B. NỘI DUNG CHÍNH
2.1.1. Khái niệm người kể chuyện
Người kể chuyện hay người trần thuật (ở đây chúng tôi không tách bạch hai khái niệm này mà xem chúng thực chất là một): là một nhân vật hư cấu hoặc có thật mà văn bản tự sự là do hành vi ngôn ngữ của anh ta tạo thành [10,221]. Người trần thuật là nhân vật không thể thiếu trong bất kỳ tiểu thuyết nào. Người trần thuật có thể hiện hình hoặc ẩn nấp, có thể trực tiếp tham gia vào cốt truyện hoặc chỉ đóng vai trò quan sát, người kể chuyện có thể là một hoặc nhiều hơn thế trong một tác phẩm. Nhưng dù dưới hình thức nào thì người kể chuyện cũng là người mà phát ngôn cho câu chuyện. Anh ta đứng từ đâu để nhìn câu chuyện thì đó sẽ chính là điểm nhìn của tác phẩm.
Có nhiều quan niệm khác nhau về người kể chuyện. Nhưng tất cả các quan niệm đều thống nhất ở điểm khẳng định vai trò của nhân vật này. Bởi với tiểu thuyết hiện đại, cái mà người ta quan tâm hơn là cách kể chứ không chỉ đơn giản là cái được kể. Người kể chuyện lại chính là nhân vật tạo nên cái cách kể đó.
Theo mô hình truyện kể của các nhà nghiên cứu tự sự học thuộc trường phái Tây Âu và Hoa Kỳ, người trần thuật là người đóng vai trò thực sự quan trọng trong
tác phẩm. Vì từ đó mà hình thành câu chuyện, cốt truyện cũng hình thành từ chính hành động kể chuyện của anh ta. Đúng như Todorov đã từng nói bản thân biến cố thì không thể tự kể về mình. Giữa người kể chuyện và tác giả là một khoảng gián cách. Tác giả sáng tạo ra người kể chuyện nhưng cả khi tác giả xưng tôi để kể thì giữa nhân vật người kể chuyện và vị tác giả kia cũng vẫn không thể là một. Do vậy, không thể đồng nhất hai khái niệm này.
Người kể chuyện gắn với khái niệm ngôi kể và điểm nhìn. Ngôi kể có thể là ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất. Điểm nhìn là sự lựa chọn cự ly trần thuật nào đó loại trừ được sự can thiệp của tác giả vào các sự kiện được miêu tả và cho phép văn xuôi trở nên tự nhiên hơn, phù hợp hơn với cuộc sống. Đó chính là vị trí mà người trần thuật chọn để từ đó nhìn ra và miêu tả cuộc sống. Do đó, điểm nhìn có thể đặt bên trong hoặc bên ngoài nhân vật. Từ đó, đặt ra một vấn đề là tiêu cự. Theo nhà nghiên cứu Pouillon thì nếu nhìn từ bên trong: người kể chuyện biết bao nhiêu, nhân vật biết bấy nhiêu thì lúc này tiêu cự bằng 0; nếu nhìn từ đằng sau thì người kể chuyện biết nhiều hơn nhân vật luôn đóng vai trò biết tuốt yểm trợ nhân vật; nếu nhìn từ bên ngoài từ người kể chuyện sẽ biết ít hơn nhân vật thì chỉ đóng vai trò quan sát nhân vật. Trong mối quan hệ tương tác qua lại thì người kể chuyện, ngôi kể và điểm nhìn chỉ cần một thành tố thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi của các thành tố còn lại dẫn đến sự biến hóa trong cách kể chuyện. Tiểu thuyết truyền thống thường được kể từ ngôi ba với điểm nhìn từ đằng sau, người kể chuyện đóng vai trò thượng đế, biết tuốt liên tục mách nước, nhắc vở cho người đọc về nội tâm, tính cách nhân vật. Ngược lại, ở tiểu thuyết hiện đại người kể chuyện dần mất đi năng lực này, không còn khả năng chi phối tới toàn bộ cốt truyện, đôi khi người kể chuyện cũng chỉ như người nghe chuyện hoặc biết ít hơn cả nhân vật. Và vì vậy, trong tiểu thuyết hiện đại cũng mất đi một chỗ dựa là người kể chuyện để dắt lối vào câu chuyện.
Trong Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử và Nguyễn Khắc Phi chủ biên, có đưa ra định nghĩa: Người kể chuyện là “hình tượng ước lệ về người trần thuật trong tác phẩm văn học, chỉ xuất hiện khi nào câu chuyện được kể bởi một nhân vật cụ thể trong tác phẩm”. Một tác phẩm văn học, có thể có một
người kể chuyện hoặc nhiều người kể chuyện. Sự hiện diện của nhân vật người kể chuyện cũng đem lại cho độc giả sự tin cậy chân thực đối với hiện thực được ghi chép trong mỗi tác phẩm.
Tham gia trực tiếp vào trong tác phẩm, hoạt động độc lập như các nhân vật khác, nhân vật người kể chuyện như một sợi dây vô hình kết nối các sự kiện, nhân vật nhằm thể hiện một ý đồ tư tưởng chung. Và không phải tác phẩm nào cũng có cách tổ chức và sắp xếp giống nhau.