Nhân vật mang những nét kì ảo

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 60)

B. NỘI DUNG CHÍNH

3.2.4. Nhân vật mang những nét kì ảo

Nhà văn đã sử dụng bút pháp kì ảo, dị thường để xây dựng và khắc họa các nhân vật của mình. Lam Ngàn Năm Đầu To thì có một cái đầu to bất thường, trong hình hài một đứa trẻ lại có thể nói năng cư xử như người lớn. Mặt Xanh, Lam Giải Phóng, Lam Khai Phóng đều có một gương mặt xanh, tóc của Hỗ Trợ không thể cắt vì cắt sẽ chảy máu, tóc đó có thể dùng chữa bệnh cứu người, hồi sinh cho các sinh vật sống khác, Hợp Tác thì có dáng đi lệch một bên mông do bị thương, Tây Môn Náo trong những kiếp súc vật của mình đều có những khả năng rất đặc biệt... Mỗi nhân vật dường như đều có một sức mạnh tiềm tàng ẩn sâu bên trong con người họ. Chính những chi tiết kì ảo, dị thường về nhân vật ấy khiến cho toàn tác phẩm mang một màu sắc huyền bí hơn. Tuy đây không phải là bút pháp chính xây dựng nhân vật của Mạc Ngôn trong tiểu thuyết này nhưng nó cũng góp phần không nhỏ thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Trong thân xác của loài vật, linh hồn của Tây Môn Náo thổn thức đối thoại với trần gian đầy rẫy bao nhiêu số phận con người buồn bã trong bối cảnh chính trị xã hội trải dài từ thuở cải cách ruộng đất, cách mạng văn hoá cho đến những năm đầu thế kỷ 20 diễn ra trên vùng đất Cao Mật. Mạc Ngôn đã xây dựng nhân vật kỳ ảo Tây Môn Náo đi xuyên suốt thế gian và âm ty. Chứng kiến sự thay đổi của xã hội, của lòng người. Phá bỏ cản trở giữa người và thú, giữ vật thể và linh hồn. Linh hồn của ông ta có ở khắp góc bể chân trời.

Trên vùng đất quê hương thấm đẫm chất thơ mà đớn đau ấy, mọi số phận con người từ ba người vợ Bạch Hạnh Nhi, Nghinh Xuân, Thu Hương cho đến con trai con gái Kim Long, Bảo Phượng, bí thư huyện uỷ Kháng Mỹ, phó huyện trưởng Lam Giải Phóng, kể cả Mạc Ngôn - với tư cách là một nhân vật - đều là những mảnh đời bi kịch.

Tất cả đều chìm đắm trong sự tranh chấp giữa tình yêu và quyền lực, danh lợi và lương tâm. Chỉ có Lam Mặt Xanh, người đầy tớ già nua của Tây Môn Náo, người nông dân kiên trung, chấp nhận làm một điểm đen duy nhất trên toàn cõi Trung Quốc không chịu vào công xã, suốt một đời sống chết với một mẫu sáu sào ruộng.

Với triết lý tất cả những gì được sinh ra từ đất đều quay về với đất, sau một kiếp sống đoạ đày giữa tình yêu và lòng hận thù, mưu mô và ngây thơ, bi hùng và bạc nhược, cả người lẫn vật đều vùi thân chính trên mảnh đất cá thể Lam Mặt Xanh. Mang tâm thế của loài vật, khóc cười theo từng chương hồi nghiệt súc mà mình hoá thân, Tây Môn Náo đã nhận ra cuộc sống hèn hạ gian ác của mình, con người chính là loài vật bỉ ổi nhất, còn loài vật lại sống một đời sống rất người với tình yêu thương sẻ chia động lòng đến cả trời xanh. Và nếu còn hận thù con người sẽ không thể sống như một con người đúng nghĩa dù dưới bất kỳ vỏ bọc nào.

Như vậy, nhân vật của Mạc Ngôn không phải là những con người hoàn mỹ, không phải là những anh hùng vĩ đại. Họ chỉ giản dị là một chân dung của đời sống, chịu sự tác động mạnh mẽ của lịch sử sống kiếp người mong manh nhọc nhằn. Mỗi nhân vật của ông dù là con người hay con vật đều hiện lên chân thực với những tính

cách cụ thể. Từ con lợn Tiểu Tam đến con lừa Hoa Hoa, tất cả vừa có những phẩm chất con người vừa mang đặc điểm của động vật nhưng đều góp phần làm nên bộ mặt của vùng quê Cao Mật từ những năm năm mươi của thế kỉ trước tới nay.

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)