Để có thể chiến đấu và chiến thắng hai kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới, bảo vệ được non sông đất nước, dân tộc chúng ta đã phải trả giá không hề nhỏ, chịu không ít mất mát đau thương. Tổn thất mất mát lớn nhất là tổn thất mất mát về mặt con người. Chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi năm, những con số thống kê tổn thất của lịch sử vốn “lạnh lùng”, nhưng nó khiến chúng ta bàng hoàng, đau đớn, rùng mình: Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), chúng ta giành được thắng lợi, nhưng có tới nửa triệu quân nhân Việt Minh chết và bị thương (theo Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam – NXB Chính trị Quốc gia – Hà Nội 2008 trang 184). Còn trong kháng chiến chống Mĩ, theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt thì cuộc chiến tranh này đã gây ra cái chết của từ 3 đến 5 triệu người Việt, trong đó, theo số liệu của trang weps này dẫn từ tài liệu: Phạm Ngọc Thạch – Hồ Khang. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975). Tập VIII. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội. 2008. trang 436 thì về phía quân giải phóng Việt Nam có tới 1,1 triệu quân nhân chết, 300.000 quân nhân mất tích, 600.000 quân nhân bị thương. Tổn thất dân sự là: gần 2 triệu thường dân chết, hơn 2 triệu thường dân mang thương tật suốt đời. Đây là những số liệu được chính phủ Việt Nam công bố chính thức gần đây, nhưng có số thực tế có thể còn cao hơn nữa. Nhắc lại cái sự thật đau lòng: Với hai cuộc chiến liền kề, dai dẳng, hàng triệu người con đất Việt đã chết, cũng hàng triệu người phải bỏ lại chiến trường một phần xương máu, trên tổng dân số Việt Nam lúc bấy giờ, thì đó là một con số khủng khiếp. Dẫn ra như vậy, mục đích chủ yếu không phải là tiếp tục khóc thương, đau đớn cho một thời kỳ bi hùng của dân tộc đã
trôi qua, mà trước hết nhằm để nhấn mạnh rằng: thực tế đã có rất nhiều cái chết. Trong hoàn cảnh ấy, ranh giới giữa sự sống và cái chết đối với mỗi người dân Việt Nam thật mong manh, nhỏ bé. Thần chết luôn chực sẵn trên đầu, tham lam và bạo tàn. Vậy nhưng cái hiện thực bi thương tàn khốc ấykhông khiến mọi người “để ý”. Rất nhiều cái chết nhưng chiến sĩ ra trận chỉ nói đến sự sống, sức sống.
(Ở đây xin được lưu ý: nói khảo sát thơ Chế Lan Viên sáng tác trong thời kỳ kháng chiến là mang tính tương đối, vì trong đó vẫn xếp 3 tập thơ
Ngày vĩ đại (XB 1976), Hoa trước lăng Người (XB 1976) và Hái theo mùa
(XB 1977) sáng tác sau chiến tranh nằm trong giai đoạn này vì sự tương đồng về thi pháp của chúng).
Cách mạng tháng Tám thành công, Chế Lan Viên rũ bỏ hồn thơ lãng mạn và đi theo cách mạng, theo kháng chiến. Ông hăng hái hoạt động văn nghệ và báo chí ở Liên khu Bốn và chiến trường Bình Trị Thiên. Tháng 7 năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng. Nhưng để nảy nở hồn thơ mới cần phải có thời gian. Cho đến 1955 (phải đến 10 năm sau cách mạng tháng Tám) ông mới cho ra đời tập thơ “đầu tay” Gửi các anh thể hiện sự chuyển biến quan trọng trong tư tưởng và hồn thơ Chế Lan Viên. Nó được xem là
vụ gặt đầu sau mười năm ông gắn mình vào cuộc kháng chiến. Và từ đây hàng loạt tập thơ nối tiếp nhau ra đời phản ánh sức sáng tạo mạnh mẽ của tác giả theo bước tiến cách mạng. Xuyên suốt từ Gửi các anh (1955) đến
Ánh sáng và phù sa (1960), đến Hoa ngày thường, chim báo bão (1967), đến Những bài thơ đánh giặc (1972), đến Đối thoại mới (1973), đến Ngày vĩ đại (1976), đến Hoa trước lăng Người (1976), và Hái theo mùa (1977) chúng ta thấy nổi bật lên là sức sống mạnh mẽ, bất diệt của dân tộc.
