Khái niệm nhân vật

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 55)

B. NỘI DUNG CHÍNH

3.1 Khái niệm nhân vật

Nhân vật là một trong những thành tố cơ bản của tiểu thuyết. Chính vì vậy, khi tiểu thuyết hiện đại và hậu hiện đại có những đổi mới trong cách viết, lối tự sự, cách xây dựng nhân vật, thậm chí đề xuất tiểu thuyết “phản nhân vật” thì nhân vật vẫn tồn tại như một yếu tố quan trọng nhất của cấu trúc tiểu thuyết. Nhân vật gắn liền với cốt truyện, chuyển tải nội dung cơ bản và là hạt nhân của các thủ pháp nghệ thuật. Vì vậy, người ta không thể xóa bỏ nhân vật, tác phẩm chí ít vẫn luôn tồn tại nhân vật - người kể chuyện. Bởi nhân vật là một thành tố vừa thuộc nội dung lại vừa thuộc hình thức của tiểu thuyết. Nghiên cứu về nhân vật thực chất là tìm hiểu xem tác giả nhìn nhận con người như thế nào và chuyển tải hình tượng đó trong tác phẩm của mình bằng cách nào?

Vậy nhân vật là gì? Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kỳ lịch sử nhất định [10,126]. Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì nhân vật (character) là: con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng, cũng có thể không có tên riêng… Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống… Nhân vật văn học còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Vì thế nhân vật luôn gắn chặt với chủ đề của tác phẩm [11, 235 – 236].

Như vậy, nhân vật có thể là con người hoặc đồ vật, hay các sinh vật khác. Tuy nhiên, nó phải mang các bản tính của con người và nhằm mục đích phản ánh cuộc

sống của con người. Mở rộng khái niệm như vậy giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận hơn, đặc biệt là với những nhân vật không phải là con người nhưng lại mang bản tính của con người như tiểu thuyết Mạc Ngôn.

Nhìn lại các tiểu thuyết của các nhà văn trên thế giới đầu thế kỷ XX, có thể thấy khuynh hướng coi nhẹ nhân vật. F.Kafka đã giản lược dần tên của nhân vật đến khi chỉ còn kí hiệu nhân vật bằng một chữ cái… Thực chất nó không làm nhân vật biến mất trong tác phẩm mà chỉ thủ tiêu tính cách nhân vật mà thôi. Ở đây, tác giả đã làm “dẹt” nhân vật của mình. Xóa nhòa cuộc sống thực với các yếu tố như nghề nghiệp, lai lịch, nhân thân, chỉ quan tâm tới nhân vật tại thời điểm xảy ra biến cố. Dường như, tác giả không quan tâm tới quá trình diễn tiến của tính cách nhân vật, mà chỉ cố chuyển tải tâm trạng của nhân vật tại thời điểm kể chuyện. Cách kể đó đã khiến cho kiểu nhân vật điển hình biến mất, thay vào đó ta có nhân vật như một mảng hiện thực bị xé nhỏ, ngổn ngang đầy ắp. Thậm chí, nhiều nhà văn còn cực đoạn phản đối loại nhân vật tâm lý (kiểu nhân vật đã rất thành công của tiểu thuyết thế kỷ XIX) và họ nghĩ nhân vật của họ không còn tâm lý nữa. Theo nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào thì thực chất điểm khác biệt là các nhà văn đã dùng cách khác để miêu tả tâm lý nhân vật chứ không phải là hủy diệt tâm lý nhân vật. Việc xây dựng nhân vật không theo cách truyền thống như vậy đã gây ra khó khăn không nhỏ cho người đọc trong việc tiếp cận thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Nếu độc giả quen với việc tìm kiếm các sự kiện, chi tiết được móc nối liên lạc với tâm trạng nhân vật thì sẽ cảm thấy khó hiểu với kiểu nhân vật mới này. Do đó, nó cũng đòi hỏi một cách đọc mới ở độc giả.

Đặc trưng của văn học là phản ánh thế giới khách quan, thế giới hiện thực bằng hình tượng nghệ thuật. Do đó, trong bất cứ một tác phẩm văn học nào, nhân vật cũng luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nhân vật trở thành phương tiện chuyên chở thông điệp của nhà văn, của tác phẩm đến với người đọc. Trong bất kỳ tác phẩm văn học thuộc thể loại nào cũng không thể thiếu đi bóng dáng nhân vật, đặc biệt với tác phẩm tự sự.

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)