B. NỘI DUNG CHÍNH
2.1.2.1. Người kể chuyệ nở ngôi thứ nhất
Đa phần trong các tiểu thuyết của Mạc Ngôn đều có sự tham gia của cái “tôi” tự thuật. Có thể nói, trần thuật ở ngôi thứ nhất đã tạo một bước tiến quan trọng trong việc sáng tạo và khám phá hiện thực.
Khác với nhiều nhà văn và các tác phẩm khác của Mạc Ngôn, nhân vật người kể chuyện xưng tôi trong Sống đọa thác đầy của ông là một con vật. Nhân vật đó đã kể chuyện bằng tất cả sự trải nghiệm, có lúc kể chuyện người khác với tư cách chứng nhân.
Toàn bộ quyển 1 được kể bằng ngôi thứ nhất: Kiếp lừa phóng đãng. Câu chuyện được nhân vật tôi – Tây Môn Lừa và Tây Môn Náo kể về cuộc đời bị đày đọa dưới âm tào địa phủ, chịu cực hình tàn khốc được đầu thai thành lừa trải qua mọi thăng trầm của cuộc sống.
Cuộc sống là những ngày lao động vất vả, cực nhọc và vô vàn khó khăn. Đó cũng là những năm mất mùa lớn. “Cái đói làm cho con người biến thành một loài dã thú hung tàn…” [16,150]. Hoàn cảnh đói khổ lúc đó khiến con người phải làm những việc không đành để nuôi sống mình. Dân làng đã giết lừa lấy thịt chia nhau. Kiếp lừa hóa kiếp và kết thúc từ đây. “Linh hồn tôi bay lên, lơ lửng trên không gian, nhìn xuống thấy những người đói khát kia kẻ dao người thớt đang cắt vụn thi thể tôi thành hàng trăm mảnh” [16,150]. Đó là thời điểm của năm 1959. Như vậy, kiếp lừa tồn tại trong vòng 9 năm trời và đã kể một sự loạt những sự kiện lớn liên quan lẫn nhau làm nền cho câu chuyện ban đầu.
Quyển 2: Kiếp trâu quật cường. Nhân vật tôi đóng vai trò là người kể chuyện chính là Lam Giải Phóng. Tây Môn Lừa giờ đây đã đầu thai thành Tây Môn Trâu. Hai bố con Mặt Xanh ra chợ mua trâu và câu chuyện lôi kéo mọi người vào công xã cũng nảy sinh từ đây. Cho dù, mọi người khuyên can nhưng Mặt Xanh quyết giữ con trâu của mình và quyết không gia nhập công xã. Mặt Xanh và Tây Môn Trâu tự do tự tại đi theo con đường của mình dù có bị gia đình li tán, bị chèn ép ra sao họ vẫn ngày đêm cần cù trên mảnh đất nhỏ giữa những thửa ruộng lớn.
Cuối cùng Tây Môn Trâu bị tra tấn dã man dưới bàn tay của Kim Long. Và qua lời kể của Lam Giải Phóng thì câu chuyện lại càng cảm động hơn bởi tình người và con vật thân yêu. “… Tây Môn Trâu chết trên mảnh đất cá thể của bố tôi. Cái chết của cậu đã làm mọi người tỉnh ra rất nhiều trong cái cao trào cách mạng văn hóa ấy”.
Kiếp trâu quật cường đã đầu thai thành kiếp lợn hoan lạc. Quyển 3, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất là Tây Môn Lợn.
Toàn bộ quyển 3 có thời gian văn bản hơn 250 trang, là quyển dài nhất kể về cuộc đời của kiếp lợn với bao sóng gió và sự kiện diễn ra trong hơn mười năm (từ những năm 70 đến năm 1982). 5 năm làm vua lợn, đối với Tây Môn Lợn đó là cả một thời kỳ có cả huy hoàng, có cả sự thất bại và cuối cùng cũng phải ra đi vì cứu những đứa trẻ con. Câu chuyện về Tây Môn Lợn phấn khởi với chỗ ở mới và công cuộc cho đại hội nuôi lợn ở làng quên Đông Bắc Cao Mật, rồi đến cuộc đại chiến của Tây Môn Lợn với Tiểu Tam.
Câu chuyện có sự đan xen vào nội dung trong tiểu thuyết là nhân vật Mạc Ngôn kể chuyện. Đó là tiểu thuyết Ghi chép về chuyện nuôi lợn: “Theo lời kể của Mạc Ngôn trong cuốn tiểu thuyết Ghi chép về chuyện nuôi lợn đầy tai tiếng của nó, trong lúc những cái đầu uyên bác của làng Tây Môn chỉ biết lắc lắc ngao ngán thì nó đường đường chính chính bước tiến thẳng vào phòng hội nghị. Lời của nó chẳng thể tin được, những gì nó nói đều là bịa đặt, chỉ để tham khảo thôi…” [16,441]. Và như vậy, câu chuyện của Mạc Ngôn bắt đầu được kể trong truyện khoảng thời gian văn bản 8 trang.
