Hình tượng nhân vật trữ tình

Một phần của tài liệu Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên (Trang 109)

Nói đến thơ trữ tình thì kèm theo đó là nhân vật trữ tình. Bởi nhân vật trữ tình là yếu tố quan trọng nhất trong thơ trữ tình. Về khái niệm nhân vật trữ tình trong thơ trữ tình, cho đến nay trong lý luận văn học vẫn còn chưa thống nhất, các nhà nghiên cứu khác nhau thường có cách cắt nghĩa khác nhau. Theo GS Phương Lựu:“Đó là hình tượng người trực tiếp bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng trong tác phẩm trữ tình. Nhân vật trữ tình không có diện mạo, hành động, lời nói, quan hệ cụ thể như nhân vật trong tác phẩm tự sự và kịch. Nhưng nhân vật trữ tình cụ thể trong giọng điệu, cảm xúc, trong cách cảm cách nghĩ. Qua những trang thơ ta như gặp tâm hồn người, tấm lòng người. Đó chính là nhân vật trữ tình (…).”

Nội dung tác phẩm trữ tình gắn liền với hình tượng nhân vật trữ tình. Nói đến nhân vật trữ tình cần phải phân biệt với khái niệm nhân vật trong tác phẩm trữ tình.Nhân vật trong tác phẩm trữ tình là đối tượng để nhà thơ gửi gắm tâm sự, cảm xúc, suy nghĩ... của mình, là nguyên nhân trực tiếp khêu gợi nguồn cảm hứng cho tác giả. Nhân vật trữ tình không phải là đối tượng để nhà thơ miêu tả mà chính là những cảm xúc, ý nghĩ, tình cảm, tâm trạng, suy tư...về lẽ sống và con người được thể hiện trong tác phẩm, là nguyên nhân trực tiếp khơi gợi nguồn cảm hứng nơi tác giả. Khi đọc một bài thơ, trước mắt chúng ta không chỉ xuất hiện những cảnh thiên nhiên,

sinh hoạt, những con người mà còn một hình tượng của một ai đó đang ngắm nhìn, rung động, suy tư về chúng, về cuộc sống nói chung. Hình tượng ấy chính là nhân vật trữ tình. Ðó là tâm hồn, nỗi niềm, tấm lòng... mà người đọc cảm nhận được qua tác phẩm thơ ca. Cũng cần phải thấy nhân vật trữ tình và nhân vật trong tác phẩm trữ tình đôi khi thống nhất nhưng không đồng nhất.

Phần lớn nhân vật trữ tình xuất hiện với tư cách là những tình cảm, tâm trạng, suy tư... của chính bản thân nhà thơ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp nhân vật trữ tình không phải là hiện thân của tác giả. Do tính chất tiêu biểu, khái quát của nhân vật trữ tình nên nhà thơ có thể tưởng tượng, hóa thân vào đối tượng để xây dựng nhân vật trữ tình theo qui luật điển hình hóa trong sáng tạo nghệ thuật. Có thể coi đây là những nhân vật trữ tình nhập vai. Nói cách khác giữa nhân vật trữ tình và nhà thơ có mối quan hệ thống nhất nhưng không đồng nhất với nhau.

Từ những khái niệm nêu trên, đối chiếu vào tập thơ Điêu tàn ở khía cạnh biểu hiện chủ đề sự sống, cái chết thì nhân vật trữ tình có một vài đặc điểm nổi bật sau đây:

Nhân vật trữ tình xuất hiện trong Điêu tàn một cách trực tiếp với đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “tôi” và “ta”. Trong đó, theo sự thống kê, nhân vật trữ tình trong các bài thơ của Điêu tàn được thể hiện một cách trực tiếp thông qua nhân vật xưng “ta” xuất hiện trong 27 bài trên tổng số 36 bài, chiếm 75%, cụ thể ở các bài: Cái sọ người, Ngủ trong sao, Ta, Trên đường về, Tạo lập, Những nấm mồ, Bóng tối, Đêm tàn, Xuân về, Vo lụa, Tiết trinh, Đợi người Chiêm nữ, Cõi Ta, Mơ trăng, Mộng, Điệu nhạc điên cuồng, Đừng quên lãng, Mồ không, Đọc sách, Nắng mai, Tắm trăng, Xương khô, Đám ma, Máu xương, Đầu rơi, Xương vỡ máu trào, Đầu mênh mang.

Cần phải nhấn mạnh lại: Đặc trưng cơ bản của tác phẩm thơ trữ tình là trong tác phẩm bộc lộ tình cảm, cảm xúc, tư tưởng, tâm trạng một cách cụ thể, trực tiếp; và nhân vật trữ tình là người bộc lộ những tình cảm, cảm

xúc, tư tưởng, tâm trạng đó. Do đó trong mọi tác phẩm trữ tình đều có nhân vật trữ tình, và nhân vật trữ tình không nhất thiết phải “xưng danh” một cách trực tiếp. Bởi vậy cho nên nhân vật trữ tình xuất hiện một cách trực tiếp xưng “ta” trong Điêu tàn (theo như sự thống kê ở trên) là một đặc điểm mang tính phong cách sáng tác của tác giả trong tập thơ này. Trong tập Điêu tàn nhân vật trữ tình chính là tác giả, thống nhất với tác giả. Đến đây đặt ra câu hỏi: Nhân vật trữ tình xưng “ta” một cách dày đặc như vậy nói lên điều gì?

Trở lại với hoàn cảnh sáng tác tập Điêu tàn đã nói ở phần trên: Điêu tàn ra đời ở giai đoạn đỉnh cao của phong trào Thơ Mới. Mà cái đặc trưng nhất của Thơ Mới để phân biệt với thơ cũ đó là nhấn mạnh cái tôi, cái ta

(ngã), cái cá biệt, cái riêng, cái duy nhất. Vì thế sự xuất hiện nhân vật trữ tình xưng “ta” một cách dày đặc như vậy trong tác phẩm cũng là điều dễ hiểu. Đó là cách để tác giả bộc lộ, nhấn mạnh cái tôi, cái riêng của bản thân mình. Mặt khác đặt Điêu tàn trong Trường Thơ Loạn của phong trào Thơ Mới thì chúng ta thấy nhu cầu bộc lộ cái tôi, cái riêng, cái cá biệt lại càng cần thiết, lại càng được nhấn mạnh.

Thêm nữa, khi sáng tác Điêu tàn, tác giả của nó mới chỉ là một cậu bé 15, 16 tuổi. Theo quy luật của Tâm lý học đây là lứa tuổi dậy thì, lứa tuổi có sự phát triển mạnh mẽ nhất về tâm và sinh lý. Lứa tuổi mà mỗi cá nhân bắt đầu có nhu cầu nhận thức về bản thân mình và nhận thức về thế giới một cách mạnh mẽ nhất. Để nhận thức về bản thân mình và nhận thức về thế giới thì có sự đối lập, sự phân biệt nhị nguyên giữa tôi và cái khác, giữa ta (ngã) và cái bên ngoài ta. Có thể nói ở lứa tuổi này mỗi cá nhân thường xây dựng cho riêng mình một thế giới, thế giới của ta, cho ta, do ta

sáng tạo nên bằng trí tưởng tượng của bản thân mình. Đó là lứa tuổi mà ta là một thế giới (nhấn mạnh sự khác biệt đến mức đối lập). Cho nên nhân vật trữ tình mới xưng “ta” nhiều như vậy.

Một phần của tài liệu Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên (Trang 109)