Trong Điêu tàn, dù cái chết, cõi hư vô, những buồn đau là dòng chủ đạo, thì đâu đó, đôi lúc chúng ta vẫn bắt gặp những câu thơ, dòng thơ, bài thơ (dù là ít ỏi) mang những sắc thái tươi vui cả về thiên nhiên và tâm hồn con người thể hiện sự khát khao sống, niềm vui sống của chàng thi sĩ trẻ tuổi.
Nói về sức sống, bộc lộ sức sống trong Điêu tàn, tác giả của nó không chỉ bộc lộ một cách trực tiếp, mà nhiều hơn hết lại là sự thể hiện một cách dán tiếp.
Như đã đề cập đến ở phần trước, trong Điêu tàn, mặc dù đầy rẫy về cái chết, nhưng dường như trong các dòng thơ không thấy sự quằn quại đau đớn, bi thương, bi lụy, bi thiết… Ngược lại, nói nhiều về cái chết nhưng lại đầy âm thanh, đầy tiếng động, ma dường như cũng đầy sức lực. Các động từ như kêu, gào, thét xuất hiện rất nhiều trong tập thơ. Tập thơ có 36 bài, và hầu như bất cứ bài nào cũng có những động từ và tính từ chỉ mức độ cao, đạt đến cực điểm, tuyệt đối. Thống kê cho thấy rằng động từ và tính từ chỉ mức độ cao xuất hiện dày đặc (in đậm từ biểu thị mức độ cao):
- Chảy, va, vỡ (Mộng)
- Ran nóng, bừng cháy, lay vỡ, điên cuồng, chảy vang lên tràn ngập, rồ dại, say sưa (Điệu nhạc điên cuồng)
- Rồ dại, theo đuổi, đua nhau cười, theo đuổi, rồ dại, rộng lan (Đừng quên lãng)
- Náo động, rung dài, chuyển, tung mây, say đắm, vỡ tan, ôm ấp (Mồ không)
- Tan, bay phấp phới, đùa rỡn, tưng bừng bay (Nắng mai)
- Cởi truồng, cởi truồng, nhảy vào quay cuồng, lăn lộn, ghì, riết, cởi, lột, đè, múc ào đi, trút cả (Tắm trăng)
- Tỏa đầy, rung chuyển, gió lộng, náo động, xa vang, động, say sưa, vang cất (Xương khô)
- Lay động, vùn vụt đuổi, đua nhau (Tiếng trống)
- Lướt ngàn xanh, rực rỡ, huyết kêu rạo rực, rạo rực bãi tha ma, ồ ạt, ồ ạt trôi, cuồn cuộn, lôi mạnh (Sông linh)
- Bay, nóng, tươi, lan, chảy, nhai, uống, cuồng dại, uống, hút tận, tiếng cười, câu ca, điệu hát (Máu xương)
- Rên xào xạc, ca hát (Đêm xuân sầu)
- Chuyển rung, trào, dội, điệu nhạc vang (Đầu rơi)
- Áp, truyền gọi, truyền, ngã nghiêng, lăn lộn, kêu gào, rít lên, sôi trào, vỡ rạn, quay cuồng, múa may, gió lốc, hét vang, rung động, quay cuồng, múa may, nghiêng ngã, cười thét, khóc gào vang (Xương vỡ máu trào)
- Cắt phăng, chứa chan, tràn trề, nguồn máu vọt, ghê tởm, lầy lụa, đựng, no nê, hả hê, ngây ngất (Đầu mênh mang)
- Ghê rợn, đuổi nhau, rùng rợn, rữa tan, vô cùng rồ dại, riết, tuôn chảy, cắn, điên cuồng nuốt (Cái sọ người)
- Đất trời xoay chuyển, rung động, sầu tư, đua nhau rụng, đua nhau đổ, căm hờn, sầu khổ (Những sợi tơ lòng)
- Lòa chói, tán loạn đua, lao xao, vơ níu, dạt trôi, ôm, ghì, tán loạn chạy, hỗn độn, say sưa, kêu, réo (Ngủ trong sao)
- Gầy mòn, đổ nát, lở lói rỉ rên, hỗn độn, rộn rã, giao trận, thét gầm vang, cuộn, oán hận, tuôn rào rạt (Trên đường về)
