Sống – chết theo quy luật xã hội

Một phần của tài liệu Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên (Trang 70)

Con người là một bộ phận của tự nhiên, phải tuân theo quy luật của tự nhiên. Bên cạnh con người tự nhiên là con người xã hội. Cả phần tự nhiên và phần xã hội kết hợp với nhau mới tạo nên Con Người theo nghĩa viết hoa của từ này. Có thể nói con người tự nhiên là điều kiện cần, con người xã hội là điều kiện đủ để con người trở thành Con Người. Trong xã hội, con người cũng có những quy luật của riêng nó, bên cạnh quy luật của tự nhiên.

Về vấn đề sự sống – cái chết, theo quy luật của tự nhiên, như đã nói ở trên, đó là: có sống ắt có chết, có sinh ắt có diệt; nó khách quan, tuyệt đối, không có ngoại lệ. Nhưng về vấn đề này, theo quy luật xã hội, con người tạo ra những “luật lệ”, giá trị của riêng mình, đôi khi không trùng với quy luật tự nhiên.

Theo quy luật của tự nhiên, mọi người đều như nhau, “bình đẳng” trước cái chết. Bất luận là ai, từ người có quyền lực tuyệt đối, vô hạn như Tần Thủy Hoàng trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, đến gã Chí Phèo tứ cố vô thân, kẻ khốn cùng trong xã hội Việt Nam tối tăm nghèo khó đầu thế kỷ XX, đã được sống (sinh ra) thì đều phải chết (chữ sống được hiểu là tồn tại trên đời). Tuy nhiên, sự sống – cái chết theo quy luật xã hội lại có những “lý lẽ” của riêng nó, đó là: Không phải tất cả mọi người đều “bình đẳng” trước cái chết, không phải mọi cái chết đều là sự biến mất vĩnh viễn. Đối với một số người, họ trường tồn, bất diệt cùng nhân loại. Hồ Chí Minh là một người như thế.

Không nói đến những cống hiến lớn lao của Người đối với dân tộc và nhân loại nói chung trong thế kỷ XX cho đến muôn đời sau, vì đó là một công việc dư thừa. Ở đây chỉ muốn tóm gọn rằng: với cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tình cảm, phẩm hạnh… của mình, Hồ Chí Minh là một vĩ nhân; Người là ánh sáng soi đường, “khai sáng” cho dân tộc và nhân loại. Bởi

vậy cho nên, Người không hề chết trong lòng dân tộc và nhân loại tiến bộ:

“Nay về nằm nghỉ trên võng thiên thu bên Bể Loài Người

Trong giấc ngủ còn nghe bể thở.

…..

Bác nằm đấy như cái gì nối tiếp

Giữa núi sông lại núi sông, con người lại con người.”

(Ta nhận vào ta phẩm chất của Người, Hoa trước lăng Người) Đối với chúng ta, cái chết đến với Người nó chỉ có thể lấy đi phần thân xác, còn lại thế giới tinh thần là vẫn trường tồn, vĩnh cửu, sống mãi cùng thiên thu:

“Họ khóc. Một hoa sen vừa khép lại rồi

Đóa hoa sen mặt đất tỏa hương trời Hương nhân ái thấm vào hồn ta mãi”

(Tiếng khóc đúc Việt Nam thành một khối, Hoa trước Lăng Người)

Hồ Chí Minh – Người bất tử trong xã hội loài người. Trong xã hội, cùng với xã hội, Người có “cuộc sống” vĩnh cửu, bất diệt:

“Bác đang sống ở trong dòng lịch sử”

do đó:

“Và ta yên tâm đi trên trái đất này

Có Bác bên mình, có Bác đâu đây

(Giờ phút chót, Hoa trước Lăng Người) Như vậy ở đây, quy luật xã hội khác quy luật tự nhiên về sự sống và cái chết. Một con người được sinh ra, tự nhiên trước sau gì, sớm muộn gì ( trước hay sau, sớm hay muộn cũng chỉ dao động trong khoảng “trăm năm trong cõi người ta” ) cũng lấy lại, đòi lại phần vật chất của nó; nhưng xã hội lại giữ lại phần tinh thần, giá trị tinh thần của nó.

