Xây dựng trang mạng xã hội

Một phần của tài liệu e – Marketing dựa trên nền tảng web 2.0 và mạng xã hội thực trạng và giải pháp (Trang 75)

Để có được lợi ích cao nhất, nên đảm bảo rằng website phải trở thành một phần tích hợp trong kế hoạch marketing và chỉ chịu sự giám sát của bộ phận marketing. Công việc cần làm của mỗi doanh nghiệp là chọn lựa một mạng xã hội phù hợp và xây dựng cho mình được một trang mạng xã hội riêng, mang phong cách, văn hóa doanh nghiệp của chính mình khi tham gia hoạt động trong thế giới cộng đồng ảo.

Hiện tại, những trang mạng như Facebook và Zing me được nhiều doanh nghiệp sử dụng hơn các trang mạng khác. Đó là vì hai trang mạng này có lượng người dùng đông đảo, tăng ổn định qua các năm. Về mặt giao diện và các chức năng đều thiết kế đẹp và khá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi các mạng xã hội có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn về chiến lược kinh doanh. Mức độ tham gia các giao dịch trên mạng của người tiêu dùng tăng lên. Các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn và tiếp cận các mạng xã hội khác như một kênh marketing của doanh nghiệp.

Xây dựng nội dung hấp dẫn, phù hợp

Sức lôi cuốn của trang mạng xã hội trước hết là ở nội dung. Nội dung của trang mạng xã hội được hình thành từ các thông tin hữu ích mà doanh nghiệp chia sẻ, các video, hình ảnh mà doanh nghiệp cập nhật cho người tiêu dùng…Doanh nghiệp cần lưu ý rằng mạng xã hội không phải là nơi chứa các thông cáo báo chí hay chính sách doanh nghiệp. Đó là nơi mà doanh nghiệp cần chọn lọc những thông tin hữu ích và thể hiện bằng ngôn ngữ gần gũi thân thiện với cộng động mạng. Đây phải là nguồn cung cấp thông tin hữu ích để giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín của mình khi được người dùng chia sẻ đường link, trích dẫn thông tin hay ý kiến. Khi xây dựng nội dung cho trang mạng xã hội, các doanh nghiệp cần phải bám sát vào đối tượng khách hàng mục tiêu của mình. Việc hiểu được hành vi, quan điểm, xu hướng tiêu dùng của khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được nội dung trang mạng phù hợp nhất. Chẳng hạn, nếu đối tượng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp là người trẻ, doanh nghiệp phải biết được cá tính của thế hệ trẻ hiện đại đã khác so với thế hệ “8X, 7X” ngày xưa rất nhiều. Đối tượng khách hàng trẻ tuổi này đề cao cái tôi cá nhân, đòi hỏi cao và ích kỷ hơn. Họ luôn bị lôi cuốn bởi những điều mới mẻ và sáng tạo. Vì vậy, nếu một trang mạng xã hội kết cấu nội dung sơ sài, nhàm chán, không đổi mới và không đáp ứng được những đặc điểm về cá tính cơ bản đó thì không thể lôi kéo được lượng khách hàng đông đảo này. Thêm vào đó, theo Báo cáo tình hình sử dụng và phát triển Internet Việt Nam của Cimigo năm 2011, có tới 80% số người sử dụng Internet để nghe nhạc, tỷ lệ này ở độ tuổi 15 – 24 tuổi lên tới 92%. Nghe nhạc online đang trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của giới trẻ khi lên mạng. Các trang mạng xã hội của doanh nghiệp hoàn toàn có thể dựa vào yếu tố âm nhạc để tăng sự liên kết đối với người trẻ. Các

nhân viên “chăm sóc” trang facebook của doanh nghiệp có thể sử dụng một bài hát như một lời chào ngày mới đối với khách hàng của doanh nghiệp, hay đơn giản là đăng tải lên một video ca nhạc hay có nội dung phù hợp. Hoặc độc đáo hơn, doanh nghiệp có thể gây tò mò và kích thích xu hướng sở hữu của “độc và lạ” trong giới trẻ bằng cách đăng tải những bản nhạc mới lạ. Xa hơn nữa, doanh nghiệp có thể tổ chức những cuộc thi âm nhạc trực tuyến cho các bạn trẻ để thỏa mãn sở thích của giới tuổi này là thích trở thành ca sĩ. Nắm bắt được nhu cầu giải trí của giới trẻ là con đường ngắn nhất để doanh ngiệp trở nên gần gũi hơn với đối tượng khách hàng sáng tạo và cá tính này. Có rất nhiều ý tưởng để doanh nghiệp có thể xây dựng được nội dung cho trang mạng của doanh nghiệp, nhưng quan trọng hơn cả, nội dung đó phải hấp dẫn đủ để tiếp cận khách hàng mục tiêu, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, và trở thành một kênh thông tin giúp doanh nghiệp nâng cao được uy tín của mình.

Tạo dấu ấn riêng của doanh nghiệp

Việc tạo dấu ấn riêng của doanh nghiệp trên trang mạng xã hội cũng được ví quan trọng như việc xây dựng nên thương hiệu của doanh nghiệp. Một thương hiệu tốt sẽ lưu lại trong tâm trí khách hàng những ấn tượng tốt đẹp, gợi nhớ những giá trị mà công ty đã đem lại cho khách hàng. Việc tạo dấu ấn của doanh nghiệp cũng phải được xây dựng với tiêu chí như vậy. Tham gia vào cộng đồng mạng, doanh nghiệp cần phải tạo ra sự khác biệt dựa trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp cốt lõi cõi của tổ chức. Đây là một điều hết sức quan trọng, bởi lẽ văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố làm nổi bật hình ảnh của doanh nghiệp trong thế giới mạng rộng lớn.