- Kinh khủng, loang lổ, rung động cả ngàn sâu, chen, rung chuyển, rên rỉ, gào vang, loa vang, ngựa hý, hung hăng, rực rỡ, rền vang, vang lừng, sông réo vang lừng, nước cuộn trôi về, nhuần đượm, gầm vang, rung chuyển, vang tiếng sét, toan vỡ (Chiến tượng)
- Điên cuồng, mênh mang, bát ngát, say sưa, lời kêu, tiếng rú bật vang tai, lăn lóc, hôn mê, vụt bay lên vòi vọi (Tạo lập)
- Chôn , giết, điên cuồng, quàng liệm (Những nấm mồ)
- Rên rỉ, nguyền rủa, thịt người nẩy nở, tiếng xương rên, thở than, oán trách (Bóng tối)
- Lay đổ, chìm đắm, sầu hận, lay động, vụt biến (Đêm tàn) - Rung động, tê liệt, suối máu, lòng điên, ý chết (Hồn trôi)
- Tràn trề, ngây ngất, cởi phăng, quăng tuốt, say, điên thấu não, giãy dụa, vang nổi, riết chặt (Vo lụa)
- Bừng sáng (Thu)
- Kinh hãi, điên, đua nhau trào lên, bẻ (Tiết trinh) - Riết, điên cuồng, dãy dụa, điên (Trăng điên) - Say (Xuân)
- Bát ngát, mênh mông, vô biên, trào, ngập chìm, vụt đến, dìm
(Cõi ta)
“Ta cởi truồng ! Ta cởi truồng ra ! Ngoài kia trăng sáng chảy bao la, Ta nhảy vào quay cuồng thôi lăn lộn, Thôi ngụp lặn trong ánh vàng hỗn độn Cho trăng ghì, trăng riết cả làn da
( )
Và:
Như cô hồn rạo rực bãi tha ma, Khi ồ ạt như muôn năm không dứt,
Ồ ạt trôi nguồn máu chiến trường xa.” (Sông linh) Và:
“Ta sẽ áp sọ dừa vào ngực nóng,
Truyền những nguồn sinh khí của thân ta, Và sẽ đắm khối xương trong bể sóng
Của nhãn quang, bừng sáng, lửa châu sa.” (Xương vỡ máu trào)
Ngoài ra còn có rất nhiều câu thơ khác nữa, nhưng ở đây không có điều kiện để liệt kê ra.
Qua sự thống kê nêu trên, gần như 100% số bài thơ trong tập Điêu tàn tác giả của nó đều sử dụng động từ, bên cạnh đó là việc sử dụng rất nhiều hình dung từ chỉ mức độ cao. (Ở đây có chú thích để nhấn mạnh rằng liệt kê về động từ và hình dung từ mà tác giả sử dụng trong các bài thơ trong tập thơ Điêu tàn là sự thống kê chưa đầy đủ, đã lược bớt, chỉ đưa ra hầu hết những động từ và hình dung từ chỉ mức độ, tính chất cao mà thôi). Điểm đặc biệt, đáng lưu ý ở đây không chỉ là tần số xuất hiện của động từ và hình dung từ một cách dày đặc, mà đáng chú ý hơn đó thường là những động từ và hình dung từ chỉ mức độ cao. Điêu tàn là một thế giới đầy chết chóc, nhưng cõi chết trong đó không u ám, thinh vắng, thê lương, quạnh quẽ; mà ngược lại, đó lại là một thế giới đầy rẫy âm thanh sống động, huyên náo, giàu năng lượng. Vì thế cho nên, dù là nói về thế giới của cõi chết, nhưng nó lại dán tiếp biểu hiện sức sống, sự sống. Sự sống, sức sống ở đây được hiểu chính là nguồn sức mạnh, sức lực luôn sôi trào đến mức làm náo động cả cõi chết, cõi hư vô. Điều này nghe qua tưởng chừng như mâu thuẫn, nhưng thực chất có sự hợp lý của nó. Như đã lý giải ở phần trên, nói nhiều về cõi chết, cõi hư vô không phải là Chế Lan Viên
