Bộc lộ một quan điểm thẩm mĩ mới

Một phần của tài liệu Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên (Trang 39)

Dựng nên một thế giới nghệ thuật như một niềm kinh dị như vậy trong Điêu tàn cũng là một cách để tác giả bộc lộ một quan niệm thẩm mĩ mới.

Chế Lan Viên, cùng với Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, đã lập nên Trường Thơ Loạn trên xứ sở kinh đô của vương quốc Chàm xưa. Có thể coi lời tựa Điêu tàn (đã dẫn ra ở trên) do chính ông viết hồi đó chính là tuyên ngôn và cương lĩnh của trường thơ này. Trường Thơ Loạn “chịu ảnh hưởng trực tiếp những quan niệm thẩm mĩ của Edgar Poe”. Quan niệm thẩm mĩ của Poe là: Xa lánh cái thế giới thường ngày tẻ nhạt, thích tạo ra một thế giới khác nên thơ hơn, kinh dị hơn. Điểm tựa chính của ông là hình ảnh, khái niệm “dream”, tức là sự mộng mơ, mơ tưởng, mơ ước. Thơ ông mang tính siêu cảm, mọi thứ trong đó đều bao phủ một làn sương khói, bay bổng, không trọng lượng, không da thịt và hầu như không thể lí giải được; thơ chủ yếu viết về tâm trạng.

Về sau, nhóm thơ Bình Định chịu ảnh hưởng nhiều của các nhà thơ Pháp, đặc biệt là của Charles Baudelaire. Với Baudelaire thì: “Hỡi cái đẹp! Con quái vật vĩ đại khủng khiếp và chất phác thơ ngây. Dù ngươi đến từ trời cao hay địa ngục. Điều đó có hề chi. Nếu con mắt, nụ cười và bàn chân

của ngươi mở cho ta cánh cửa của vô tận mà ta mến yêu và chưa hằng biết đến”. Thế giới bên trong ở thơ Baudelaire đầy những nghịch lí: “Người phụ nữ đẹp sẽ là “một cái xác thối” dưới mồ, giòi bọ xâu xé, ăn thịt; bà già còm cõi, trước kia là một thiếu nữ có trái tim yêu nồng nàn; con thiên nga lê lết đôi cánh trắng muốt trong cống rãnh; con hải âu cánh mênh mông, rơi xuống sàn tàu, trở thành trò đùa cợt ác tâm của những gã thủy thủ”. Chịu ảnh hưởng của quan niệm thẩm mĩ đó, nhóm thơ Bình Định bắt đầu “đi tìm cái đẹp ở bến bờ xa lạ của cảm giác, tìm những khoái lạc bệnh tật ở những vùng đất hoang dại chưa được khai phá”. Hàn Mạc Tử có Chơi giữa mùa trăng, Bích Khê có Sọ người, Xác thịt, Ăn mày…, Hoàng Diệp có Người say, Phút trụy lạc, Chế Lan Viên thể hiện trong Điêu tàn. Hàn Mạc Tử đề tựa Tinh huyết của Bích Khê viết: “Thi sĩ khát khao, hoài vọng với cái mới, cái đẹp, cái gì rung cảm hồn phách chàng đến tê liệt, dại khờ, dù cái đẹp ấy cao cả hay ti tiện, tinh khiết hay nhơ bẩn, miễn là có tính chất gây nên đê mê, khoái lạc. Tới đây, ta nhận thấy văn thơ của Bích Khê nhuộm đầy máu huyết của Baudelaire, tác giả tập Hoa ác (Les fleurs du Mal). Thơ lúc ấy sẽ ham thích hết sức những cái gì thanh cao, như hương thơm nhân đức của các vì á thánh hay say mê điên dại cái gì hết sức tội lỗi mà người thế gian chưa hề phạm tới”.

Từ những điều trên ta thấy quan niệm về thơ và nhà thơ của Trường Thơ Loạn đã có sự thay đổi. Yếu tố cực đoan, mạnh mẽ dị thường đã được tăng cường vào tác phẩm. Theo nhà nghiên cứu Hà Minh Đức: “Họ muốn xác lập một thế giới mới trong thi ca khác với quan hệ quen thuộc của đời thường… Cái logic của thi ca đã trở nên khác biệt và nhiều khi đối lập với logic của cuộc đời. Nhà thơ, chủ thể sáng tạo là một nhân tố mạnh, xem mình như một trung tâm của vạn vật mà bộc lộ cảm xúc một cách khác thường”.

Như vậy, cùng với một số nhà thơ khác trong nhóm thơ Bình Định, Chế Lan Viên đã tỏ lộ một quan niệm nghệ thuật khác lạ so với thơ ca Việt

Nam thời đó. Với họ: cái đẹp chính là cái buồn, cái quái đản, nó có nguồn cội từ ảnh hưởng của Poe và Baudelaire. Do đứng ở điểm khởi đầu của niềm kinh dị, nên quan điểm mĩ học này có sức hấp dẫn, mời gọi những ai thích khám phá, sáng tạo cái khác lạ, cái mới trong nghệ thuật.

Ngoài ra, cần phải thấy rằng niềm kinh dị Điêu tàn còn có một nguyên nhân sâu xa khác: Đó là tư tưởng siêu hình, căn bản triết lí của nhà thơ. Chế Lan Viên từng nói: “Mở đầu tôi yêu Chúa, rồi tôi yêu Phật”. Tôn giáo đã đưa ông đi về phía hư vô. Đi vào tôn giáo chính là đi vào nỗi buồn ghê gớm nhất, vào hư vô của những hư vô sâu thẳm nhất. Chế Lan Viên đã dựng lên một thế giới riêng để triết luận, Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Xuân Diệu, Bích Khê, Quách Tấn… cũng trong một “từ trường” địa văn hóa như Chế Lan Viên, nhưng họ chọn đối tượng khác ông, bởi vì tư tưởng của họ khác. Cái thế giới cõi âm rùng rợn ma quái của Điêu tàn là cần cho nhà thơ “Để nếm lại cả một thời xưa cũ / Cả một dòng năm tháng đã trôi qua”.

Trước sự lạnh lùng, buồn bã của thời đại, Chế Lan Viên đã đem cái im lìm, ghê rợn của cõi tịch liêu để nhập vào không gian thời gian của từng đối tượng mong tìm những cảm xúc đặc biệt để hôn mê, “điên dại” bằng tiếng nói thi ca. Quay về quá vãng để nói nỗi bi phẫn của hiện tại bằng hình ảnh lạ là sự quái đản của Chế Lan Viên.

Một phần của tài liệu Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)