Nghệ thuật thơ thời Di cảo

Một phần của tài liệu Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên (Trang 122)

4.3.1 Về hình tượng và ngôn ngữ thơ

Đến thơ thời Di cảo thì hình tượng và ngôn ngữ trong thơ Chế Lan Viên lại một lần nữa có sự thay đổi. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu, vì thơ ca phản ánh đời sống, khi mà đối tượng phản ánh của thơ ca khác đi thì lẽ dĩ nhiên hình tượng và ngôn ngữ của nó sẽ khác đi.

Chiến tranh đi qua, đối tượng và nhiệm vụ của thơ không còn là cuộc kháng chiến thần thánh của cả dân tộc nữa, mà nó chuyển hướng trở về phản ánh hiện thực đời sống thường nhật. Bởi vậy, những hình tượng thơ kỳ vĩ, trung tâm của cuộc kháng chiến một thời như bà mẹ Việt Nam, Hồ Chí Minh, người chiến sĩ anh dũng, tổ quốc, Trường Sơn, sông Hồng, Điện Biên… cùng với nhiều địa danh khác là những hình tượng xuất hiện chính yếu trong thơ đã dần dần được thay thế, nhường chỗ cho những hình tượng

thơ khác. Hoặc cũng là những hình tượng cũ, nhưng giờ đây được thi nhân phản ánh, nhận diện từ góc nhìn khác.

Về hình tượng thiên nhiên, trước đây trong thơ xuất hiện nhiều hình tượng thiên nhiên mang tầm vóc, kích thước lớn lao kỳ vĩ; nó thường có thể đại diện, biểu trưng cho tổ quốc, đất nước. Nhưng đến đây, hình tượng thiên nhiên được phản ánh vào thơ chỉ còn là những gì gần gũi, bình dị, đơn sơ, nhỏ bé, gắn với cuộc sống thường nhật như: lá sen hồ, hoa súng, gió đầu mùa, mùa ve, tiếng ve, hoa giấy, sương trên cành, lá bàng, cây bàng, quả bàng,… Cũng cần lưu ý trong thơ thời kỳ cách mạng bên cạnh hình tượng thiên nhiên kỳ vĩ vẫn có xuất hiện hình tượng thiên nhiên bình dị, đời thường như ánh trăng, hoa, con cò, ban mai, chim vít vịt… Tuy nhiên, cả hình tượng thiên nhiên kỳ vĩ mang hình bóng của đất nước, tổ quốc lẫn hình tượng thiên nhiên bình dị, gần gũi đều là “cái cớ” cho tác giả có thể khái quát, biểu hiện, hướng đến những điều vĩ đại, lớn lao, mang tính lý tưởng. Còn hình tượng thiên nhiên bình dị, đơn sơ, gần gũi thời Di cảo được “giữ nguyên” như nó vốn có, hoặc chỉ là “cái cớ” để tác giả phản ánh hiện thực trần trụi, đa diện của đời thường, không hề tô vẽ, không hề lý tưởng hóa:

“Chim cu gù ánh sáng Sương trên cành chưa rơi Tôi ở hoàng hôn của tuổi Nên yêu sương móc của đời.”

(Sương trên cành, Di cảo thơ I) Và:

“Màu hoa súng ấy như cơn đau không dám khóc Chỉ lặng yêu sắc tím để mà đau”

Một số hình tượng thơ ở giai đoạn trước đó cũng xuất hiện trở lại, như hình tượng người mẹ, người lính…, nhưng giờ đây lại phản ánh một nội dung khác.

Trước đây là niềm tự hào, sự ngợi ca về người mẹ, thì giờ đây hình tượng người mẹ hiện lên thật đáng xót xa, thương cảm:

“Mẹ già chạy gạo nuôi anh hùng từng ngày từng buổi Một tháng bao lần ngô ghế theo khoai.

Thế mà anh đi tìm nắm cỏ tiên để hái Mẹ cần ăn, anh cho nắm cỏ hái trên trời.”

