Một số nhân vật khác

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 68)

B. NỘI DUNG CHÍNH

3.3.4. Một số nhân vật khác

Ngoài ra trong Sống đọa thác đầy ta còn thấy một số hình ảnh nhân vật nổi bật khác như Tây Môn Kim Long, Lam Giải Phóng, Hoan Hoan, Bảo Phượng…

Kim Long – con của Tây Môn Náo và Nghinh Xuân, là mẫu nhân vật phức tạp mang trong mình cả cái khổ đau của người cha, cái hẹp hòi tàn ác của Hồng Thái Nhạc, cả cái tha hóa của bản chất con người. Là người thông minh nhưng đầy tham vọng, vì quyền lợi cá nhân Kim Long sẵn sàng hành hạ Mặt Xanh – bố dượng của anh ta, người có ơn với anh ta. Để ép bố con Mặt Xanh vào công xã, anh ta sẵn sàng đánh Lam Giải Phóng, hất sơn đỏ vào Mặt Xanh… Tất cả những việc làm của anh ta vừa có nét yêng hùng vừa đậm chất tiểu nhân. Có lẽ, Kim Long là kiểu người rất phổ biến trong xã hội. Thông minh nhưng chỉ dùng cái thông minh đó để mang lại lợi ích cho mình. Ở anh ta có cái ngông cuồng của tuổi trẻ, sự nhiệt tình cách mạng của một người trục lợi. Tây Môn Kim Long cuối cùng cũng trở về nằm trên mảnh

đất một mẫu sáu thước từng bị anh ta cho là chấm đen của toàn Trung Quốc. Nó cho thấy con người dù thế nào cũng không thể chống lại được chân lý, hết thảy rồi đều về nằm lại với đất mẹ mà thôi.

Lam Giải Phóng – con của Mặt Xanh và Nghinh Xuân, thừa hưởng cái mặt xanh của bố và cũng mang khí chất của bố. Ban đầu, anh ta cương quyết cùng bố làm ăn cá thể, sau đó bị Kim Long thuyết phục, anh ta bỏ bố mang theo con trâu vào công xã. Nhưng anh ta luôn hiểu và cảm thông với việc làm của bố mình, thậm chí hối hận về hành vi của mình. Lam Giải Phóng có lúc hóa điên vì tình yêu không thành, anh ta cũng là một nhân vật chịu nhiều khổ đau trong kiếp sống của mình. Đến quyển 4, anh ta dám chống đối lại cả gia đình, cả chính quyền cách mạng, bỏ lại tất cả địa vị, gia đình, tài sản chạy theo tình yêu. Có thể thấy, hành vi của Lam Giải Phóng là hành vi phản bội lại Hoàng Hợp Tác, là tiêu biểu cho vấn đề của xã hội hiện đại, đó là ngoại tình và ly hôn. Nhưng nếu không xét trên bình diện đạo đức, thì hành động đó mang trong nó khát vọng tình yêu và tự do. Hợp Tác không phải là người Giải Phóng yêu, chính cuộc cách mạng đã ép hôn họ. Do vậy, cuộc sống của họ không có hạnh phúc. Con người tại sao không thể sống cho tình yêu và hạnh phúc của mình? Người đọc phần nào có thể hiểu và chia sẻ với hành động của anh ta. Đây cũng là nhân vật đi đến những trang cuối cùng của quyển sách, chứng kiến sự ra đi của hết thảy những người thân. Nó cho thấy vị trí vai trò của anh ta trong tác phẩm và tình cảm mà Mạc Ngôn dành cho nhân vật này.

Hoan Hoan, Bảo Phượng, Khai Phóng là thế hệ thứ 3 của dòng họ Lam và Tây Môn. Thế hệ thứ ba có những nét di truyền của các thế hệ trước. Đó là sự kiên trì chống đối, quyết làm theo ý mình, là cái tha hóa, giả dối, là cái cô độc khổ đau của kiếp người. Chúng sinh ra trong thời hiện đại, không thiếu ăn thiếu mặc, thậm chí sống sung túc thừa thãi, nhưng chúng vẫn không thể thoát khỏi những đọa đầy của một con người. Sự cô độc của Bảo Phượng chính là sự cô độc mà nhiều người trẻ đang phải trải qua. Cuối cùng, chúng đều chết ở lứa tuổi thanh xuân của cuộc đời, chỉ còn lại Lam Ngàn Năm Đầu To dị hình dị tướng. Phải chăng, sự thoái hóa của con người là đây?

Mỗi mẫu nhân vật của Mạc Ngôn mang trong mình một đặc điểm vừa đặc trưng cho cả xã hội, vừa rất riêng của số phận mình. Bao trùm lên tất cả là tính ngụ ngôn, ẩn dụ dưới ngòi bút kỳ quái, kỳ dị của nhà văn. Mỗi nhân vật ấy ẩn chứa một triết lý về cuộc đời nhưng lại được tả lại với bút pháp thực ảo lẫn lộn. Đó là thành công lớn của Mạc Ngôn.

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)