Giọng điệu bỡn cợt

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 70)

B. NỘI DUNG CHÍNH

3.4.1. Giọng điệu bỡn cợt

Đây là giọng điệu xuyên suốt trong các tiểu thuyết của Mạc Ngôn. Nó gắn với bút pháp trào lộng. Giọng điệu bỡn cợt, giễu nhại thể hiện chất mỉa mai, trào phúng, qua đó phản ánh hiện thực. Ngòi bút Mạc Ngôn rất hợp với giọng điệu này.

Biểu hiện đầu tiên là cách chơi chữ của Mạc Ngôn khi đặt tên cho tác phẩm, tên nhân vật, địa danh… Trong Bốn mươi mốt chuyện tầm phào nguyên tác là Tứ thập nhất pháo (41 quả đại bác), từ Pháo là đạn bắn đại bác đồng thời cũng có nghĩa là nói khoác. Tên của tác phẩm vừa có thể hiểu là bắn ra 41 phát đại bác, vừa có thể hiểu là 41 chuyện tầm phào. Hay tiểu thuyết Báu vật của đời với tên nguyên tác là Phong nhũ phì đồn có thể hiểu là Vú to mông nở tạo cảm giác dung tục, phồn thực có tác dụng gây cười. Nhưng ẩn sau sự bỡn cợt đó là những ý nghĩa sâu sắc nghiêm túc về nhân sinh. Vì vậy, không thể hiểu sự bỡn cợt trong tác phẩm của Mạc Ngôn một cách đơn giản mà cần nhìn nó như một phương thức để chuyển tải sâu sắc chủ đề tác phẩm.

Đến Sống đọa thác đầy, mỗi tên nhân vật đều gắn liền với mỗi mốc lịch sử của đất nước Trung Hoa 50 năm cuối thế kỷ XX: Giải Phóng, Hợp Tác, Hỗ Trợ, Kháng Mỹ, Khai Phóng, Cải Cách… Mang tên nhân vật ra để bỡn cợt không phải chỉ có trong Sống đọa thác đầy, mà trong Ếch tên các nhân vật được đặt theo bộ phận cơ thể, trong Tửu quốc tên các nhân vật được đặt liên quan đến rượu, trong

Đàn hương hình tên các nhân vật lại mang tính phổ quát thông dụng của người dân Trung Quốc. Vậy có phải nhà văn coi thường nhân vật của mình? Sống đọa thác đầy không chỉ phản ánh một giai đoạn nhỏ của cách mạng Trung Quốc mà nó là 50 năm với đầy đủ biến cố thăng trầm từ cách mạng ruộng đất, đến cải cách mở cửa. Trong gần ấy giai đoạn, con người luôn là trò đùa bỡn của lịch sử, của chính xã hội con người. Vì vậy, không có gì hay bằng dùng chính tên của nhân vật để ám chỉ thời kỳ lịch sử mà họ đã phải trải qua. Đó là cách ghi lại lịch sử bằng cuộc đời con người vậy.

Sự bỡn cợt còn thể hiện trong cách miêu tả nhân vật. Ví dụ, khi nhắc tới Mạc Ngôn thì luôn dùng thái độ coi thường. Hay trong cách tả hình dáng của Hợp Tác... Và sự bỡn cợt sâu cay nhất là cả 50 năm đau khổ với biết bao sự đấu tranh hy sinh như vậy nhưng cuối cùng hậu duệ của họ, sản phẩm của thiên niên kỷ mới chào đời lúc 0 giờ, 0 phút ngày 1 tháng 1 năm 2001 lại là một quái thai – Lam Ngàn Năm Đầu To. Đây phải chăng là sự lại giống, là dấu hiệu của sự tha hóa của con người? Đó có phải là sự kết thúc của 6 kiếp luân hồi, là điều mà Tây Môn Náo đấu tranh để đòi công bằng trong suốt 50 năm với Diêm Vương? Ở đây, giọng bỡn cợt không làm người ta cười được, mà khiến người ta phải suy ngẫm về cuộc sống, về nhân sinh, về chính mỗi con người.

Giọng điệu bỡn cợt cũng được hình thành bởi thủ pháp so sánh vật hóa người hoặc người hóa vật. Như “Yêu cái đẹp là bản chất của con người, lợn cũng có”

[16,445]. Hay “Làm người thì phải thể hiện cho được các phong độ khác người mới hay, ít ra cũng như con chó này” [16,697].

Một nửa vế câu luôn là những triết lý rất đúng, rất cao siêu. Nhưng nửa vế câu con lại là sự so sánh bỡn cợt, khiến người đọc không khỏi giật mình. Phải chăng, đó

cũng chính là những trăn trở của Mạc Ngôn rằng các giá trị thuộc về con người đang ngày một biến dạng, méo mó và mất đi. Những gì tưởng như tốt đẹp, tưởng như là những giá trị thiêng liêng mãi mãi của con người trong những bối cảnh lịch sử cụ thể lại đang bị xói mòn, bị mất đi. Mỗi chúng ta không khỏi băn khoăn về những điều mà Mạc Ngôn suy ngẫm chiêm nghiệm và gửi tới bạn đọc qua những câu văn này.