Trong tất cả các tập thơ nêu trên, được sáng tác trong thời kỳ chiến tranh chống Mĩ cứu nước (1954 – 1975) – cuộc chiến tranh đẫm máu, chúng ta đã phải hy sinh rất nhiều máu và nước mắt mới giành được thắng lợi (số liệu đã dẫn ra ở trên), vậy nhưng thơ sáng tác trong hoàn cảnh đó
không hề thấy nói đến cái chết, không có những giọt nước mắt u buồn, bi thương đau đớn… Trái lại, một không khí hào hùng, một cảm hứng sử thi, một giọng điệu sôi nổi, một không khí tươi vui, … biểu lộ sức sống phi thường của cả dân tộc.
Sức sống phi thường được biểu hiện bằng một niềm tin mãnh liệt, bất diệt, to lớn, vĩ đại… vào tương lai, vào ngày mai tươi sáng của tổ quốc, dân tộc (bất chấp những mất mát khủng khiếp đã xảy ra):
“Ôi! Tương lai như hải cảng lắm tàu Những con tàu chở đầy hạnh phúc
Ôi! Tương lai như mùa chiêm lắm thóc Lắm tiếng cười, lắm cánh bồ câu.”
(Chim lượn trăm vòng, Ánh sáng và phù sa)
Sức sống phi thường biểu thị ở sự sống vẫn sinh sôi, trường tồn, tươi đẹp; tình yêu vẫn nảy nở trong lửa đạn chiến tranh:
“Trưa nay em đến ngủ phòng anh Thăm thẳm trời cao thăm thẳm xanh
Anh trút tình thương trong sắc biếc Ru cho em ngủ giấc trưa lành.”
(Trưa, Ánh sáng và phù sa) Và:
“Căn phòng nho nhỏ hai ta Hoa hồng mọc bên cửa sổ, Mỗi ngày lại mỗi ngày qua
Mỗi ngày thấm đượm hương hoa.”
(Hoa những ngày thường, Hoa ngày thường) Cuộc sống, sự sống, sức sống được biểu hiện qua những niềm vui, cái đẹp rất bình dị, đời thường. Đó là những khung cảnh, xúc cảm được nảy sinh trong sinh hoạt đời thường:
“Thôi nhớ hoa xong lại nhớ người
Chiến khu phương ấy trắng mây trời Chửa về Tuyên – Thái thăm tre, trúc
Hãy đến sông Hồng ngắm nứa xuôi”
(Nhớ Việt Bắc, Ánh sáng và phù sa) Và:
“Nỗi vui mùa lúa chín
Cộng với rừng chim ca
Đã nhân lòng ta dậy
Chia đều trăm trang thơ.” (Toán)
Đó là những lời ca tiếng hát tươi vui, nhún nhảy: “Trời xanh theo ta
Hai bên tàu điện
Trời xanh quyến luyến Như bầy chim ca.
…..
Ôi con sông Hồng
Em là sông mật
Hay là sông hương? Xuôi chảy ái tình
Nuôi làng nuôi xóm Ngô tít tắp vàng Bông mân mê trắng
Lúa rờn thương thương.”
(Thấy sông thôi lại thấy người, Đi ra ngoại ô) Cuộc sống biểu hiện qua thiên nhiên, mùa xuân:
“Hoàng thảo hoa vàng… Chợt nhớ ra
Câu thơ tháng chạp mình chưa viết Mà đó hoa vàng, xuân tháng ba.”
(Hoàng thảo hoa vàng, Đối thoại mới) Và:
“Đứng ngã ba đường cây gạo son
Người tình nhân đỏ chói môi hôn
Xe ta qua mãi mà không dứt Chiều tối màu son đỏ chói hồn”
(Hoa gạo son, Hái theo mùa)
Không chỉ là sức sống của cá nhân, mà đó còn là sức sống của cả cộng đồng, cả dân tộc được biểu hiện qua vẻ đẹp của văn hóa, truyền thống lịch sử:
“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc,
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng…” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng, Hoa ngày thường) Và:
“Ta đã yêuViệt Nam đẹp, Việt Nam thơ, bát ngát câu Kiều, bờ tre, mái rạ…
Mái đình cong cong như bàn tay em gái giữa đêm chèo,
Cánh cò Việt Nam trong hơi mát xẩm xoan, cò lả
Cái đôn hậu nhân tình trong nét chạm chùa Keo…” (Thời sự hè 72, bình luận; Những bài thơ đánh giặc) Sự sống, sức sống còn được biểu hiện qua sự tái sinh, hồi sinh con người, hồn thơ:
“Xưa ở sông Ngô ta đánh mất vàng Đánh mất tâm hồn ta. Nhưng hiện tại Như sông tương đã trả vàng ta lại
Khắp đôi bờ tư tưởng chói hào quang.”
(Vàng của lòng tin, Ánh sáng và phù sa) Và:
“Bốn năm đạn lửa chim bay hết Nay tiếng bom im, cánh biếc về
Tiếng hót đầu tiên, ơ, lạ lắm! Cả làng rưng lệ đứng im nghe.”
