tương hỗ có nhiều tác động tích cực tới nhau, còn không sẽ có tác dụng tiêu cực đến bảo tồn loài Voọc quần đùi trắng quý hiếm này. Việc phát triển thành công du lịch sẽ thúc đẩy sự chuyển hướng hoạt động kinh tế của địa phương theo hướng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thay thế cho hoạt

động kinh tế khai thác tài nguyên và đầu tư công nghiệp có hại cho môi trường. Ngược lại, việc bảo vệ tốt tài nguyên của Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long lại là cơ sở để bảo tồn cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, trong đó có loài Voọc quần đùi trắng, để người du lịch có thể quan sát đời sống của loài linh trưởng quý hiếm này, mà không dễ gì bắt gặp được ở ngoài tự nhiên, đó cũng là tiền đề để tiếp tục phát triển du lịch. Hiện nay và trong tương lai, cùng với nhu cầu cấp bách về đẩy mạnh phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân của huyện Gia Viễn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung, các dự án đầu tư cũng sẽ được tiến hành theo hai hướng. Hướng thứ nhất là đầu tư các ngành công nghiệp sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có ở địa phương, gây ô nhiễm môi trường, thí dụ như công nghiệp xi măng, v.v. Đây là hướng phát triển nhanh nhưng không bền vững bởi nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên có hạn, chi phí khắc phục hậu quả môi trường sẽ rất lớn. Hướng thứ hai là phát triển du lịch gắn với bảo tồn bền vững các hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên, thí dụ như tham quan bằng thuyền trên đầm nước, cùng với nhiều dịch vụ du lịch khác … Việc kết hợp chặt chẽ hoạt động bảo tồn của kiểm lâm và hoạt động xúc tiến du lịch của chính quyền địa phương có thể là giải pháp tối ưu nhất nhằm tăng hiệu quả kinh tế của ngành du lịch địa phương. Hiệu quả của ngành du lịch tăng lên, sẽ đóng góp một phần lớn hơn vào tổng ngân sách của địa phương, làm đối trọng với những ngành kinh tế gây ô nhiễm, góp phần đáng kể đẩy lùi tác động xấu của việc khai thác tài nguyên ảnh hưởng nghiêm trọng tới các loài sinh vật hoang dã và cảnh quan thiên nhiên của Vân Long.

- Củng cố và nâng cấp cơ quan quản lý Khu bảo tồn, nhất là các Trạm Kiểm lâm. Những trạm bảo vệ rừng xung quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long là những cơ sở hoạt động có hiệu quả, có tác dụng phát hiện và ngăn ngừa tình trạng săn bắn động vật, nhất là săn bắn Voọc quần đùi trắng. Các trạm này phần nào còn có vai trò bảo vệ ngăn ngừa những hành vi khai thác lâm sản, phá hoại rừng, kịp thời phát hiện và phòng chống cháy rừng. Vì vậy cần duy trì mạng lưới các trạm này. Cần xem xét xây dựng thêm trạm bảo vệ rừng ở ranh giới giáp với địa phận tỉnh Hòa Bình để bảo vệ tốt hơn. Tuy đây là việc làm khó khăn, vì trạm mới sẽ nằm

trong rừng, xa khu dân cư, không có được nguồn cung cấp hậu cần, nhưng nó sẽ phát huy hiệu quả bảo vệ khu vực này.

Cần nghiên cứu tăng thu nhập của các nhân viên bảo vệ rừng. Mức lương của nhân viên bảo vệ rừng tính đến cuối năm 2007 là ba trăm ngàn đồng/tháng, một mức lương rất thấp. Chúng tôi kiến nghị cần tăng lương cho nhân viên bảo vệ rừng, ít nhất là bằng với mức lương tối thiểu hiện hành do Nhà nước quy định. Như vậy những nhân viên bảo vệ rừng và cả gia đình họ sẽ thêm gắn bó và có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng.

- Nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo vệ loài Voọc quần đùi trắng nói riêng cho người dân địa phương, cán bộ chính quyền địa phương cũng như cho những người đến du lịch ở Vân Long.

- Nâng cao nghiên cứu khoa học bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có loài Voọc quần đùi trắng. Vân Long có nhiều cơ sở để trở thành một trung tâm bảo tồn và nghiên cứu khoa học quan trọng, bởi lẽ nó vừa là vùng đất ngập nước được bảo vệ bởi công ước Ramsar, vừa là vùng núi đá vôi có địa hình Karst đặc thù. Đặc biệt hơn nữa, Vân Long là nơi sinh sống của loài Voọc quần đùi trắng quý hiếm, số lượng nhiều nhất hiện nay ở nước ta. Do đó, Vân Long có tiềm năng trở thành một khu bảo tồn loài có giá trị cao. Vì vậy, việc tiến hành thêm những cuộc khảo sát để thu thập những tư liệu khoa học nhằm đưa ra những đề xuất nâng cấp Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long lên những bậc cao hơn trong danh sách các khu vực được bảo vệ. Những nội dung nghiên cứu khoa học tiếp theo nên bao gồm:

+ Khảo sát phân bố của Voọc tại khu vực giáp ranh với tỉnh Hòa Bình, là nơi vẫn đang bị xáo trộn bởi hoạt động của con người, số liệu về Voọc chưa rõ ràng, nhằm quy hoạch bảo vệ những đàn Voọc này tốt hơn.

+ Khảo sát toàn diện để lập dự án mở rộng diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long nhằm tạo ra sinh cảnh lớn hơn và an toàn hơn cho sự tồn tại và phát triển trong tương lai của loài Voọc quần đùi trắng.