(Hái trên trời, 1986, Di cảo thơ III) Không còn là hình tượng những người công dân, người chiến sĩ anh hùng bất khuất, dũng cảm kiên cường, đáng tự hào nữa; thay vào đó là

hình tượng người dân, người lính đáng…thương trong cuộc sống đời thường:

“Người nông dân ấy đã bốc mộ cho hàng ba trăm thương binh Xác anh em và xác con mình

……….

Quên rằng giờ chiến thắng mười năm Anh ta vẫn khổ

Con vào trường không có chổ Đến bệnh viện không có tiền Ra đường không ai nhớ Về làng người ta quên.”

(Một người thường, Di cảo thơ II) Nhìn một cách khái quát, hình tượng thơ Chế Lan Viên sáng tác trong thời kỳ cách mạng và thơ trong thời kỳ Di cảo có sự đối lập: Hình tượng thơ thời kháng chiến tập trung hơn, phản ánh những bình diện đã được chỉ định, lựa chọn từ trước, về cơ bản hình tượng thơ đã được định hướng một cách rõ ràng, xoay quanh các chủ đề cơ bản, chính yếu như tổ

quốc, lãnh tụ, người mẹ, người chiến sĩ và một số cảnh huống sinh hoạt trong kháng chiến mang tính biểu trưng cách mạng cao. Ngược lại, hình tượng thơ thời Di cảo phong phú, phức tạp, nhiều bình diện, nhiều màu vẻ, đa dạng và “phân tán”, không có mức độ định hướng tập trung cao như trước, mà tùy thuộc vào sự ngẫu hứng lựa chọn của thi nhân trước sự bộn bề, hỗn độn, pha tạp, đa diện… của đời thường.

Có sự khác biệt nói trên là điều dễ hiểu. Bởi cái hiện thực cuộc sống trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, nói theo một cách nào đó nó “đơn điệu”, “đơn giản” hơn. Cái “đơn điệu”, “đơn giản” muốn nói đến ở đây là những vấn đề trong đời sống được xác định, nhận diện một cách rõ ràng, rành mạch, thống nhất, một chiều, dứt khoát, tuân theo sự đối lập, phân chia nhị nguyên: địch – ta; yêu nước – không yêu nước, dũng cảm – hèn nhát; dâng hiến, hy sinh – ích kỷ, nhỏ nhen; vì lợi ích cộng đồng – vì hạnh phúc cá nhân; … Từ sự đối lập đó, đối với những vấn đề nói trên, mỗi cá nhân cá thể chỉ có một yếu tố, một sự lựa chọn: hoặc là cái này, hoặc là cái kia, chứ không thể có (nói đúng hơn là hiếm có) cả hai. Và những tư tưởng, tình cảm, lựa chọn của mỗi cá nhân trong xã hội đối với những vấn đề nói trên, nói theo một cách nào đó, là “dễ dàng”. Chữ “dễ dàng” được hiểu là những tư tưởng, tình cảm, kết quả lựa chọn đã được xã hội, cộng đồng lựa chọn, định hướng sẵn cho cá nhân rồi. Mỗi cá nhân, về tư tưởng, tình cảm, nhận thức, lý tưởng sống… đã không cần phải nhọc công lựa chọn nữa, vì trong hoàn cảnh ấy, kết quả của sự lựa chọn đã có ngay khi có sự đối lập nhị nguyên nói trên. Cá nhân không phải nhọc công lựa chọn lý tưởng sống, vì lý tưởng sống đã “có sẵn” dành cho họ. Trong hoàn cảnh ấy, hình tượng cuộc sống được phản ánh, tái hiện trong thơ thống nhất, tập trung, ít hơn là điều dễ hiểu.