(Chim biếc Vĩnh Linh, Đối thoại mới) Nói tóm lại, qua các tập thơ nêu trên, thấy rằng trong giai đoạn sáng tác này của Chế Lan Viên, sự sống, sức sống được ông biểu lộ một cách mạnh mẽ, đa dạng qua nhiều phương diện, khía cạnh khác nhau: đó có thể là tinh thần lạc quan, niềm tin vào tương lai tất thắng, tươi sáng của dân tộc; đó là tình yêu vẫn nảy nở, đằm thắm, đắm say trong khói lửa chiến tranh; đó là những vần thơ cảm nhận về thiên nhiên, cuộc sống tươi đẹp; là sự tự hào về mạch nguồn văn hóa của dân tộc... Ở đây không đi vào thống kê, phân tích cụ thể; tuy nhiên với việc điểm qua và lược trích một số đoạn thơ như trên cũng đủ để chứng minh rằng: Thơ Chế Lan Viên sáng tác trong hoàn cảnh xảy ra rất nhiều cái chết (vì chiến tranh ác liệt), nhưng chỉ nói đến sự sống mà thôi. Bởi con người chức phận – nhà thơ chiến sĩ đã định hướng, chi phối hồn thơ của tác giả lúc này.
2.2 Không phải là chết, mà đó là sự hy sinh
Chiến tranh đi liền với chết chóc. Cái chết đe dọa đến trước hết là đối với những người lính, người chiến sĩ nơi chiến trường. Rồi cái chết xảy ra đối với những người dân bình thường do bom rơi đạn lạc… Trong chiến tranh thì cái chết có mặt khắp nơi, sự có mặt của thần chết nhàm chán đến mức mà người ta coi là chuyện bình thường. Trong thơ Chế Lan Viên giai đoạn này cũng nói về những con người nằm xuống, nhưng đó không phải là cái chết, mà đó là sự hy sinh.
Vậy chết và hy sinh phân biệt với nhau như thế nào? Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (NXB Khoa Học Xã Hội, HN 1988) thì từ chết và hy sinh cùng nằm trong một trường nghĩa, có cùng nét nghĩa: đều là động từ, chỉ những con người mất khả năng sống, không còn biểu hiện của sự sống, các chức năng sinh lý ngừng hẳn. Đây cũng chính là nét nghĩa cơ bản, quan trọng nhất, nghĩa mang tính trung hòa của từ chết. Cùng có nét nghĩa nói trên, tuy nhiên từ hy sinh có sự khác biệt với từ chết về nghĩa sắc thái, đó chính là lý do cho sự tồn tại của từ hy sinh bên cạnh từ
chết trong vốn từ vựng tiếng Việt. Từ hy sinh có hai nét nghĩa cơ bản. Nghĩa thứ nhất là nó cùng chỉ người chết, nhưng đó là cái chết vì nghĩa vụ, lý tưởng cao đẹp. Ví dụ: Tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh. Nét nghĩa thứ hai đó là chỉ những người nhận về phần mình một cách tự nguyện sự mất mát lớn lao nào đó, vì một cái gì cao đẹp. Ví dụ: Hy sinh hạnh phúc riêng. Hy sinh tất cả để dành độc lập.
Đối chiếu với nghĩa từ điển của từ hy sinh với từ chết như nói trên, chúng ta thấy rằng: thơ Chế Lan Viên viết trong thời kỳ kháng chiến, ngoài việc ca ngợi, biểu hiện sự sống, sức sống còn ca ngợi, biểu hiện sự hy sinh;
sự hy sinh chứ không phải là cái chết.
Chiến tranh, nhiều người con đất Việt đã nằm lại nơi chiến trường. Không ai muốn đổ máu, nhưng vì độc lập của tổ quốc thì sẵn sàng xã thân.
Nhiều người đã chết, nhưng đó không phải là cái chết tự nhiên, mà đó là cái chết vì tổ quốc, là sự hy sinh.
Sự hy sinh, trước hết là của những người lính nơi chiến trường: “Ngã xuống ở Mường Pồn
anh đâu biết có mùa cam Anh chỉ thấy dây thép gai đồn giặc
Tôi yêu những người chửa nhìn ra hạnh phúc Lúc đồng đội cần, dẫu chết chẳng từ nan.”
Không chỉ có những người lính, mà cả dân tộc nguyện hiến dâng cho tổ quốc:
“Những năm toàn đất nước có một tâm hồn, có chung khuôn mặt
Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ như nhau,”
(Con mắt Bạch Đằng – Con mắt Đống Đa, Hoa ngày thường – Chim báo bão)