Về thể thơ trong Điêu tàn

Một phần của tài liệu Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên (Trang 112)

Thơ Mới được hình thành trên cơ sở đối lập với thơ cũ cả về mặt nội dung và hình thức. Sự đối lập về mặt nội dung, có thể dẫn ra lời phát biểu giàu sức gợi sau đây của Lưu Trọng Lư: “Các cụ ta ưa những màu đỏ chót, ta lại ưa màu xanh nhạt,đứng trước một cô gái xinh đẹp các cụ xem như là một việc làm tội lỗi, còn đối với ta như đứng trước một cánh đồng xanh mát mẻ...”

Sự đối lập về mặt hình thức, có thể dẫn ra đây lời phát biểu của Phan Khôi được ghi lại trong Thi nhân Việt Nam: “Đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết” (và tạm mệnh danh là Thơ Mới).

Nói về Thơ Mới là một công việc thú vị nhưng…thừa. Bởi nó đã được các nhà nghiên cứu nói quá nhiều và quá đầy đủ. Trên đây chỉ dẫn ra hai lời phát biểu ngắn gọn và giàu sức gợi như vậy, mục đích để muốn nói: Thơ Mới (so với thơ cũ) mới về cả nội dung và hình thức, có những đặc điểm nổi bật về nội dung và hình thức như sau:

Thơ Mới giải phóng triệt để khỏi các phép tắc tu từ, thanh vận chặt chẽ của các thể loại thơ truyền thống, có sự xuất hiện và phát triển mạnh của thể loại thơ tự do, thơ không vần, thơ cấu trúc theo bậc thang… Số lượng câu thường không bị giới hạn như các bài thơ truyền thống. Ngôn ngữ bình thường trong đời sống hàng ngày được nâng lên thành ngôn từ nghệ thuật trong thơ, không còn câu thúc bởi việc sử dụng điển cố văn học. Nội dung đa diện, phức tạp, không bị gò ép trong những đề tài trăng hoa tuyết nguyệt kinh điển. Chịu ảnh hưởng của các trào lưu, khuynh hướng hiện đại trong thơ ca Phương Tây như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa duy mỹ, chủ nghĩa ấn tượng…

Theo Hoài Thanh, Thơ Mới ra đời và phát triển từ 1932 đến 1945.

Điêu tàn được xuất bản vào năm 1937, khi Thơ Mới phát triển đạt đến độ hưng thịnh của nó. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, thì điểm gây ấn

tượng của Điêu tàn chủ yếu là ở mặt nội dung của nó, còn về mặt nghệ thuật, nhìn chung không nổi bật so với những sáng tác cùng thời.

Từ phương diện thể thơ mà nói, Điêu tàn không có nhiều điểm cách tân so với thơ cũ, nhìn chung hầu hết các bài thơ trong Điêu tàn được thi nhân sáng tác theo thể thơ bảy chữ hoặc tám chữ (thơ truyền thống), có khác chăng chỉ là không giới hạn về số lượng câu thơ, và việc gieo vần trở nên tự do hơn (so với thơ cũ) mà thôi.

Khảo sát cho thấy trong Điêu tàn, với 36 bài thơ, tác giả hầu hết sáng tác theo thể thơ tám chữ, có một số bài sáng tác theo thể thơ bảy chữ hoặc có sự kết hợp giữa thơ bảy chữ và tám chữ. Ngoài ra trong cả tập thơ, ở một vài dòng thơ nào đó thừa chữ (có chín chữ) hoặc thiếu chữ (có ít hơn bảy chữ). Mặt khác, dung lượng của các bài thơ nhìn chung là vừa phải, không quá dài mà cũng không quá ngắn, thường trong khoảng bốn đến năm khổ thơ, mỗi khổ thường có bốn dòng thơ.

Nói tóm lại, từ phương diện thể thơ mà nói, các bài thơ trong Điêu tàn không có nhiều điểm đáng chú ý về mặt nghệ thuật. Tuy nhiên, ở đây vẫn nêu ra như vậy để nhằm mục đích so sánh với các tập thơ của Chế Lan Viên được sáng tác trong giai đoạn sau. Có như vậy mới có thể thấy được phần nào quá trình vận động, thay đổi trong nghệ thuật thơ cũng như sự vận động, thay đổi trong nội dung thơ đã nói ở các chương trước.

Một phần của tài liệu Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên (Trang 112)