Có hơn có kém, hơn thì hiếm, mà kém thì nhiều, nhìn chung đời người thường gói gọn trong khoảng trăm năm mà thôi – tương ứng với ba vạn sáu ngàn ngày. Nguyễn Du đã có một câu Kiều chí lý: Trăm năm trong cõi người ta. Nói thì có vẻ vô lý, chủ quan, nhưng biết bao nhiêu người đã phải thừa nhận đời người thoảng như chớp mắt mà thôi, càng đi đến nửa sau cuộc đời thì thời gian như trôi nhanh hơn. Và khi qua năm mươi tuổi, người ta biết mình đã ở bên kia sườn dốc của cuộc sống, cái chết cách một đoạn đường không còn xa. Cho nên thơ Chế Lan Viên ngoài tuổi năm mươi
nhuốm màu thời gian, cùng với thời gian cái chết hiện hình ngày càng rõ. Mở đầu bằng bài Đề từ trong tập Hoa trên đá (NXB Văn học, H., 1984), ông đã có những câu thơ như:
“Anh như ông vua Thục Bị đuổi bởi thời gian Trước mắt là bể lớn Sau lưng, đất không còn
………. Lửa cháy phòng bên rồi Chần chừ không kịp nữa”
(Đề từ, Hoa trên đá)
Tác giả dùng một ẩn dụ thú vị: nhà thơ bị thời gian truy đuổi, quá khứ là những tháng ngày đã qua, một lần đi rồi không thể bước chân lùi trở lại. Trước mắt là những ngày tháng hữu hạn còn lại của đời người, chẳng khác gì ngõ cụt. Như ông vua Thục cùng đường. Không còn lựa chọn. Chỉ có cái chết.
Mũi tên thời gian cứ trôi đi từ quá khứ đến hiện tại rồi tương lai, đi theo thời gian, cùng với thời gian, cái chết ngày càng hiện hình, từ từ, đều đều, từng chút một:
“Tôi tiếp cận trang giấy ngày mười sáu tuổi Bây giờ sáu ba.
Cái Trang mơ ước một đời chưa với tới. Dần xa.
………
Ấy thế mà hết một cuộc đời văn học
Tính tháng ngày, nửa thế kỷ trôi qua…”
(Hồi ký bên trang viết, 1983, Di cảo thơ I) Từ hiện tại, hồi tưởng về thủa xưa, rồi lại vụt trở về với hiện tại, mới thấy rằng đời người ngắn ngủi như chớp mắt. Tổng của những phút giây từ từ, đều đều, từng chút một ấy thoáng chốc đã gói trọn đời người.
“Nửa thế kỷ rồi, tóc sắp bạc rồi
Tôi còn nghe tiếng vang trong nhà Văn Miếu Cậu bé lên tám là tôi hú một tiếng dài
……….
Cho đến bây giờ đến trước mồ”
Và:
“Khi mùi hương tuổi trẻ trở về Là tuổi trẻ đã ra đi xa lắc
……….
Thời gian không thể hóa thành dòng sông chảy ngược”
(Một thời, viết khoảng năm 1987 – 1988, Di cảo thơ II) Cha ông ta vẫn thường nói: Cuộc đời ngắn chẳng tày gang. Ca dao đã ví von một cách rất hài hước, thú vị, đầy ẩn ý: Cuộc đời ngắn một gang tay/Ai hay ngủ ngày còn lại nửa gang. Ở đây cũng vậy, câu hỏi cuộc đời
nảy sinh từ thủa bé thơ, chưa kịp trả lời thì đã hết kỳ hạn: “Là ta chăng ? Ta chưa kịp trả lời
Thì sông đã cuốn ta vào bóng tối.
Cậu bé chơi tùng dinh vụt già trăm tuổi Câu hỏi thưở bé thơ miệng huyệt trả lời.”
(Hỏi ? Đáp !, Di cảo I)
Bài thơ Lò thiêu, theo ghi chú của nhà văn Vũ Thị Thường – vợ nhà thơ, nó được sáng tác vào 5 – 1988, sau khi Chế Lan Viên rủ vợ đi thăm trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa. Lò thiêu này cách nhà Chế Lan Viên 500 mét. Viết về lò thiêu tác giả lại liên tưởng đến kiếp người bèo bọt:
“Đưa người vào lò
Chiều đến nhặt xương như người ta nhặt thóc
Tai ương, hạnh phúc, ước mơ, bao nhiêu xương thịt
tâm tư một đời
Khét lẹt bay lên trời mây đục. Ta trên đường đi đến lò thiêu
Cuộc hành trình nhẩn nha mà rất gấp
Vội gì than Cuộc đời như gió bay vèo.”
Và còn có rất nhiều câu thơ khác nữa thể hiện sự lạnh lùng của thời gian dẫn dắt theo cái chết đến chắn ngang, chấm dứt cuộc đời:
“Nửa thế kỷ tôi loay hoay
Kề miệng vực ………..
Đã gần hết thời gian của tôi ở trên trái đất”
(Tìm đường, 1988, Di cảo I)
Càng đến giai đoạn cuối cuộc đời, khi tuổi già hơn, sức khỏe yếu hơn do bệnh tật, thì nỗi ám ảnh về cái chết trong thơ Chế Lan Viên không còn mơ hồ, chung chung nữa, mà nó ngày càng hiện hình, lộ rõ:
“Phút nào anh cũng có thể hóa ra đất ra chì tức khắc
………..
Ngẩng nhìn lên tóc xanh chưa hoa râm đã bạc ngang đầu,
Chưa tỉnh dậy, hoàng hôn đã tối. ………..
Thời gian nước xiết
Còn trơ lại đầu lâu”
(Thời gian nước xiết, 1987, Di cảo) Trong bài thơ Xâu kim, tác giả với sự khiêm tốn của mình (hay nói đúng hơn là vì ước vọng quá lớn nên thấy tài năng mình nhỏ bé) đã ví việc mình sáng tác thơ như việc vừa chạy vừa xâu kim. Và những câu thơ còn biểu hiện bóng dáng của thời gian và cái chết:
“Chạy một đời rụng hết cả thanh xuân. ………
Ta chạy một đời không dứt Vẫn toi công !”
(Xâu kim, mùa bệnh 1988, Di cảo I)