Hình tượng và ngôn ngữ thơ viết về sự sống, cái chết

Một phần của tài liệu Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên (Trang 106)

Nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội đặc thù thuộc kiến trúc thượng tầng, nó dùng hình tượng để nhận thức và phản ánh đời sống. Hình tượng nghệ thuật, theo Từ điển thuật ngữ văn học (Trần Đình Sử - Lê Bá Hán – Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, NXB GD, H., 2004) thì:

Hình tượng nghệ thuật là sản phẩm của phương thức chiếm lĩnh, thể hiện và tái tạo hiện thực theo quy luật của tưởng tượng, hư cấu nghệ thuật. Nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm là để nhận thức và cắt nghĩa đời sống, thể hiện tư tưởng và tình cảm của mình thông qua hình tượng nghệ thuật.

Hình tượng nghệ thuật chính là các khách thể đời sống được nghệ sĩ tái hiện bằng tưởng tượng sáng tạo trong những tác phẩm nghệ thuật. Giá trị trực quan độc lập là đặc điểm quan trọng của hình tượng nghệ thuật. Bằng chất liệu cụ thể, hình tượng nghệ thuật làm cho người ta có thể ngắm nghía, thưởng ngoạn, tưởng tượng. Đó có thể là một đồ vật, một phong cảnh thiên nhiên, hay một sự kiện xã hội được cảm nhận.

Hình tượng nghệ thuật tái hiện đời sống, nhưng không phải sao chép y nguyên những hiện tượng có thật, mà là tái hiện có chọn lọc, sáng tạo thông qua trí tưởng tượng và tài năng của người nghệ sĩ.

Mỗi một loại hình nghệ thuật sử dụng một loại chất liệu riêng biệt để xây dựng hình tượng. Trong đó, văn học là một loại hình nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu để xây dựng hình tượng.

Mặt khác, chức năng của ngôn từ nói riêng và ngôn ngữ nói chung ngoài việc là công cụ giao tiếp quan trọng nhất của con người, nó còn là công cụ của tư duy, là hiện thực trực tiếp của tư tưởng.

Mà như đã nói ở chương 1: Trong Điêu tàn Chế Lan Viên đã xây dựng nên một thế giới đầy chết chóc, một thế giới siêu hình, siêu thực, trừu tượng. Thế giới siêu hình, siêu thực, trừu tượng thể hiện ở chổ: thi nhân đã tưởng tượng, vẽ nên, xây dựng, mô tả… về một thế giới hoàn toàn khác với thế giới hiện thực mà chúng ta sống. Cái thế giới hoàn toàn khác với thế giới mà chúng ta đang sống mà thi nhân đã “gọi tên”, “nêu tên” theo sự thống kê của chúng tôi đó là bao gồm: Cõi Chết (Cái sọ người); cõi Hư Vô

(Những sợi tơ lòng); dòng Ngân, cung Hằng, sao Đẩu,cõi Trời Mơ, cùng thẳm Hư Vô (Ngủ trong sao); Hư Không, Cõi Chết, Âm giới, trong U Minh

(Bóng tối); bể U Sầu (Đêm tàn); cung Hằng (Vo lụa); cõi Tang (Thu); trên Hư Vô (Tiết Trinh); cung Quảng, Điện ngọc rộng không cùng (Trăng điên);

Âm giới, Cõi Ta, cõi Ta, xứ Trăng Mây, suối Khổ (Cõi Ta); sông Ngân (Mơ Trăng); cung Hằng, dòng Ngân (Mộng); cõi Hư Vô (Mồ không); Hư Vô

(Đọc sách); sông Linh (Nắng mai); chốn Hư Không (Tắm trăng); dòng Linh Giang, cõi Hư Vô (Tiếng trống); sông Linh (Sông Linh). Với những câu thơ như:

“Hồn say sưa vào khắp cõi Trời Mơ, Ai kêu ta trong cùng thẳm Hư Vô ?”

