Như đã nói ở trên, Điêu tàn chính là kết quả của Chế Lan Viên “phản ứng” lại với những Tháp Chàm “lẻ loi, bí mật” trên đất Chiêm Thành xưa, nơi chàng trai trẻ bộc lộ tình yêu nước và thể hiện một quan niệm thẩm mĩ mới. Nhưng nếu như chỉ có những yếu tố ấy không thôi thì chưa thể “sinh thành” nên Điêu tàn được. Có thể nói rằng, nhờ một trí tưởng tượng phi thường mà Chế Lan Viên đã “chuyển hóa” được những yếu tố trên thành những vần thơ “kỳ dị”.
Nói đến văn học nghệ thuật là chúng ta nói đến sự tưởng tượng.
Tưởng tượng không phải là viễn vông, mà tưởng tượng là để sáng tạo, tưởng tượng gắn với sáng tạo. Bởi bản chất của nghệ thuật là hướng tới cái duy nhất, cái cá biệt; dùng cái duy nhất, cái cá biệt để phản ánh cái chung, cái toàn thể. Do đó, phải tưởng tượng và sáng tạo mới có thể tạo nên cái duy nhất, cái cá biệt được.
Tưởng tượng là một hiện tượng tâm lí nhằm tái tạo, biến đổi các biểu tượng trong trí nhớ và sáng tạo ra những hình tượng mới. Thông qua tưởng tượng người ta liên kết cảm xúc, suy nghĩ lại với nhau, tạo thành hình tượng mới. Tưởng tượng chắp cánh cho tư duy con người thoát khỏi sự lệ thuộc vào các sự việc trước mắt, mở rộng tầm nhìn, đi vào những chỗ sâu thẳm, bí ẩn của thế giới và con người, sáng tạo ra những cái mới không lặp lại. Là con người dựng lên trong óc mình những hình ảnh con người, sự vật, sự kiện mới chưa từng được trực tiếp tri giác hoặc chưa có trong hiện thực. Tưởng tượng và sáng tạo “là khởi sự một hành trình, một sự xuất thần, thực hiện một cuộc phiêu du của linh hồn”.
Tìm đến một thế giới khác với hiện tại – cõi chết hoặc ở chốn hư vô mà không cần bám víu vào hiện thực nào khác, chỉ với những chất liệu được tạo ra bằng trực giác và tưởng tượng . Cuộc sống trần thế nhường chỗ cho cõi tinh thần, tâm linh. Cuộc sống đích thực của nó trong miền hoang tưởng. Sự chối bỏ cuộc sống hiện hữu để tìm đến một thế giới tâm linh. Chế Lan Viên trình bày, thể hiện về cuộc sống không phải như ông nhìn thấy, như ông cảm thụ trực tiếp mà như ông suy nghĩ. Chế Lan Viên đã có một trí tưởng tượng không thường, thần bí để sáng tạo, để nhớ thương, để mơ ước, để hy vọng, để đặt ra những câu hỏi, để tìm kiếm câu trả lời, để không bị bó hẹp trong hiện thực nhàm chán, bế tắc, chật chội. Bằng kiến thức và bằng trái tim, ông tin rằng chân lí nhiều khi nằm trong trí tưởng tượng của con người, chứ không nhất thiết phải những gì trước mắt chúng ta đang thấy. Bởi vậy cho nên, khi đến với Điêu tàn chúng ta bắt gặp một
thế giới hoàn toàn xa lạ - thế giới của cõi chết – cái thế giới mà con người ta một đi không bao giờ có thể trở về - thế giới mà chưa từng được người sống chứng thực – thế giới chỉ có trí tưởng tượng thần bí, không thường, vô bờ bến mới có thể “đến” và “giao tiếp” được, “thấy” được. Cái thế giới mà ở đó:
“Này chiếc sọ người kia, mi hỡi
Dưới lần xương mỏng manh của đầu mi Mi nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối? Mi trông mong ao ước những điều chi”
(Cái sọ người) Và:
“Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”
(Trên đường về)
Bằng một trí tưởng tượng không thường, thần bí, Chế Lan Viên đã tạo dựng nên một thế giới khác lạ, nơi ông có thể “đến” với cái chết, “nói chuyện” với sự chết. Ông đã thực hiện cuộc phân ly kinh dị giữa xác và hồn, là sự nghiệm sinh cái chết của hữu thể để sống phần tâm linh, vô thức.