Như vậy, từ hình tượng Hồ Chí Minh, tác giả có sự nhìn nhận khía quát về sự sống – cái chết là: con người không bất tử, vĩnh hằng đối với tự nhiên, nhưng có thể bất tử, trường tồn trong xã hội. Vĩ nhân là những con người bình thường như bao con người bình thường khác về mặt tự nhiên, cho nên không “thoát khỏi” cái chết. Nhưng những cống hiến của họ, giá trị tinh thần, tư tưởng của họ lại còn mãi, tồn tại mãi trong lòng xã hội, được dân tộc và nhân loại nâng niu, gìn giữ… Đối với dân tộc, nhân loại họ bất tử. Đây là quy luật xã hội. Xã hội giữ trong lòng nó, nâng niu và trân trọng những ai cống hiến, dâng hiến, tạo dựng giá trị cho nó.

Như đã nói, Hồ Chí Minh là hình tượng trung tâm của thơ ca cách mạng; viết về Người có đến hàng ngàn hàng vạn bài thơ, trong đó viết nhiều nhất và thành công nhất, vẫn chỉ có thể là Tố Hữu và Chế Lan Viên. Trước sự ra đi về cõi vĩnh hằng của Người, thơ ca nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung trong lòng vẫn cứ “mâu thuẫn”: Một mặt, chúng ta biết Người đã ra đi vĩnh viễn, đã rời xa chúng ta vĩnh viễn. Nhưng mặt khác, chúng ta vẫn nói Người sống mãi, vĩnh cửu bất diệt. Điều này bắt gặp trong rất nhiều bài thơ:

“Cứ nghĩ: Hồn thơm đang tái sinh

Ngôi sao ấy lặn, hóa bình minh

Cơn mưa vừa tạnh, Ba Đình nắng

Bác đứng trên kia vẫy gọi mình

(Theo chân Bác, Tố Hữu) Và:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim !”

Thực chất, không có “mâu thuẫn” nào cả. Khi viết về Bác – cụ thể là sự ra đi về cõi vĩnh hằng của Người, các nhà thơ có sự đan xen giữa lý trí và tình cảm; nói đúng ra là sự đan xen, hòa kết giữa quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Riêng đối với Chế Lan Viên, ông đã có một sự “tách bạch”, “rõ ràng” nhất định trong tư duy khi đặt cái chết của Người theo sự soi chiếu của quy luật tự nhiên và quy luật xã hội.

Tổng hợp lại, chúng ta thấy rằng, thơ Chế Lan Viên (cùng với rất nhiều nhà thơ khác) thời kháng chiến, khi nói về sự sống và cái chết thường tạo ra những “nghịch lý” so với chúng ta hôm nay: Thơ ca ngợi sự hy sinh, sự hy sinh không đồng nghĩa với cái chết, mà lại đồng nghĩa với sự sống. Nhưng điều này là hoàn toàn dễ hiểu nếu chúng ta chia tách vấn đề, nhìn nhận sự sống cái chết từ góc độ tự nhiên hay xã hội?! Từ khía cạnh tự nhiên mà nói, hy sinh đồng nghĩa với cái chết, hy sinh nghĩa là chấm dứt sự sống. Và chết là hết, không có đời sống vĩnh cửu. Nhưng

từ góc độ xã hội mà nói, hy sinh đồng nghĩa với sống, hy sinh là một cách sống có ý nghĩa trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Không phải mọi cuộc đời đều phải đặt dấu chấm hết sau cái chết. Mà ngược lại, cuộc đời, có cái chết là sự hóa thân để trở thành bất tử. Sở dĩ có điều này, là bởi với hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, xã hội lúc ấy, Chế Lan Viên cũng như hầu hết những người nghệ sĩ cách mạng khác đều nhìn nhận, xem xét vấn đề cái chết tập trung ở khía cạnh, phạm vi, ý nghĩa xã hội; mà bỏ qua, hay xem nhẹ mặt tự nhiên, vật chất, hiện hữu của nó. Sự sống – cái chết, đối với xã hội có những “lý lẽ” của riêng nó mà “tự nhiên không thể hiểu được”. Ở đây chỉ xin được chỉ ra góc nhìn của tác giả như vậy, mà xin không bàn luận sự đúng sai, ưu khuyết trong mỗi góc nhìn ấy.

Chương 3: Về Lẽ Sống, Chết Của Nhà Thơ Triết Nhân

Một phần của tài liệu Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên (Trang 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)