(Ngủ trong sao) Và:

“Ôi bát ngát mênh mông như Âm giới, Đây Cõi Ta rộng rãi đến vô biên ! ………..

Cho linh hồn vụt đến xứ Trăng Mây”

(Cõi Ta) Và vv..v.

Từ sự thống kê nói trên cho thấy: trong Điêu tàn, bằng cách viết hoa, Chế Lan Viên đã tạo ra nhiều “thế giới mới”. Bằng cách viết hoa, thi nhân đã định danh, đã tạo nên những địa danh mới, có thể gọi tên, nêu tên, làm cho chúng ta có cảm tưởng như có nhiều thế giới khác tồn tại bên cạnh thế giới hiện thực. Cõi Hư Vô, chốn Hư Không không phải là hư vô, hư không, không có gì cả; mà phải có một cái gì đó, ở một nơi nào đó nên tác giả mới gọi tên (đặt tên) là Hư Không, Hư Vô. Có như vậy tác giả mới gọi là “cõi”, “chốn” , “xứ”, tác giả mới viết hoa.

Nhưng những thế giới mới mà thi nhân đã gọi tên như: Cõi Chết, cõi Hư Vô, chốn Hư Không, dòng Ngân, sông Ngân, cung Hằng, cung Quảng, Điện ngọc, cõi Trời Mơ, xứ Trăng Mây,… là những thế giới chưa từng được chứng thực, chưa từng được trải nghiệm. Chúng chỉ có cái tên mà Chế Lan Viên đã gọi, đã đặt là cụ thể, hiện hữu mà thôi; còn lại chúng mơ hồ, hư ảo.

Không chỉ có những hình tượng thơ nói trên, trong Điêu tàn, khi xây dựng một thế giới chết, nói về cõi chết, Chế Lan Viên còn xây dựng nên những hình tượng thơ không kém phần mờ ảo, siêu hình, trừu tượng như: hình tượng xương trắng, đầu lâu, ma quỷ, yêu tinh, hồn, khí, bóng tối… đã có dịp liệt kê chi tiết ở chương một.

Từ khái niệm về hình tượng nghệ thuật đã dẫn ra ở trên, chúng ta thấy Cõi Chết, cõi Hư Vô, chốn Hư Không, dòng Ngân, sông Linh, cung Hằng, cung Quảng, điện Ngọc, cõi trời Mơ, xứ Trăng Mây,…; cùng với xương, sọ, đầu lâu, linh hồn, khí, ma quỷ, yêu tinh, bóng tối,… đều là những hình tượng nghệ thuật. Đây là thế giới nghệ thuật, hình tượng thơ chủ yếu của Trường Thơ Loạn.

Đến đây, nói tóm lại, có thể khẳng định: trong Điêu tàn, Chế Lan Viên xây dựng nên nhiều hình tượng nghệ thuật mang tính siêu hình, trừu tượng. Mà như đã nói, văn học là một hình thái ý thức xã hội, lấy ngôn từ làm chất liệu để xây dựng hình tượng. Mà ngôn từ còn là công cụ của tư

duy, là hiện thực trực tiếp của tư tưởng. Cho nên khi nói: Trong Điêu tàn

Chế Lan Viên đã xây dựng nên nhiều hình tượng nghệ thuật mang tính siêu hình, trừu tượng thì cũng có nghĩa là tác giả đã sử dụng ngôn ngữ mang tính siêu hình, trừu tượng để biểu hiện thế giới hình tượng đó. Đó là loại ngôn ngữ xa rời cuộc sống đời thường, ngôn ngữ không dùng cho, dành cho cuộc sống hiện hữu, trần thế, xác thực.

Từ tất cả những điều nói trên cho phép nhấn mạnh: nhìn chung hình tượng nghệ thuật và ngôn ngữ khi viết về chủ đề sự sống, cái chết trong tập Điêu tàn mang tính siêu hình, trừu tượng, mơ hồ, hư ảo.

Một phần của tài liệu Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên (Trang 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)