Mặt Xanh Kẻ chống đối “cách mạng” mang khát vọng con người

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 65)

B. NỘI DUNG CHÍNH

3.3.2. Mặt Xanh Kẻ chống đối “cách mạng” mang khát vọng con người

Mặt Xanh là một nhân vật kỳ dị, độc đáo của Sống đọa thác đầy. Đây là con người từ đầu tới cuối tác phẩm nhất quyết chống đối lại “cách mạng”. Ông dù bị ép như thế nào cũng cương quyết đi theo con đường làm ăn cá thể của mình. Phải chăng, đây là con người cổ hủ, đi ngược lại xu thế chung, thích chống đối?

Mặt Xanh thực chất là một người nông dân đúng nghĩa nhất. Ông giống như ông chủ Tây Môn Náo trước kia của mình dành cho ruộng đồng đất đai một tình yêu máu thịt. Ông chỉ đơn giản là muốn được tự do lao động trên thửa ruộng của mình, chăm chỉ cày cấy mà thôi. Ước mơ đó chính đáng và đáng trân trọng biết bao. Hơn nữa, Mặt Xanh không chống đối lại các thế lực một cách ngu ngốc, ông có những lý do chính đáng để làm vậy. Suy nghĩ của ông rất đơn giản, mộc mạc đúng chất nông dân nhưng rất có lý. Bởi, theo Mặt Xanh đến anh em ruột con phải ở riêng sao lại bắt những người không bà con thân thích vào làm chung một mối. Nếu

ruộng đất không phải của mình thì làm sao con người có thể hăng say hết mình lao động trên thửa đất đó được. Và ông đã đúng.

Nhưng “cách mạng” không thể để yên cho ông làm ăn cá thể thế được, không thể để ông một mình đi một con đường riêng, ngược lại xu thế được. Vì thế, họ phải nghĩ ra nhiều cách để hại ông, ép ông, tra tấn ông cả về thể xác lẫn tinh thần, đặt ra những luật lệ chơi xấu ông, thậm chí tìm cách phá hoại hoạt động của ông. Dù họ đã nghĩ ra đủ cách nhưng vẫn không thể làm lay chuyển được Mặt Xanh. Ban đầu, ông và cả gia đình làm ăn cá thể. Sau đó, vợ ông là Nghinh Xuân cùng hai con riêng của bà vào tập thể, chỉ còn lại Mặt Xanh, Lam Giải Phóng - con trai ông và Tây Môn Trâu tiếp tục đi theo con đường đó. Nhưng rồi Lam Giải Phóng cũng phản bội ông, Kim Long rời bỏ ông gia nhập công xã, Tây Môn Trâu thì bị Kim Long ép chết. Một mình Mặt Xanh từ đây chống đối lại cả làng Cao Mật, là một điểm đen của toàn Trung Quốc. Dù Kim Long, Hồng Thái Nhạc ra sức thuyết phục, ép buộc nhưng ông vẫn tìm mọi cách đi con đường mà ông đã chọn. Ông sẵn sàng dùng cái chết để đánh đổi lấy tự do. Cả khi bị Kim Long dùng sơn đỏ hất vào mặt làm cho suýt mù thì Mặt Xanh vẫn không thay đổi lựa chọn của mình. Không thể làm việc ban ngày thì ông làm việc ban đêm dưới ánh trăng. Cái thửa ruộng một mẫu sáu thước của ông lọt thỏm giữa cánh đồng của công xã nhưng chẳng hề gì, một bước nhỏ ông cũng không chạm vào ruộng của tập thể. Những cảnh tả Mặt Xanh cày cấy trên thửa ruộng của mình dưới ánh trăng đầy ma quái, kỳ dị nhưng nó hiện lên vẻ đẹp của con người hiên ngang, quật cường.

Mặt Xanh vốn đã mang một khuôn mặt kỳ quái, và giờ ông mang thêm một khuôn mặt kỳ quái hơn đó là khuôn mặt của người chống đối. Để có thể đi con đường đó, Mặt Xanh phải trả giá không ít, càng về cuối tác phẩm người đọc càng cảm nhận được sự cô độc của ông. Một mình thui thủi lặng lẽ. Đặc biệt, những đoạn đặc tả cảnh ông lao động dưới trăng uống rượu với trăng. Những khổ đau mà Mặt Xanh phải chịu đúng là một kiếp sống đọa đầy. Nhưng sự kiên cường của ông khiến chúng ta thấy sức mạnh tiềm ẩn của con người thật đáng khâm phục. Điều gì làm nên sức mạnh ấy, có lẽ chính là từ khát vọng tự do không bị bó buộc của con người.

Khát vọng tự do đó khiến con người trở nên mạnh mẽ, dám sống, dám làm, dám chịu cho những ước mơ của mình. Mặt Xanh không chống đối theo kiểu ngông cuồng, không ép vợ con đi theo mình mà chỉ tự tin lựa chọn một con đường và đi cho tới cuối con đường đó dù phải trả giá ra sao? Đó chính là con đường đi tới tự do. Mảnh đất một mẫu sáu thước của Mặt Xanh đã trở thành một ẩn dụ nhiều ý nghĩa khi cuối cùng những người mang họ Tây Môn và họ Lam đều được chôn cất ở đây. Đó vừa là triết lý sinh ra từ đất thì trở về với đất vừa là hình ảnh tượng trưng về một mảnh đất của tự do.

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)