Người kể chuyện đặc biệt Mạc Ngôn

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 41)

B. NỘI DUNG CHÍNH

2.1.2.3. Người kể chuyện đặc biệt Mạc Ngôn

Trong các tiểu thuyết tự sự truyền thống, các nhà văn luôn che giấu hành vi tự sự của mình để thuyết phục người đọc rằng câu chuyện họ kể là có thật. Có nghĩa là người đọc chỉ có thể nghe và tin vào điều tác giả nói. Nhưng đối với các tác giả hiện đại thì điều này lại hoàn toàn ngược lại. Tác giả vừa kể vừa nhắc nhở người đọc về tính hư cấu của câu chuyện. Về cơ bản, tiểu thuyết có ý nghĩa nằm ở việc kể câu chuyện và đàm luận câu chuyện đó. Các nhà tiểu thuyết hiện đại của Trung Quốc đều tán thành với quan điểm này. Người kể chuyện ở đây đồng thời là người hướng dẫn cách đọc hoặc thảo luận với tác giả về sự phát triển của câu chuyện và về phương thức tự sự của câu chuyện.

Trong Bốn mươi mốt chuyện tầm phào, sau khi kết thúc câu chuyện, Mạc Ngôn thường có phần “viết thêm” như lời trần tình với độc giả về những tâm tư, tình cảm, cảm hứng của chính tác giả.

Trong Sống đọa thác đầy, Mạc Ngôn giới thiệu vai trò kể chuyện của mình với độc giả trong quyển 5: Kết cục và mở đầu. Trong gần 50 trang văn bản với 5 tiểu mục: Màu của bầu trời, Gặp gỡ muộn màng, Trò khỉ trên quảng trường, Nỗi đau và Đứa con của thiên niên kỷ. Đó là cả một chiều dài về cuộc đời, nhân sinh và kết cục của một kiếp người, một thế hệ đặc trưng cho xã hội Trung Quốc trong và sau cải cách. Ngay phần đầu tiên, tác giả đã phân trần: “Bạn đọc thân mến! Câu chuyện đã nên kết thúc ở đây, nhưng còn rất nhiều nhân vật trong truyện chưa biết số phận thế nào…” [16,783]. Và để cho độc giả hiểu rõ hơn về số phận và kết thúc

câu chuyện, Mạc Ngôn để cho hai người kể chuyện quen thuộc xuyên suốt từ đầu đến cuối câu chuyện nghỉ ngơi để Mạc Ngôn - người bạn của họ được phép viết thêm phần vĩ thanh của câu chuyện vốn đã khá dài này.

Trong Tửu quốc, người kể chuyện Mạc Ngôn đã cho độc giả thấy những băn khoăn, suy tính của mình trong quá trình viết tiểu thuyết. “Truyện dài tôi đang viết, đã đến hồi gian khổ nhất, anh chàng trinh sát ma mãnh ấy luôn gây khó dễ cho tôi, để anh ta tự bắn vào đầu hay say rượu mà chết, đằng nào tiện hơn”.

Cũng như Tửu quốc, trong Sống đọa thác đầy cũng có một Mạc Ngôn xuất hiện với tư cách là một nhân vật trong tác phẩm. Tác giả cố tình tạo niềm tin cho độc giả về sự trùng khớp của Mạc Ngôn ngoài đời - tác giả thực tế và Mạc Ngôn trong tác phẩm với tư cách cá nhân.

Sống đọa thác đầy, chân dung tự họa của Mạc Ngôn là một bức tranh biếm họa. Mỗi khi nhắc đến Mạc Ngôn, nhà văn thường giễu cợt bằng câu “…thằng ôn con Mạc Ngôn” hay nhiều khi khinh thường một cách thấm thía “… cái anh chàng Mạc Ngôn này…”. “Lời của nó chẳng thể tin tưởng, những gì nó nói đều là bịa đặt, chỉ để tham khảo thôi”.

Nhân vật Mạc Ngôn xuất hiện trong tác phẩm còn mang tính chất là người hiểu sâu biết rộng từ đầu tới cuối câu chuyện. Mạc Ngôn xuất hiện trong các chương ấn tượng bởi tính cách nhanh nhảu, linh hoạt và khá châm biếm. Người kể chuyện gọi Mạc Ngôn bằng “nó”, cách nói đầy giễu cợt, có lúc còn mỉa mai.

Khi vợ chồng Bàng Hổ và Vương Lạc Vân đến chia vui ngày cưới cùng gia đình Mặt Xanh, Hồng Thái Nhạc chưa kịp vui mừng cất lời vì sự xuất hiện của họ thì Mạc Ngôn đã nói chen vào: “…rồng đến nhà tôm”. Mọi cử chỉ, hành động của nó đều khiến cho mọi người khinh mặt, tất cả ánh mắt trong buổi tiệc ngày hôm đó đều đổ dồn về phía nó, trong số này có cả Bàng Kháng Mỹ. Ấy vậy mà nó vẫn “đắc ý vênh mặt, nhe răng cười, để lộ hàm răng to, vàng khè” [16,459]. Khi Bàng Hổ nắm lấy tay Nghinh Xuân chúc mừng chuyện đại hỷ của gia đình và hỏi: Sao không thấy anh Lam (Mặt Xanh) thì Mạc Ngôn đã nhanh nhảu khi mọi người còn đang ngơ ngác nhìn quanh sân: “Ông ấy à? Đang tranh thủ trăng sáng để cuốc một mẫu

sáu sào ruộng cá thể đấy!” [16,459]. Ngay sau đó, Tôn Báo đã đạp một cú thật mạnh vào chân Mạc Ngôn và được đà, nó lại bù lu bù loa lên: “Anh đạp vào chân tôi làm gì? Không cho tôi nói à?” [16,460]. Một nhân vật Mạc Ngôn nhanh nhảu xuất hiện xuyên suốt câu chuyện với nhiều ý nghĩa trùng lặp khiến cho toàn bộ cuốn tiểu thuyết sống động hơn.