Liên tục trong ngôi kể thứ nhất – Tây Môn Lợn, có sự đan xen câu chuyện về tiểu thuyết trên của Mạc Ngôn: “Tôi biết, trong tiểu thuyết Ghi chép về chuyện nuôi lợn, Mạc Ngôn đã tả việc người ta đem những con lợn chết ném xuống dòng sông như sau…” [16,519].
Nếu kiếp trâu hóa kiếp một cách đau đớn và nặng nề bao nhiêu thì kiếp lợn lại nhẹ nhàng bấy nhiêu. Trước khi chết, Tây Môn Lợn còn cứu đám trẻ con: “Trước lúc chết, nhớ lại chuyện xưa. Cứu trẻ con, vua lợn hóa kiếp”. Một câu kể về sự hóa kiếp thật nhẹ nhàng và thanh thản: “Ba tháng sau tôi chết. Đó là vào một buổi chiều không có mặt trời. Trên dòng sông phía sau làng Tây Môn, một đám trẻ con đến mười mấy đứa đang nô đùa trên băng dày” [16,584].
Quyển 4: Kiếp chó trung thành. Lam Giải Phóng và Tây Môn Chó là hai nhân vật thay nhau kể chuyện. Hai người kể chuyện đan xen nhau, đều ở ngôi thứ nhất. Câu chuyện được nhìn nhận ở dưới nhiều góc độ khác nhau, tạo nên nét đặc sắc rất riêng chỉ có ở Sống đọa thác đầy.
Đặc biệt, trong mục 50, mật độ kể chuyện đan xen lẫn nhau của hai nhân vật này dày hơn. Mỗi người kể chuyện về một sự kiện, một vấn đề nhưng đều liên quan lẫn nhau. Tưởng như vấn đề rời rạc nhưng hoàn toàn không phải vậy. Mạc Ngôn hẳn phải thật nhạy bén trong việc sắp xếp và đặt các câu chuyện, tình tiết vào miệng mỗi nhân vật khi kể.
Mức độ đan xen luân chuyển vai trò kể chuyện của hai nhân vật này càng về sau càng cao hơn. Ban đầu là sự luân chuyển cách chương nhưng sau đó chỉ là cách đoạn, từ cách đoạn dài đến cách những đoạn ngắn. Người đọc cảm nhận được sự nhanh chóng và hoạt bát trong câu chuyện có sự chuyển đổi từ nhân vật, sự kiện đến thời gian và không gian.
Có thể nhận thấy ngôi thứ nhất là ngôi kể chính của toàn bộ câu chuyện và có nhiều nhân vật tham gia kể chuyện từ ngôi này: Tây Môn Náo, Tây Môn Lừa, Tây Môn Trâu, Tây Môn Lợn, Tây Môn Chó, Lam Giải Phóng, Lam Ngàn Năm Đầu To, Mạc Ngôn. Nhân vật trung tâm đứng ra xưng tôi kể chuyện khiến cho câu chuyện vừa khách quan vừa chủ quan. Nó góp phần bộc lộ tâm trạng, cái nhìn của nhân vật
một cách dễ dàng hơn. Đồng thời, tuy cùng dùng ngôi thứ nhất kể nhưng mỗi nhân vật lại có lối kể chuyện khác nhau, và có sự thay đổi linh hoạt làm cho cách kể không trở nên nhàm chán trong suốt 800 trang truyện. Sự đa dạng về người kể chuyện khiến câu chuyện đôi lúc giống như một cuộc đối thoại giữa Lam Giải Phóng, Lam Ngàn Năm Đầu To và ẩn trong một người kể chuyện Lam Ngàn Năm Đầu To là hình ảnh của nhiều người kể chuyện khác (Tây Môn Náo, Tây Môn Trâu, Tây Môn Lừa, Tây Môn Lợn, Tây Môn Chó). Cái hay là độc giả biết từ đầu đây là một người đã biết hết câu chuyện kể lại cuộc đời mình. Nhưng ở mỗi quyển, mỗi phần người đọc lại như được gặp một người kể chuyện khác. Cuộc đối thoại giữa Lam Giải Phóng và Lam Ngàn Năm Đầu To nhiều lúc còn hé mở cho người đọc những chi tiết chuyện sẽ xảy ra trong tương lai (như câu chuyện tình giữa Lam Giải Phóng với Xuân Miêu, việc họ sẽ yêu nhau, sẽ bỏ trốn đã được nhắc tới từ trước). Điều này vừa khơi gợi sự tò mò cho người đọc vừa hướng người đọc đi theo con đường mà người kể chuyện mong muốn.
Kể chuyện từ ngôi thứ nhất là một hình thức quen thuộc trong tiểu thuyết Mạc Ngôn. Thường các nhân vật đóng vai trò người kể chuyện này cũng là nhân vật tham gia trực tiếp vào cốt truyện, kể lại câu chuyện của mình và của người khác vừa với tư cách người tham gia vừa với tư cách người chứng kiến. Nét độc đáo nhất của tiểu thuyết này là ở thân phận của người kể chuyện Lam Ngàn Năm Đầu To. Do đó, về hình thức có hai người kể chuyện ở ngôi thứ nhất nhưng thực tế lại có tới 7 người cùng tham gia kể chuyện.