+ Nghiên cứu điều kiện kinh tế - xã hội của các xã trong huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, để lập dự án kinh tế - xã hội giúp đỡ những hộ dân đang sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long có điều kiện sinh sống và tạo lập nghề nghiệp ổn định, không sản xuất dựa vào khai thác tài nguyên và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của loài Voọc quần đùi trắng trong Khu bảo tồn.

+ Nghiên cứu tập tính vận động của Voọc quần đùi trắng để làm nguồn tư liệu cho nghiên cứu về nguồn gốc và tiến hóa của linh trưởng.

+ Nghiên cứu mối quan hệ giữa Voọc và các loài động, thực vật khác trong nơi sống của chúng, nhằm phát hiện và hạn chế những nguy cơ tuyệt chủng của Voọc quần đùi trắng.

+ Nghiên cứu biện pháp bảo vệ sinh cảnh khỏi sự xâm thực của một số loài cây xâm thực, đã xuất hiện nhiều ở Vân Long, như loài Hoa ngũ sắc

Lantana camara, và xuất hiện lác đác trong khu bảo tồn như cây Mai dương Mimosa pigra, một loài thực vật đang lan rộng ở các tỉnh miền Nam Việt Nam.

+ Nghiên cứu Voọc trong điều nuôi về bệnh của Voọc quần đùi trắng, cụ thể là các loài ký sinh, các vi khuẩn, virus gây bệnh, các cơ chế lây bệnh, nhằm phòng chống dịch bệnh cho Voọc ngoài tự nhiên.

- Chấm dứt những tác động tiêu cực đến khu bảo tồn. Việc nổ mìn phá đá tuy diễn ra ngoài địa phận Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, nhưng vì trước đây khu bảo tồn được thiết lập mà không tính tới một vành đai vùng đệm, nên việc nổ mìn đã ảnh hưởng trực tiếp tới vùng lõi, nơi tập trung quần thể lớn nhất của Voọc quần đùi trắng. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều tảng đá bị sức nổ bắn sang phạm vi quản lý của khu bảo tồn đã ảnh hưởng đáng kể đến môi trường sống của đàn Voọc sinh sống ở gần đó, cụ thể là Đàn số 1 đã di chuyển sâu vào bên trong khu bảo tồn mà đến nay chưa phát hiện lại chúng một cách chắc chắn. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, tỉnh Hà Nam và các đơn vị trực thuộc nên dừng ngay, không cấp phép cho các hoạt động khai thác đá vôi tại những ngọn núi

đá vôi xung quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long. Trước mắt, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long có quyền yêu cầu đơn vị khai thác đá giảm cường độ và sức công phá hoặc chuyển sang vị trí khác để đảm bảo các tảng đá không bắn sang phạm vi khu bảo tồn và không gây tiếng nổ làm cho đàn Voọc sợ hãi. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long cũng nên gấp rút đề xuất thiết lập vùng đệm xung quanh khu bảo tồn ở những nơi có thể mở rộng được, để phần nào hạn chế các tác động có hại nói trên. Cần triệt để ngăn chặn những hành vi khai thác lâm sản quý hiếm trái phép. Đồng thời kiểm lâm cùng với chính quyền địa phương cần ngăn chặn việc người dân vào rừng đốt than, chặt cây xanh làm củi đun, khai thác đá và cây cảnh, đánh bắt thủy sản bằng kích điện, bẫy bắt chim, vv... Những hoạt động khai thác nhỏ lẻ như vậy không những sẽ ảnh hưởng tới sinh cảnh rừng mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới ý thức của bộ phận cư dân địa phương còn lại.

- Sự cách ly giữa các đàn Voọc ở Hang Tranh và dãy Đồng Quyển – Hoàng Quyển là một bất lợi về mặt di truyền đối với đàn Voọc tại Hang Tranh. Đàn này sẽ đối mặt với nguy cơ thoái hóa di truyền, vì số lượng cá thể nhỏ (khoảng 7-8 cá thể) và bị cách ly. Do đó cần tạo sinh cảnh đồng nhất cho toàn bộ khu bảo tồn, phục hồi thảm thực vật, nhanh chóng trồng cây gỗ thức ăn của Voọc và bảo vệ nghiêm ngặt tại khu vực đập Trại Cuốn nối khu núi Hang Tranh với Ba Đào để tạo sự giao lưu về mặt di truyền giữa đàn Voọc ở Hang Tranh và đàn Voọc ở núi Đồng Quyển – Hoàng Quyển. Hiện tại có hai gia đình dân địa phương sinh sống tại khu vực sát đập Trại Cuốn. Hoạt động chăn thả dê và tiếng chó sủa từ nơi dân cư ở có thể là nguyên nhân khiến Voọc không dám xuất hiện ở con đập này. Nếu chúng muốn di chuyển an toàn qua giữa hai khu vực, nhất thiết phải di chuyển trên ngọn những cây gỗ cao. Việc di chuyển dân cư khỏi nơi này sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới đời sống của họ. Biện pháp tốt hơn là trồng những cây gỗ cao to ở khu vực đập vừa có tác dụng giữ đất, vừa tạo hành lang cho Voọc di chuyển.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của loài voọc quần đùi trắng trachypithecus delacouri (osgood, 1932) ở khu bảo tồn thiên nhiên vân long và đề xuất một số giải pháp bảo tồn (Trang 125 - 130)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)