Điểm nhìn trẻ thơ

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 45)

B. NỘI DUNG CHÍNH

2.2.2.1. Điểm nhìn trẻ thơ

Trước tiên, có thể nói, điểm nhìn trẻ thơ không phải là mới lạ và cũng không là duy nhất có trong Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn. Chúng ta đã gặp cách nhìn bằng con mắt trẻ thơ này ở La Tiểu Thông trong Bốn mươi mốt chuyện tầm phào,

hay Kim Đồng trong Báu vật của đời và Đậu Quan trong Cao lương đỏ. Cũng không phải chỉ Mạc Ngôn sử dụng điểm nhìn này. Nhưng để trở thành hệ thống trong các sáng tác của mình thì không phải nhà văn nào cũng làm được.

Hình ảnh mồm miệng như tép nhảy của đứa bé La Tiểu Thông trong Bốn mươi mốt chuyện tầm phào chính là yếu tố khiến cho thời niên thiếu của đứa trẻ được níu kéo lại.

Góc nhìn trẻ thơ được sử dụng để soi rọi và vào ngóc ngách tâm hồn còn người, những phức tạp của nhân tình thê thái.

Trong Báu vật của đời, Kim Đồng dù đã lớn về tuổi tác nhưng tâm hồn vẫn còn thơ ngây mang vẻ con nít, vẫn say mê bầu vú phụ nữ như một đứa trẻ nhỏ. Nhìn nhận cuộc đời bằng con mắt trẻ thơ, Kim Đồng thấy xung quanh toàn những cạm bẫy kinh hoàng.

Cái nhìn tình yêu của anh ta đối với bầu vú như cái nhìn của một người yêu thương và trung thành với Tổ quốc.

Dưới góc nhìn trẻ thơ, mọi vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, chiến tranh và đạo đức… được nhìn nhận một cách khách quan, hồn nhiên và chân thật hơn bao giờ hết. Bởi trẻ thơ thường trong sáng trong cách nhìn nhận ít bị chi phối bởi định kiến, thiên kiến. Nhưng góc nhìn này không đơn thuần là góc nhìn của những đứa trẻ. Nhiều khi đứa trẻ này già hơn so với tuổi của mình, hoặc lại có khi là những đứa trẻ "chậm lớn" khiến cho câu chuyện được kể dưới một cái nhìn rất đặc biệt. Chính góc nhìn này khiến Mạc Ngôn có cơ hội để giải thích với độc giả những vấn đề lớn lao của xã hội thời bấy giờ.

La Tiểu Thông và Lam Ngàn Năm Đầu To là cách nhìn của những đứa trẻ quá tinh ranh, đặc biệt là cái nhìn của Lam Ngàn Năm Đầu To.

Dưới con mắt của Lam Ngàn Năm Đầu To, những góc khuất trong tâm địa, mọi âm mưu đen tối, hành vi ám muội của con người có thể lý giải được. Để tồn tại trong xã hội đó và để tự bảo vệ mình, chúng phải thực sự láu cá, lõi đời. Đó cũng là cách duy nhất để những đứa trẻ này có thể tồn tại trong xã hội “ăn thịt người” đó.

Lam Ngàn Năm Đầu To mới 5 tuổi đã thông hiểu tất cả 6 kiếp luân hồi của mình cùng với bao phen chìm nổi của làng Đông Bắc Cao Mật trong suốt 50 năm cuối thế kỷ XX. Sở dĩ tại sao tác giả lại lựa chọn và cần phải dùng góc nhìn trẻ thơ trong trường hợp này là để giải thích những khúc mắc, phức tạp và khuất tất của nhân tình thế thái và lịch sử. Đây cũng là điều mà Mạc Ngôn muốn cảnh báo về sự tha hóa của con người trong xã hội Trung Quốc hiện đại. Lam Ngàn Năm Đầu To giống như tên của một cuốn tiểu thuyết ở Việt Nam "những đứa trẻ chết già". Trong cái đầu của anh ta là lịch sử cả một vùng quê, là kiếp trầm luân của bản thân mình. Tuy là ánh mắt trẻ thơ nhưng lại là ánh mắt già dặn và trải nghiệm, đã đi qua hết những nỗi đau để hiểu thấu triết lý của cuộc đời.

Lựa chọn điểm nhìn trẻ thơ để viết về cuộc sống phức tạp của người lớn, Mạc Ngôn không viết các câu chuyện thiếu nhi. Ông muốn đưa đến cho độc giả một câu chuyện phức điệu và chân thực nhất về cuộc đời nhưng bằng một góc nhìn mới. Nó khác với việc đặt điểm nhìn vào trẻ thơ để sáng tác các câu chuyện cho bạn đọc là trẻ em, hoặc viết về trẻ em. Ở đây, nhân vật trẻ thơ mang góc nhìn trẻ thơ cũng là một nhân vật tham gia vào câu chuyện hỗn thanh và phức tạp ấy, cũng là nhân vật chứng kiến những biến động của lịch sử. Do đó, góc nhìn của chúng cho ta cảm nhận sâu sắc hơn về những gì "người lớn" làm. Điểm nhìn trẻ thơ có một hạn chế là khó có những đánh giá khách quan. Do đó, Mạc Ngôn đã dùng các điểm nhìn song trùng, để từ đó người đọc vừa có thể cảm nhận được thế giới của hồi ức vừa có cái nhìn thâm sâu, thấu đáo vấn đề.

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 45)