Kết cấu vòng tròn

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 29)

B. NỘI DUNG CHÍNH

1.2.3. Kết cấu vòng tròn

Hai kiểu kết cấu ở trên là hai kiểu kết cấu chính của tiểu thuyết này. Bên cạnh đó chúng ta còn bắt gặp kiểu kết cấu vòng tròn. Cả tác phẩm là câu chuyện kể về một địa chủ tên là Tây Môn Náo bị giết oan và không ngừng luân hồi trong các kiếp nghiệt súc, cuối cùng mới trở thành con người.

Các kiếp luân hồi mà tên địa chủ đã phải trải qua: Tây Môn Lừa, Tây Môn Trâu, Tây Môn Lợn, Tây Môn Chó và Tây Môn Khỉ. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Mạc Ngôn đã nói rằng ông ấp ủ câu chuyện này từ khá lâu, khi đó một lần đến thăm một ngôi chùa nhìn thấy bức tranh về các kiếp luân hồi thì ý tưởng được ấp ủ ấy bùng phát, về nhà ông bắt tay vào viết ngay. Kết cấu vòng tròn của cuốn tiểu thuyết này về mặt hình thức thì đơn giản là sự gặp nhau của điểm đầu và cuối câu chuyện nhưng sâu xa bên trong nó ẩn chứa một quan niệm, một triết lý sống đậm chất phương Đông. Đó là sự luân hồi của một kiếp người, sự tuần hoàn của thời gian dường như sẽ không bao giờ có điểm kết, cứ nối tiếp nhau và đến khi kết thúc cũng là một sự bắt đầu.

Câu chuyện được bắt đầu kể từ 1/1/1950 và kết thúc câu chuyện lại quay trở về thời điểm của nơi bắt đầu câu chuyện, tức là 1/1/1950. Kết cấu vòng tròn này tạo cho người đọc cảm giác quay trở lại chính nhân vật tâm điểm là Tây Môn Náo và các kiếp đầu thai của tên địa chủ này.

Mở đầu câu chuyện: “Câu chuyện của tôi bắt đầu từ ngày một tháng một năm một ngàn chín trăm năm mươi” và kết thúc câu chuyện trong phần 5 của quyển 5: Đứa con của thiên niên kỷ. Đó là thời điểm đầu năm 2001, giây phút chuyển giao thiên niên kỷ mới. Như vậy, thời gian của sự kiện, của cuộc đời, số phận con người được kể kéo dài trong 50 năm. Vào đúng dịp đầu xuân của năm mới 2001, những còn người còn sống là Hỗ Trợ và Giải Phóng, họ đã ôm nhau khóc và nói trong nước mắt: “Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta làm người”.

Và đứa trẻ họ đón trên tay được sinh ra trong thời khắc của thiên niên kỷ mới là một đứa trẻ không bình thường. “Thân thể nó nhỏ nhưng cái đầu cực to, có một trí nhớ phi phàm và khả năng nói năng thì không chê vào đâu được”. Và đó chính là LAM – NGÀN – NĂM – ĐẦU – TO mà đã từng xuất hiện trong cả câu chuyện này.

Đến 5 tuổi, Lam – Ngàn – Năm – ĐẦU – TO đã gọi chính Mạc Ngôn, Lam Giải Phóng đến để kể một câu chuyện dài. Đó chính là câu chuyện được “bắt đầu từ ngày một tháng một năm một nghìn chín trăm năm mươi…”.

Điều đặc biệt là mỗi một kiếp nghiệt súc đều thể hiện cách nhìn của nhân vật người kể chuyện về thời đại của xã hội Trung Quốc: con người, xã hội, phát triển kinh tế - đất nước…Tất cả đều có mối quan hệ lẫn nhau, phản ánh đúng thực trạng của đất nước Trung Quốc trong và sau giai đoạn cải cách. Như đã phân tích ở các phần trên, kiểu kết cấu luân hồi thể hiện tư tưởng của Phật giáo. Và kết cấu vòng tròn thể hiện rõ nét hơn điều đó. Tây Môn Náo cuối cùng đã được quay về kiếp người dù không thật hoàn hảo và chính anh ta đã kể lại câu chuyện cuộc đời mình cùng với các nhân vật khác.

