Diện tích vùng hoạt động

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của loài voọc quần đùi trắng trachypithecus delacouri (osgood, 1932) ở khu bảo tồn thiên nhiên vân long và đề xuất một số giải pháp bảo tồn (Trang 45 - 48)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1.2.1. Diện tích vùng hoạt động

Trong điều kiện ở Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, nghiên cứu vùng hoạt động của Voọc quần đùi trắng được tập trung vào 2 đàn: Đàn số 1 và Đàn số 4.

Đàn số 1 với ban đầu có 15 cá thể được theo dõi vùng hoạt động từ tháng 4 năm 2005 đến tháng 4 năm 2006. Đàn số 4 với 7 cá thể từ sau tháng 4 năm 2006 đến tháng 5 năm 2007. Cả hai đàn Voọc này lần lượt cư trú trên khu vực Vũng Sốc, nơi được tập trung khảo sát kỹ hệ thực vật và giám sát vật hậu học, và là nơi có điều kiện quan sát tập tính của Voọc trong khoảng thời gian nhiều nhất trong ngày so với các nơi khác trong khu bảo tồn.

Bằng cách sử dụng lưới ô vuông, vùng hoạt động của Đàn số 1 được xác định là khoảng 36 ha, và vùng lõi (vùng sử dụng nhiều, hay vùng thường xuyên xuất hiện) khoảng 11 ha (hình 3.4). Vùng hoạt động của Đàn số 4 từ tháng 4/2006 đến tháng 12/2006 là khoảng 46 ha và vùng lõi cũng là khoảng 11 ha (hình 3.5). Vùng hoạt động của Đàn số 4 từ tháng 1/2007 đến 5/2007 là khoảng 22 ha, với vùng lõi khoảng 9 ha (hình 3.6).

Kết quả trên cho thấy, diện tích vùng hoạt động của hai đàn Voọc cư trú trên cùng một khu vực nhưng khác nhau về thời gian, khác nhau về số lượng cá thể (Đàn số 1 có 15 cá thể, Đàn số 4 có 7 cá thể) là không như nhau, nhưng có vùng lõi (vùng sử dụng nhiều, hay vùng thường xuyên xuất hiện) tương tự nhau. Mặc dù Đàn số 4 chỉ có 7 cá thể ít hơn Đàn số 1 với 15 cá thể, nhưng vùng hoạt động của Đàn số 4 (46 ha) rộng hơn so với vùng hoạt động của Đàn số 1 (36 ha).

Thảo luận

Diện tích vùng hoạt động trong năm 2007 có thể được ước tính chưa đủ với thực tế, bởi Đàn số 4 lúc này đã ở trên độ cao khá cao và nhiều khi vượt ra khỏi tầm quan sát của chúng tôi. Việc tính toán diện tích vùng hoạt động của Đàn số 4 đã được dừng lại cũng vì lý do này, và kết quả do đó cũng bị giới hạn.

Hình 3.4. Vùng hoạt động của Đàn số 1 trước tháng 4/2006.

Đàn số 4 với 7 cá thể lại có vùng hoạt động của 46 ha, rộng hơn so với vùng hoạt động 36 ha của Đàn số 1 với 15 cá thể. Điều đó gợi ý rằng, vùng hoạt động của Voọc quần đùi trắng ít có khả năng tương quan thuận với số lượng cá thể. Clutton-Brock and Havey (1977) cho rằng tổng khối lượng số thành viên một quần thể sử dụng chung một vùng hoạt động có tương quan thuận với kích thước vùng hoạt động. Tuy nhiên, Bennett and Davies (1994) đã tổng hợp và so sánh

tương quan giữa kích thước đàn và kích thước vùng hoạt động của nhiều loài Colobine và cũng không thu được mối liên hệ nào đáng kể. Kirkpatrick (1996) cho rằng diện tích vùng hoạt động không phụ thuộc nhiều vào số lượng cá thể trong đàn mà phụ thuộc điều kiện sống, chất lượng nơi sống, đặc biệt là nguồn thức ăn, cụ thể là sinh khối thức ăn và mức độ phục hồi của thức ăn sau khi Voọc khai thác. (Các phân tích cụ thể xem phần 3.2. Thức ăn của Voọc quần đùi trắng ở Vân Long).

Một số khỉ ăn lá, đặc biệt là giống Presbytis, có tỉ lệ quả và hạt trong thành phần thức ăn lớn, như Presbytis melalophos ở Kuala Lompat (Bennett, 1983),

Presbytis rubicunda ở Sepilok (Davies, 1991). Ngược lại, T. delacouri ăn chủ yếu lá cây, tỉ lệ lá (gồm lá non và lá trưởng thành) trong thành phần thức ăn là 82,9% (xem phần 3.2). Các loài thực vật thường xanh chiếm ưu thế trong khu vực nghiên cứu, do đó Voọc quần đùi trắng ở Vân Long có thể không cần đến vùng hoạt động quá rộng. Waser (1977) và Isbell (1991) cho rằng sự tăng kích thước đàn đưa đến sự tăng diện tích vùng hoạt động và quãng đường di chuyển trong ngày, và ngược lại. Tuy nhiên trong trường hợp Voọc quần đùi trắng ở Vân Long, giả thiết đó không xảy ra, nghĩa là (1) có đủ thức ăn cho các thành viên trong đàn, hoặc (2) cạnh tranh thức ăn trong nội bộ đàn cao (Fashing, 2001), hoặc (3) Đàn số 4 di chuyển trong một diện tích rộng do tác động của việc nổ mìn.

Kết quả về cạnh tranh trong nội bộ đàn thông qua hoạt động gây gổ cho thấy Voọc quần đùi trắng có tỉ lệ cạnh tranh nội bộ đàn thấp (xem phần 3.5.2.1), và nguồn thức ăn cho Voọc tương đối dồi dào (xem phần 3.2). Có một nguồn nước nằm tại vùng lõi của vùng hoạt động của hai đàn. Nguồn nước này cung cấp cho cho Voọc ít khi phải xuống uống nước ở đầm, trừ khi nguồn nước bị cạn vào tháng 12 và tháng 1. Như vậy nguồn thức ăn và cạnh tranh trong nội bộ đàn không phải là nguyên nhân gây tăng kích thước vùng hoạt động ở Đàn số 4. Do đó, chúng tôi cho rằng việc nổ mìn là nguyên nhân chủ yếu làm cho vùng hoạt động của Đàn số 4 trở nên lớn hơn.

Hình 3.5. Vùng hoạt động của Đàn số 4 sau tháng 4/2006

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của loài voọc quần đùi trắng trachypithecus delacouri (osgood, 1932) ở khu bảo tồn thiên nhiên vân long và đề xuất một số giải pháp bảo tồn (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)