Ngược lại, thoát khỏi chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường, thì đời sống không còn “đơn giản”, “đơn điệu” như vậy nữa. Không có sẵn những tư tưởng, tình cảm, ý nghĩ chung cho mỗi cá nhân; mà mỗi cá nhân

phải đi tìm lý tưởng sống cho mình giữa cái hiện thực hỗn độn, đa chiều, phức tạp ấy. Mỗi cá nhân phải “tự mình” suy tư, dằn vặt, trăn trở, đấu tranh… để lựa chọn cách sống, chân lý cho riêng mình. Lúc này đây, không có cái chung, mà chỉ thấy sự hỗn độn, bề bộn; cá nhân phải “một mình” đối mặt, đối diện với cái hiện thực phức tạp, nhiều chiều. Mặt khác, khi nhận thức suy tư về đời sống, cá nhân lại tạo ra cho mình một thế giới nữa từ thế giới hiện thực; mà thơ là một kiểu nhận thức, suy tư; cho nên thế giới hình tượng trong thơ Chế Lan Viên giai đoạn này có sự thay đổi, phong phú, đa dạng, phức tạp hơn trước là điều hiển nhiên.

Về ngôn ngữ thơ, như đã nói, tương ứng với những hiện thực khác nhau, những vấn đề khác nhau, những đối tượng, những hình tượng khác nhau sẽ có ngôn ngữ khác nhau để tư duy, biểu hiện, diễn đạt về chúng.

Trở lên trên, phản ánh về đời sống cách mạng, về cuộc kháng chiến theo lý tưởng của nó tất yếu đó sẽ là ngôn ngữ mang âm hưởng hào hùng, giọng điệu ngợi ca, đầy tự hào là chủ đạo. Nhưng đến với thơ Di cảo, chúng ta thấy rằng ngôn ngữ thơ đã có khác biệt so với trước. Những từ ngữ - cái lớp từ trung tâm, cơ bản, được dùng với tần suất cao của một thời như: đồng chí, anh hùng, hy sinh, chiến sĩ, Đảng, tổ quốc, Trường Sơn,đánh Mỹ, chiến thắng, kẻ thù, bom đạn… đã dần vắng bóng trong thơ Chế Lan Viên. Thay vào đó là ngôn ngữ của cuộc sống bình thường, không liên quan, nói đúng hơn là ít liên quan đến chiến tranh, bom đạn, hy sinh, anh hùng… như trước. Như đã nói, vì thơ ca lúc này trở về với cuộc sống đời thường với sự phong phú, đa diện của nó nên hình tượng thơ phân tán hơn, hình tượng thơ không tập trung vào một chủ đề như trước, do đó về ngôn ngữ thơ không có một “lớp từ cơ bản” được sử dụng với tần suất cao như trước. Nói là vậy, nhưng thực ra vẫn có một số từ ngữ được lặp lại với tần suất cao như: thời gian, cuộc đời, thơ… Những từ ngữ này xoay quanh một số hình tượng được tác giả nói đến nhiều trong thơ, đó là hình tượng thời gian, đời người với nỗi ám ảnh của cái chết khi về già (như chúng tôi

đã nói ở chương 3), hình tượng thi sĩ với công việc làm thơ. Chúng ta thấy rằng, khi xã hội trở về với cuộc sống bình thường, đối với Chế Lan Viên, lúc này đây làm thơ không phải là một công việc để phục vụ một công việc khác như trong giai đoạn kháng chiến nữa, mà làm thơ – sáng tạo thơ là tất cả công việc của cuộc đời thi nhân, cho nên hình tượng người thi sĩ với công việc làm thơ và hình tượng thơ (thơ về thơ – theo như cách nói của Chế Lan Viên) là những hình tượng được nói đến nhiều trong thơ Chế Lan Viên giai đoạn Di cảo. Như một nhà nghiên cứu đã nói: Đối với Chế Lan Viên, thơ là một tôn giáo.

