Trước hết, nhà quản trị marketing phải phân tích và đánh giá môi trường marketing của doanh nghiệp. Đồng thời xác định được điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp để từ đó làm cơ sở cho thiết kế chiến lược và biện pháp marketing điện tử nhằm đạt được những mục tiêu đã đặt ra của doanh nghiệp.
Đầu tiên là việc phân tích, đánh giá hoàn cảnh thị trường và môi trường marketing bên ngoài. Phân tích thị trường, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ quy mô, tính chất và các đặc điểm của thị trường. Thị trường Internet Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường tiềm năng với số lượng người sử dụng Internet tăng dần qua các năm. Lượng người trẻ trong độ tuổi 15 - 34 tuổi chiếm từ 67% - 95% những người sử dụng Internet tại Việt Nam (Cimigo, Báo cáo tình hình sử dụng Internet tại Việt Nam năm 2011). Cũng theo bản Báo cáo của Cimigo, mục đích chính của người truy cập mạng Internet là để tìm kiếm thông tin (chiếm tới 92%), giải trí (78%), tỷ lệ vào mạng với mục đích tham gia diễn đàn và mạng xã hội chỉ chiếm 46% và 36% nhưng cùng với sự phát triển của các mạng xã hội trong thời gian gần đây, thói quen tham gia vào mạng xã hội, cộng đồng mạng đang dần được hình thành. Đây là những thuận lợi cho việc sử dụng các công cụ marketing điện tử nói chung và marketing điện tử qua mạng xã hội nói riêng. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng
công nghệ của Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế. Doanh nghiệp khi tiến hành hoạt động marketing điện tử chỉ ở mức độ đơn giản như cung cấp thông tin, đặt hàng qua mạng, hay trao đổi trực tuyến. Các thao tác phức tạp hơn như xử lý đơn hàng tự động, cá biệt hóa khách hàng, truyền hình tương tác…thì chưa thực hiện được. Thêm vào đó là những vấn đề về hệ thống thanh toán điện tử và an toàn mạng vẫn chưa được hoàn thiện. Người tiêu dùng Việt Nam chưa hình thành thói quen mua bán hàng trên mạng. Điều này gây trở ngại không nhỏ đối với hoạt động marketing điện tử tại Việt Nam.
Trong giai đoạn phân tích môi trường kinh doanh, doanh nghiệp cũng cần phải chú ý phân tích và đánh giá đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhất là đối với những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường và đang cố gắng xác định thị trường mục tiêu thì các đối thủ cạnh tranh sẽ là những người cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này cần xác định:
- Từ khóa khách hàng thường dùng để tìm thấy doanh nghiệp tên trên các công cụ tìm kiếm?
- Doanh nghiệp đó thường quảng cáo trên các trang web nào?
- Trang web của những doanh nghiệp này phục vụ cho đối tượng nào?
Thông qua việc phân tích đánh giá này, các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường có thể học hỏi cách thức, chiến lược marketing của những doanh nghiệp lớn. Đồng thời, có những cách thức chiến lược riêng để duy trì chỗ đứng trên thị trường.
Cuối cùng, trong giai đoạn này doanh nghiệp phải phân tích được sức mạnh, điểm yếu, thời cơ và nguy cơ của doanh nghiệp trên thị trường (Phân tích SWOT). Doanh nghiệp cần xác định điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp trong thực hiện Marketing cho sản phẩm, thị trường. Các nguồn lực chủ yếu cần phải đánh giá là nhân sự, tài chính, công nghệ, marketing và sản xuất. Việc xác định được điểm mạnh điểm yếu của doanh nghiệp đặt trong môi trường kinh doanh Internet sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể tận dụng được cơ hội một cách tốt nhất, cải thiện những điểm yếu của doanh nghiệp để hạn chế được thấp nhất các ảnh hưởng của sự bất lợi từ môi trường kinh doanh bên ngoài doanh nghiệp. Đồng thời, xác định được khả năng của doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được một chiến lược marketing điện tử phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp, giúp hoàn thành mục tiêu đề ra.