chán sống, Chế Lan Viên muốn chết, mà đó là một cách để ông bộc lộ sự ham muốn được sống theo cách của mình, được sống và xây dựng một thế giới mà mình muốn; kiểu như chúng ta thường hay nói: phủ nhận thực tại (không đáng sống) cũng là một cách thể hiện lòng ham sống, sự yêu đời; bởi vì có yêu đời, có ham sống mới muốn sống cho ra sống, sống cho đáng sống là nghĩa như vậy. Hơn nữa, khi hoàn thành tập thơ, chàng thi sĩ trẻ mới 17 tuổi, tuổi của sức lực và khát vọng, cho nên sự sống, sức sống (được hiểu là nguồn năng lượng dồi dào) được bộc lộ dán tiếp qua mọi hành động, trong đó có sự suy tư về cái chết cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, sức sống trong Điêu tàn còn được thể hiện một cách cụ thể, trực tiếp qua những vần thơ trong trẻo tươi vui. Mặc dù ít ỏi, nhưng suốt tập thơ, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp một vài dòng thơ tươi sáng, rạng rỡ, rạo rực biểu trưng cho sức sống tràn đầy. Chẳng hạn:
“Pháo đã nổ đưa xuân về vang động Vườn đầy hoa ríu rít tiếng chim trong ……….
Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ Vài quả xanh khảm bạc hớ hênh phô, Xoan vươn cành khều mặt trời rực rỡ, Bên bóng râm lơi lả nhẹ nhàng đu.
Đây tà áo chuối non bay phất phới Phơi màu xanh lấp lánh dưới sương mai Đây, pháo đỏ lập lòe trong nắng chói Đây hoa đào mỉm miệng đón xuân tươi.”
(Xuân về)
Trong bài thơ Xuân về gồm bảy khổ thơ, trong đó có đến bốn khổ tác giả của nó miêu tả về thiên nhiên tươi mới, dán tiếp bộc lộ một sức sống
dồi dào, trẻ trung. Nhưng cũng cần phải lưu ý, xuyên suốt tập Điêu tàn thì sự xuất hiện của những dòng thơ tươi vui miêu tả về thiên nhiên như trên là hiếm hoi.
Sự sống được bộc lộ không chỉ qua những vần thơ miêu tả về thiên nhiên, cảnh vật, mà đó còn là những vần thơ bộc lộ khát vọng, “ham muốn” của con người, sức sống, khát khao của tuổi thanh xuân, của “anh” và “em”:
“Ta gặp nàng trên một vì sao nhỏ Ta hôn nàng trong bóng núi mây cao Ta ôm nàng trong những nguồn trăng đổ Ta ghì nàng trong những suối trăng sao”
(Ngủ trong sao) Và:
“Đưa môi đây, này môi anh chan chứa Rượu yêu đương bừng nóng của tình si.”
(Trăng điên) Và:
“Cô không lụa? Hãy cởi phăng mảnh áo! Áo cũng không? Quăng tuốt cái làn da! Ta mơ rồi, say rồi, điên thấu não! Muốn bay lên vo cả dải Ngân Hà. ………
Ôi! Hồn tôi và hồn cô muôn thủa
Lẫn vào nhau riết chặt mối tình xuân!” (Vo lụa)
Qua những câu thơ trên, với những động từ mạnh, thể hiện sự nồng nhiệt, cuồng nhiệt như: ôm, hôn, ghì, môi chan chứa, rượu yêu đương bừng nóng, riết chặt mối tình, tình si chúng ta phần nào thấy được những
khát khao, những đắm say, nguồn năng lượng dạt dào, rất trần thế, đầy sức sống của chàng thanh niên tuổi đôi mươi.