“Ngày một tháng mười năm một ngàn chín trăm năm mươi tư, ngày Quốc Khánh, cũng là ngày chính thức thành lập hợp tác xã ở Đông Bắc Cao Mật. Đó cũng là ngày Mạc Ngôn ra đời” [16,48]. Và cứ thế, nhân vật Mạc Ngôn luôn hiện diện trong tác phẩm với tư cách là người nhà của đại gia đình Mặt Xanh, là người bạn của các thành viên trong gia đình, là người viết cuốn tiểu thuyết mang đậm chất lịch sử của vùng Đông Bắc Cao Mật. Trong mục 28 của Chương 3: Kiếp Lợn hoan lạc, “Hợp Tác thất tình theo Giải Phóng. Hỗ Trợ mãn ý vợ Kim Long” có đưa lời và trích dẫn ý trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn. “Căn cứ vào cách nói của Mạc Ngôn trong tiểu thuyết của nó thì ông – Lam Giải Phóng là điên thật, còn Kim Long thì điên giả. Mọi người đều điên, thế thì có chuyện gì để kể” [16,441].

“Theo lời kể của Mạc Ngôn trong tiểu thuyết Ghi chép về chuyện nuôi lợn

đầy tai tiếng của nó thì, trong lúc những cái đầu uyên bác của làng Tây Môn chỉ biết lắc lắc ngao ngán thì nó đường đường chính chính tiến thẳng vào giữa phòng hội nghị…”.

Chính trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn có ghi chép: “..Tôi hút thuốc, rồi có lý có lẽ rất nghiêm túc phân tích rằng, bệnh của Giải Phóng và Kim Long đều do ái tình mà ra. Với loại bệnh này, không có thuốc điều trị, chỉ có cách dùng phương thức cổ truyền để cứu. Đó là cưới Hỗ Trợ cho Kim Long, Hợp Tác cho Giải Phóng, cổ nhân gọi là lấy vui đuổi tà đấy thôi”. Rồi Mạc Ngôn kể câu chuyện đám cưới của Hỗ Trợ và Kim Long, Hợp Tác và Giải Phóng vào ngày mười sáu tháng tư âm lịch. Hai đám cưới do Hồng Thái Nhạc chỉ huy diễn ra rất long trọng và náo nhiệt trong cùng một ngày.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa người kể chuyện và tác giả được xem như đã bị cắt đứt, tức là tác giả thực tế của văn bản không có điểm gì chung với người kể

chuyện. Khi làm một nhân vật trong tác phẩm, tác giả thực tế Mạc Ngôn đã kiêm nghiệm rất nhiều vai trò khác nhau của các cấp bậc trần thuật. Có tác giả cụ thể, tác giả ẩn tàng là người tổ chức các phương diện trần thuật, tác giả hiển thị tức là người kể chuyện trần thuật từ ngôi của mình, người trần thuật, nhân vật người nghe chuyện, độc giả hiển thị… Tất cả các cấp độ trần thuật được xuất hiện đồng thời trong cùng lúc và phân định rõ ràng, không hề bị rối. Nhưng ở đây bạn đọc vẫn cần phải nhớ rằng kể cả khi nhân vật Mạc Ngôn trong truyện kể chuyện thì anh ta và nhà văn Mạc Ngôn ngoài đời vẫn không phải là một. Mạc Ngôn trong tư cách nhân vật dù có giống tác giả tới bao nhiêu thì anh ta vẫn là một nhân vật văn học, một sản phẩm của hư cấu.

Sự xuất hiện người kể chuyện có tên Mạc Ngôn và những câu chuyện tiểu thuyết mà “Mạc Ngôn” viết, nhà văn đã đảo lộn giữa các cấp trần thuật, khiến cho trong khuôn khổ nội dung tự sự học dường như đã không hàm chứa hết được ý đồ nghệ thuật trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn. Không chỉ riêng Mạc Ngôn sử dụng thủ pháp này trong tiểu thuyết. Nhưng nếu các tác giả khác thường biến mình thành một nhân vật khác mang dáng dấp tính cách con người mình hoặc có cuộc đời giống với một phần cuộc đời mình, thậm chí có nhà văn giới thiệu thẳng tôi tên là... tôi là nhà văn... và từ đó viết tiếp câu chuyện thì Mạc Ngôn đưa mình vào tác phẩm với tư cách là một nhân vật bình đẳng với các nhân vật khác, gọi thẳng tên và dùng bút pháp châm biếm trào lộng để nói về mình. Có thể nói, đây là một thủ pháp hữu hiệu với nhà văn và được ông đặc biệt lựa chọn nhằm tạo ra một dấu ấn sáng tạo riêng.

Như vậy, người kể chuyện trong Sống đọa thác đầy, về cơ bản vẫn tương đối đồng nhất với các dạng thức người kể chuyện thường gặp trong các tiểu thuyết khác của Mạc Ngôn. Cái hay là trong hình thức quen thuộc, ông có đôi chút cách tân tạo ra một dư vị khác. So với các nhà văn đương thời, Mạc Ngôn là một tấm gương về sự tìm tòi và ý thức lao động nghệ thuật nghiêm túc. Cách trao nhiệm vụ kể chuyện cho nhiều người, giảm dần vai trò của người kể chuyện toàn năng đứng giấu mặt đằng sau điều khiển câu chuyện, cách chọn người kể chuyện là các loại súc vật... đã khiến cho câu chuyện của Mạc Ngôn có tính dân chủ.

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn (Trang 41)