Chúng ta đã từng bắt gặp trong văn học nhiều nhân vật với các kiếp biến hóa khác nhau, từ văn học cổ đến văn học hiện đại, từ văn học phương đông đến văn học phương tây. Nhưng nếu trong văn học cổ các nhân vật sau quá trình biến hình quay về hình hài con người sẽ trở nên hoàn mỹ hơn. Hoặc trong văn học hiện đại khi nhân vật bị tha hóa biến hình thì mất đi khả năng trở về hình hài con người (Biến dạng F. Kapka). Ở đây, Tây Môn Náo không chỉ biến hình mà anh ta thực sự thay đổi kiếp sống, anh ta mang đầy đủ phẩm chất của cái lốt mà anh ta đội (tính cách tập tính của lừa, của trâu, của lợn, của chó, của khỉ), nó khác với việc chỉ bị

thay đổi hình dáng bên ngoài nhưng tâm tính bên trong vẫn không hề thay đổi như nhiều nhân vật khác. Điều đó cho thấy, đây là một vòng tròn nhưng không phải vòng tròn khép kín, điểm đầu và điểm cuối gặp nhau nhưng không hoàn toàn trùng khớp. Tây Môn Náo và Lam Ngàn Năm Đầu To, là một linh hồn nhưng không phải một con người. Chính sự không khép kín của vòng trong này cho phép người đọc được tiếp cận nhân vật câu chuyện ở nhiều chiều hơn.

Trong vòng xoay về kiếp một con người, không gian câu chuyện được di chuyển khá linh hoạt và rộng lớn. Không gian của vùng quê làng Tây Môn, không gian của phố huyện, không gian tại rất nhiều nơi nhân vật người kể chuyện lưu lạc và xuất hiện.

Như vậy, Mạc Ngôn đã khá thành công trong việc xây dựng kết cấu trong tác phẩm. Không có những đột phá, không tạo ra cách kết cấu nào mới lạ, sử dụng thủ pháp truyền thống một cách sáng tạo, nhà văn đã đem đến cho chúng ta một cái nhìn mới. Lối kết cấu này vừa thể hiện cái sâu sắc, nhiều tầng của câu chuyện, cái bộn bề của sự kiện, của lịch sử, cái kỳ ảo của kiếp người và sự phức điệu của cuộc đời. Nếu các nhà văn phương Tây như J.Joye tấn công vào kết cấu đẩy câu chuyện thành những mảng rời rạc thì Mạc Ngôn nhặt nhạnh những câu chuyện vụn vặt xâu chuỗi nó thành hình hài để người đọc thưởng thức. Mỗi cách làm ứng với một quan niệm và đều có những giá trị riêng. Không chỉ khác với các nhà văn khác, mà kết cấu trong cuốn tiểu thuyết này cũng là sự khác biệt với chính ông. Sống đọa thác đầy không đậm chất điện ảnh như Cao lương đỏ, không hư ảo như Báu vật của đời, nó vừa giản dị, vừa đa thanh mời gọi sự khám phá của bạn đọc. Nếu đặt trong hệ thống các tiểu thuyết khác của Mạc Ngôn thì Sống đọa thác đầy vẫn sử dụng những thủ pháp quen thuộc trong cách xây dựng kết cấu của nhà văn này, đó là: truyền kỳ, lồng ghép, cắt dán kiểu điện ảnh... Nét khu biệt lớn nhất là nhà văn đã không dùng lối kể chuyện thông thường mà để nhân vật Tây Môn Náo với nhiều mảng kí ức khác nhau kể chuyện. Cho nên, kết cấu của toàn bộ tiểu thuyết này thực tế là dựa trên những mảng hồi ức của nhân vật. Do đó, vừa có dáng vẻ truyền thống theo trật tự tuyến tính của thời gian vừa mang chất hiện đại với sự xáo trộn của kí ức.

CHƯƠNG 2: NGƯỜI KỂ CHUYỆN VÀ ĐIỂM NHÌN

Trong chương hai, chúng tôi khảo sát về người kể chuyện và điểm nhìn. Có thể nói, người kể chuyện là nhân vật mấu chốt của tác phẩm. Nhân vật này dẫn dắt câu chuyện, định hướng câu chuyện ít nhiều thể hiện suy tư, tình cảm của người viết. Người kể chuyện luôn nhìn và kể lại chuyện từ một điểm nhìn nhất định và từ một ngôi kể xác định. Do đó, tìm hiểu về người kể chuyện không thể tách rời vấn đề về ngôi kể và điểm nhìn. Đây là những mảng lý thuyết quan trọng của nghệ thuật tự sự được các nhà nghiên cứu phê bình đặc biệt quan tâm. Người kể chuyện trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn khá đa dạng. Có người kể chuyện đứng ngoài cốt truyện, có người kể chuyện là nhân vật, có người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, ngôi thứ ba và cả ở ngôi thứ hai. Sống đọa thác đầy chủ yếu được kể từ ngôi thứ nhất với hình ảnh người kể chuyện khá độc đáo.

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)