Như vậy, qua những điều đã phân tích trên, đến đây có thể nói: Điêu tàn là một thế giới chết được tạo nên bởi người sống (đang còn rất trẻ). Vì vậy trong thế giới nghệ thuật đó sự sống, sức sống và cái chết xen kẽ vào nhau, hòa lẫn vào nhau. Có “sự sống” sau cái chết, và “chết” khi vẫn còn đang sống. Nói đúng hơn thì đây là sự đan cài giữa thực và ảo, giữa hiện thực với cõi siêu hình, hư vô. Tóm lại, trong Điêu tàn, Chế Lan Viên nói về cái chết, thế giới chết bằng sự tưởng tượng, bằng sức sống của tuổi trẻ.
Chương 2. Sự Sống, Cái Chết Của Nhà Thơ – Chiến Sĩ
Như đã nói ở phần mở đầu: sự nghiệp sáng tác của Chế Lan Viên được chia ra thành ba thời kỳ rõ rệt, tương ứng với mỗi thời kỳ có một nhà thơ riêng trong cùng một con người. Hồn thơ Chế Lan Viên vận động theo những biến chuyển của lịch sử dân tộc, của thời đại. Nếu như trước cách mạng đó là sáng tác của nhà thơ - lãng mạn, thì giai đoạn 1945 – 1975 là sáng tác của nhà thơ - chiến sĩ. Và giai đoạn sau cùng thì đó lại là sáng tác của một nhà thơ – triết nhân. Đối với mỗi tư cách nhà thơ khác nhau thì Chế Lan Viên lại có một cái nhìn khác nhau về sự sống, cái chết.
Trong Điêu tàn, với nỗi sầu thời đại của hồn thơ lãng mạn, Chế Lan Viên đưa chúng ta chu du vào miền chết mà rời xa sự sống. Với giai đoạn sáng tác thứ hai thì hoàn toàn ngược lại: sức sống của nhà thơ chiến sĩ làm cho sự sống được dâng trào trong thơ.
Như chúng ta biết, nhà thơ chiến sĩ được “sinh ra” trong cuộc chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Chiến tranh nhân dân là gì? Làm rõ vấn đề này vượt quá khả năng của chúng tôi. Tuy nhiên, nói một cách ngắn gọn, sơ lược nhất: Chiến tranh nhân dân là cuộc chiến mà ở đó mỗi người dân là một chiến sĩ. Cho nên nhà thơ – nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Và Chế Lan Viên đã trở thành một trong những người tiên phong, đi đầu, nổi bật trong cái tư cách nhà thơ – chiến sĩ
ấy. Nói cách khác: con người chức phận – nhà thơ chiến sĩ đã chi phối, dẫn đường mọi cảm xúc thơ văn ở Chế Lan Viên trong giai đoạn sáng tác này. Và con người chức phận – nhà thơ chiến sĩ Chế Lan Viên sống trong một
thời đại sử thi – thời đại mà dân tộc làm được những điều kỳ vĩ, phi thường. Thời đại sử thi khiến cho văn chương có chất sử thi, cảm hứng sử thi, nội dung sử thi…
Văn học sử thi – cách mạng là đối tượng quan tâm chủ yếu của hầu hết nhà nghiên cứu, nó được soi chiếu quá nhiều, và hầu như đã được “giải
mã” hết cả bề rộng lẫn bề sâu. Do đó ở đây, xin được đề cập đến văn học sử thi – cách mạng nói chung và nhà thơ chiến sĩ Chế Lan Viên nói riêng viết về chủ đề sự sống – cái chết một cách ngắn gọn, sơ lược. Cũng bởi không muốn lặp lại một công việc gần như đã hoàn thiện.