Trong tình huống, hoàn cảnh nghiêm trang hay vui buồn… Mạc Ngôn đều xen lẫn giọng bỡn cợt vào. Trong các đoạn đối thoại hay trần thuật đã tạo nên một phong cách tự sự suồng sã, bông lơn, khinh bạc đến thản nhiên. Con lợn trong vai trò người kể chuyện thường xuyên có những đoạn như:

Cách mạng cải tạo xã hội, đàn bà cải tạo đàn ông [16,527].

Mao chủ tịch đã mất! Không phải nói nhầm đấy chứ? Không phải loan tin đồn nhảm đấy chứ? Nói Mao chủ tịch chết có khác nào anh ta tự đi tìm cái chết? Mao chủ tịch tại sao có thể chết? Chẳng phải người ta nói là Mao chủ tịch có thể sống đến 158 tuổi sao?... Rõ ràng việc Mao chủ tịch ra đi không chỉ là tổn thất của con người mà còn là tổn thất của loài lợn chúng tôi. [16,506].

Bất cứ lúc nào con lợn này cũng có thể bỡn cợt. Và đó chính là sự mỉa mai châm biếm với xã hội con người chúng ta? Nó cũng góp phần mang vào tác phẩm hơi thở trần thế, giải thiêng các giá trị một cách bợm nghịch.

Giọng điệu bỡn cợt trong trần thuật tạo ra một phong cách suồng sã, khinh bạc và thản nhiên. Nó không đi theo khuôn mẫu, mực thước trang trọng quen thuộc của văn xuôi mà tạo ra một không khí riêng cho tác phẩm của Mạc Ngôn. Thông thường các tác phẩm phản ánh lịch sử xã hội thường mang tính sử thi, vì thế khá trang nghiêm. Đến Mạc Ngôn, người đọc được dẫn về lịch sử bằng một con đường khác.

Giọng điệu bỡn cợt còn được thể hiện qua giọng điệu giễu nhại thường được thể hiện bằng cách ứng dụng các câu khẩu hiệu hay cách ngôn của chính trị gia thời hiện đại vào lối nói của nhân vật, mà nhân vật ở đây lại chính là các con vật: Giọng của con Lừa, con Lợn…

Lợn nái làng ta sinh ra được mười sáu con, đây là chuyện hiếm có trong toàn tỉnh, toàn quốc... Điển hình! Mày hiểu không?.... Mỗi con lợn là một quả bom ném vào bọn phản động đế quốc, cho nên con lợn nái này sinh mười sáu con, cũng chính là sản xuất ra mười sáu quả bom để tiêu diệt bọn đế quốc phản động. [16,326].

Khẩu hiểu cũng được đặt vào miệng của một con lợn:

Vì chủ nghĩa xã hội, vì con người các bạn hãy lớn nhanh lên [16,355] Hay con lừa:

Có cơm thì cùng ăn, đừng ăn một mình. Đây là thời kỳ cộng sản chủ nghĩa. tao là chúng mày, chúng mày là tao, sao lại phân biệt này nọ [16,131].

Những khẩu hiệu đậm chất chính trị, thể hiện xu thế lịch sử một thời lại được phát ngôn từ nhũng con vật trong những hoàn cảnh đặc biệt khiến người đọc bật cười. Giọng giễu cợt đặt vào miệng các nhân vật là con vật khiến cho sự châm biếm, giễu cợt được nhân đôi. Mạc Ngôn còn để cho Mao Trạch Đông, Lỗ Tấn, AQ... góp lời trong tiểu thuyết của mình. Những câu khẩu hiệu vốn dùng trong chính trị này đưa vào đời sống khiến nó trở nên mất đi giá trị vốn có. Đó cũng chính là cách tác giả phủ nhận cái nghiêm chỉnh từ những khẩu hiệu đó. Qua đó, cũng thấy được quan điểm của nhà văn về lịch sử, xã hội và con người.

Mạc Ngôn còn dùng những ngôn ngữ ngoại nhập để tạo nên tính bỡn cợt như:

Các anh Cao Mật này sống thật mọi rợ. Chó Bắc Kinh chúng tôi khi cử hành "party" dưới trăng chỉ có ca hát, "dance", bàn chuyện văn chương nghệ thuật, có uống rượu cũng chỉ uống một ít rượu vang đỏ hoặc là nước hoa quả... đâu có giống bọn họ [16,655].

Các từ tiếng Anh thỉnh thoảng lại được chen vào ngôn ngữ của các súc vật vừa tạo ra tính hiện đại cho tác phẩm vừa là thủ pháp giễu cợt rất hữu hiệu.

Như vậy, tính bỡn cợt giễu nhạt là một giọng điệu nổi bật trong Sống đọa thác đầy. Nó thể hiện bút lực châm biếm, mỉa mai sâu sắc của nhà văn, qua đó hé mở cách nhìn nhận lại lịch sử. Đồng thời, cũng là tiếng nói cảnh báo về giá trị con người. Giọng điệu bỡn cợt còn góp phần đưa những trang văn của Mạc Ngôn trở nên gần gũi sống động với đời sống hiện đại. Là sự hóm hỉnh, sâu sắc của nhà văn vì viết trào phúng bao giờ cũng khó hơn viết cứng nhắc nghiêm túc.

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)