Một điểm đáng lưu ý nữa về ngôn ngữ thơ giai đoạn Di cảo, đó là giọng điệu trong thơ Chế Lan Viên. Đôi khi cũng có những niềm vui nho nhỏ, nhưng nhìn chung, thay cho cái giọng điệu đầy tự hào, ngợi ca, say sưa thời cách mạng là một giọng điệu thơ đầy buồn bã, xót xa, bất lực, chán nản, phê phán,… có cái cay đắng cho đời và cay đắng cho mình…

“Quá nhiều bất công Tội ác trùng trùng

Chả hiệp nào buồn xách gươm lên ngựa”

(Đôngky sốt, 1985, Di cảo thơ I)

4.3.2 Về hình tượng nhân vật trữ tình (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Cùng với sự vận động, biến đổi khác thì hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ Chế Lan Viên cũng có sự thay đổi. Khảo sát các tập thơ Chế Lan Viên sáng tác trong giai đoạn cuối, lúc này nếu xuất hiện một cách trực tiếp thì nhân vật trữ tình thường “xưng danh” là “tôi”, “anh”. Cái “tôi”, “anh” ở đây hoàn toàn khác với trước.

Thời Điêu tàn, nhân vật trữ tình khi xuất hiện trực tiếp ngoài việc “xưng danh” “ta” là chủ yếu thì còn xưng “tôi”. Với cái “ta”, cái “tôi” này, tác giả muốn nhấn mạnh cái riêng, cái cá biệt, cái cá tính, cái riêng có. Như chúng ta vẫn thường nói mỗi cá nhân, mỗi con người là một tiểu vũ trụ. Và “tôi”, “ta” thời Điêu tàn muốn xây cho mình một thế giới, một vũ trụ riêng,

nhấn mạnh cái khác biệt, cái bí ẩn của bản thân mà không quan tâm nhiều, không chờ đợi sự thông cảm, sẻ chia của “người ngoài”.

Đến giai đoạn sáng tác thời kỳ cách mạng, nhân vật trữ tình xuất hiện, xưng danh một cách trực tiếp qua nhiều “vai” khác nhau. “Tôi”, “ta” là hai cách xưng danh phổ biến bên cạnh những cách nhân xưng phổ biến khác như “con”, “anh”,… Và “tôi”, “ta” ở đây không phải là sự nhấn mạnh cái riêng, cái khác biệt, cái đơn lẻ, cá biệt nữa, mà lại muốn hòa vào cái chung, có xu hướng hướng tới cái chung, cái cộng đồng. “Tôi”, “ta” vận động hướng về “chúng ta”.

Cuối cùng, đến thơ thời Di cảo, nhân vật trữ tình khi xuất hiện trực tiếp trong thơ lại tiếp tục nhân xưng “tôi”, “anh”. Nhưng “tôi”, “anh” ở đây mang ý nghĩa, tính chất khác. “Tôi” trong Di cảo là cái “tôi” nhỏ bé, bất lực, cái “tôi” riêng tư chứ không phải cái “tôi” nhấn mạnh sự khác biệt như trong Điêu tàn hay cái “tôi” hướng tới cái chung như trong thơ thời kỳ cách mạng. Còn “anh” ở đây không giống với “anh” trong thời kỳ cách mạng. Nhân vật trữ tình xưng “anh” trong thời kỳ cách mạng có hai ý nghĩa: “anh” là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít, “anh” trong nghĩa phân biệt với “em”; và “anh” mang nghĩa là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít, “anh” trong nghĩa “anh ấy”. Còn nhân vật trữ tình nhân xưng “anh” trong Di cảo

ngoài một vài nhân xưng “anh” được tạo nên trong mối quan hệ, từ sự định vị với “em”, thì “anh” hầu hết được phân xuất từ “tôi”, là kết quả của việc phân xuất từ “tôi”; là “tôi” trong cuộc độc thoại, trong cuộc đối thoại, trong việc giao tiếp với chính bản thân mình, nói cách khác thì “anh” chính là “tôi”, “anh” là sự chia tách ra từ “tôi” để nói về bản thân mình. Thể hiện qua rất nhiều câu thơ trong nhiều bài thơ:

Anh là tháp Bayon bốn mặt Giấu đi ba, còn lại đấy là anh”

(Tháp Bayon bốn mặt, Mùa bệnh 1988, Di cảo thơ I) Và:

“Giọng cao bao nhiêu năm, giờ anh hát giọng trầm, ……….