Những thương hiệu thành công được người tiêu dùng yêu ưa chuộng trong thế giới mạng luôn là những thương hiệu khôn ngoan, biết cách làm tô đậm thêm những nét đặc trưng vốn có của doanh nghiệp mình. Như Coca - Cola là một ví dụ điển hình. Coca – Cola vốn từ lâu đã là một thương hiệu luôn khắc sâu trong tâm trí người tiêu dùng một ấn tượng về sự sảng khoái, năng động và trẻ trung. Nhớ đến Coca – Cola, người tiêu dùng sẽ mường tượng ngay ra những quảng cáo mang đầy sức sáng tạo với đầy những điều bất ngờ của. Hãng đã từng có những quảng cáo thực sự hay và ấn tượng khi khắc họa hình ảnh những người trẻ tuổi đang tận hưởng cảm giác chưa bao giờ có khi được bơi lội, chơi đùa trong một chai Coca – Cola khổng lồ, mát lạnh giữa ngày hè nắng chói chang. Đó là những đoạn quảng cáo trên

tivi, còn trên thế giới Internet hãng cũng vẫn giữ được hình ảnh một thương hiệu vui vẻ và luôn khiến cho người tiêu dùng có nhiều trải nghiệm độc đáo vốn có. Hãng đã giới thiệu một video trên trang mạng xã hội, video này có tựa đề “ Unlock the Secret – Khám phá bí mật”. Video này nói về người đã phát minh ra Coca – Cola là Pemberton. Khi click vào các đường liên kết ẩn trong video, người dùng sẽ được liên kết thẳng tới trang Twitter @docpemberton, ứng dụng Ahh Giver trên Facebook (cho phép người dùng gửi tin nhắn video cho bạn bè) và Coke ‘s Smilezier, một tính năng độc đáo cho phép người dùng ghi lại giọng cười và nghe tiếng cười của người khác. Tất cả những hoạt động này khiến người sử dụng cảm thấy hết sức thư giãn, đồng thời khắc họa sâu thêm một hình ảnh Coca – Cola là một thương hiệu vui vẻ - sáng tạo. Đây là một trong những ví dụ điển hình cho thấy việc xây dựng một dấu ấn riêng của doanh nghiệp để thu hút người sử dụng là một việc rất quan trọng. Dấu ấn riêng sẽ góp phần củng cố thêm thương hiệu công ty, đồng thời tạo nên sức lôi cuốn cho trang mạng xã hội của doanh nghiệp đó.

Xây dựng một cộng đồng trung thành với doanh nghiệp

Một trang mạng xã hội sẽ không có tác dụng gì nếu không nhận được sự quan tâm và chia sẻ trong cộng đồng mạng. Đây phải là nơi để khách hàng có thể trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp và những người tham gia khác. Nếu đảm bảo được tính cộng đồng cao trong trang mạng của mình, doanh nghiệp mới có thể khuyến khích khách hàng mới đến và khách hàng cũ thường xuyên quay trở lại trang mạng của doanh nghiệp, làm tăng sự trung thành của khách hàng đối với doanh nghiệp. Lòng trung thành của khách hàng phải được hình thành dần dần qua thời gian tương tác với doanh nghiệp. Nếu khách hàng cảm thấy được quan tâm chu đáo, được chỉ dẫn tận tình và được tham gia chia sẻ về suy nghĩ và trao đổi với những người khác thì nhất định sẽ gắn bó và tạo thành thói quen sử dụng trang mạng của doanh nghiệp.

Đối với việc cung cấp và trao đổi thông tin, các nhân viên phụ trách trang mạng xã hội của doanh nghiệp cần phải tạo được sự gần gũi với khách hàng. Những lời đối thoại với khách hàng thông qua việc bình luận trên mạng phải được diễn đạt với ngôn ngữ văn hóa riêng của thế giới mạng nhưng vẫn phải đảm bảo được sự chính xác về thông tin đưa ra. Thông thường, việc trao đổi và giao tiếp này chỉ nên đề cập liên quan tới những vấn đề về sản phẩm, sự chỉ dẫn về việc sử dụng dịch vụ

công ty và những thông tin liên quan tới những chiến dịch cho sản phấm mới. Việc cung cấp thông tin cần phải tránh đưa những thông tin về vấn đề tài chính hoặc kế hoạch kinh doanh của công ty. Trong trường hợp nhân viên có những phát biểu, tranh luận hay những nhận định khác (không liên quan trực tiếp đến công ty) thì phải nêu rõ đó là những nhận xét của cá nhân nhân viên, tránh phát biểu dưới tư cách của công ty để đề phòng việc ảnh hưởng trực tiếp tới hình ảnh công ty. Những cuộc đối thoại này cần phải diễn ra dưới thái độ tích cực, tôn trọng khách hàng và những người tham gia khác. Làm được những điều này trong việc giao tiếp với khách hàng trên trang mạng, các công ty sẽ xây dựng được hình ảnh tốt trong lòng khách hàng. Từ đó, bước đầu xây dựng nền tảng của lòng trung thành và tin cậy của khách hàng trong việc tham gia trang mạng mà xa hơn là tham gia vào cộng đồng mạng xã hội mà doanh nghiệp đang xây dựng.

Một phần của tài liệu e – Marketing dựa trên nền tảng web 2.0 và mạng xã hội thực trạng và giải pháp (Trang 75)