Còn hơn anh rồ giọng hát vang ngân.”

(Giọng trầm, 1987, Di cảo thơ I) Và..vv.

Khi nhân vật trữ tình xưng “anh” để nói về “tôi” – về chính bản thân mình, có sự phân xuất ra “anh” từ “tôi” thì nghĩa là nhân vật trữ tình muốn khách quan hóa những điều muốn nói về chính bản thân mình. Bởi vậy, những điều mà nhân vật trữ tình muốn nói, muốn bộc lộ được phơi bày một cách có vẻ khách quan hơn, lạnh lùng hơn. Từ cái vẻ khách quan, lạnh lùng ấy, có cảm giác rằng những điều được nhân vật trữ tình bộc lộ trong thơ chân thực đến mức tội nghiệp, đầy chua xót, bất lực. Không phải là cái “ta” “ngang tàng”, riêng rẽ của tuổi trẻ thời Điêu tàn; không phải là “anh” đầy kính trọng, tự hào, thân thiết, gần gũi…thời cách mạng; mà đây là “anh” xa cách, lạnh lùng. “Anh” mang cái vẻ xa cách với chính bản thân mình, “anh” mang cái vẻ lạnh lùng với chính bản thân mình.

Nhưng đó chỉ là cái vẻ mà thôi. Vì nhân vật trữ tình trong Di cảo đang bộc lộ những gì đau đáu lúc cuối đời, đang thổ lộ những gì mà thi nhân biết mình không bao giờ được thổ lộ nữa, thời gian sắp hết, hạn cuối đang chờ, cho nên những điều được nhân vật trữ tình – thi nhân nói ra lúc này là những điều trăn trở nhất, thiết tha nhất, cần được chia sẻ, thông cảm, đồng cảm, thấu hiểu nhất.

4.3.3 Về thể thơ

Về thể thơ cũng có sự thay đổi, vận động rõ nét trong cuộc đời thơ của Chế Lan Viên. Như đã nói, trong tập Điêu tàn, nhìn chung Chế Lan Viên sáng tác chủ yếu theo thể thơ tự do cách luật, chủ yếu là thơ bảy chử hoặc tám chữ, không hạn chế về số lượng câu thơ trong mỗi bài thơ, nhưng nói chung là dung lượng mỗi bài thơ là vừa phải. Đến giai đoạn sáng tác trong thời kỳ cách mạng, khi nghệ thuật thơ của tác giả đã phát triển hơn

nhiều, nhìn chung tác giả sáng tác với nhiều thể loại thơ khác nhau, trong đó có hai điểm đáng lưu ý so với thời kỳ trước: Đó là tác giả trở lại với thơ Đường luật mà một thời Thơ Mới đã kịch liệt chối bỏ, phê phán, châm chọc. Và tác giả mở rộng dung lượng bài thơ cả về chiều ngang ( số lượng chữ trong mỗi câu thơ) lẫn chiều dài (số lượng câu trong mỗi bài thơ). Đến giai đoạn sáng tác thứ ba, thơ Di cảo, một lần nữa thể thơ mà tác giả sử dụng lại biến đổi. Bên cạnh việc tác giả vẫn tiếp tục có những bài thơ Đường luật (chủ yếu là thơ thất ngôn tứ tuyệt) như trước, thì Chế Lan Viên đã thu hẹp dung lượng bài thơ lại. Nói chung trong giai đoạn này hiếm có những bài thơ với quy mô to lớn, đồ sộ, gần với trường ca như trước nữa. Thay vào đó là những bài thơ với dung lượng vừa phải, thậm chí là nhỏ gọn. Điều này có nguyên nhân của nó. Trước đây tác giả làm thơ dài là nhằm để có thể nói cho hết những điều lớn lao, kỳ vĩ, phi thường của đất nước, của dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng. Thơ hướng ngoại. Nhưng giờ đây, trở về với đời thường, những vần thơ chỉ “quẩn quanh”

Một phần của tài liệu Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên (Trang 122)