B. NỘI DUNG CHÍNH
3.3.3. Hồng Thái Nhạc Người lãnh đạo hẹp hòi, tàn ác
Hồng Thái Nhạc không phải là nhân vật trung tâm nhưng cũng là nhân vật đi cùng với cuộc đời của nhân vật trung tâm từ đầu đến cuối trang sách. Đây là người đại diện cho những người làm cách mạng nhưng lại mang những nét tính cách của kẻ tiểu nhân hẹp hòi, tàn ác.
Hồng Thái Nhạc là lãnh đạo cao nhất của xóm Tây Môn này. Quá khứ của anh ta oai hùng lắm. Trong khi những cán bộ khác đều đã giao nộp vũ khí, anh ta vẫn còn giắt bên mình một khẩu súng, bao súng bằng da trâu hồng hồng trễ xuống tận bên mông, phản quang ánh sáng mặt trời bốc lên mùi tử khí như muốn cảnh cáo với những kẻ bất lương rằng đừng có mà vọng động, hãy bỏ ngay ý đồ làm phản, đừng có mà nghĩ đến chuyện phản kháng![16,37]
Thoáng nhìn, anh ta có vẻ oai hùng, đàng hoàng lắm ra dáng một người làm cách mạng. Nhưng thực chất ẩn sau những câu văn trên là giọng điệu giễu cợt của Mạc Ngôn đối với nhân vật này. Đó không phải là sự oai hùng mà là sự ra oai thì đúng hơn, không phải để trị những kẻ phản động mà để dọa dẫm những con người hiền lành. Hồng Thái Nhạc chính là người đã tra tấn Tây Môn Náo, là người luôn chèn ép Mặt Xanh, gây sự với con lừa, con trâu của Mặt Xanh, là người hướng Kim Long vào con đường “cách mạng” hay chính là làm tha hóa anh ta, là người sau này nhất quyết đòi đấu tranh trở lại con đường cũ, đánh Lam Giải Phóng ở phần cuối truyện… Nhiều lúc hắn tỏ ra là người đạo đức giả:
Dương Thất! Mày làm gì thế? Giải phóng lâu rồi mà mày cứ mở miệng là chửi người, đánh người. Mày đang bôi đen thanh danh của Đảng đấy! [16,73].
Hắn còn cầm đầu một đám người cương quyết chống đối công cuộc đổi mới, muốn duy trì chế độ làm ăn tập thể, níu kéo những cái đã qua. Có thể nói, hắn chính là người đã gây nên những đau khổ cho những người dân trong cái làng Cao Mật. Chính hắn đã góp phần giết Tây Môn Náo, làm ly tán gia đình Tây Môn. Hồng Thái Nhạc là người ép bằng được Mặt Xanh vào công xã. Chính hắn là tác nhân dẫn đến cái chết của Tây Môn Lừa, Tây Môn Trâu… Cái mà hắn muốn níu kéo không phải là cuộc cách mạng đã qua mà hắn muốn giữ quyền uy của mình. Cả với những người được coi là thành phần phản cách mạng sau khi được “cởi mũ”, hắn cũng đối xử với một thái độ chế giễu, căm ghét. Ở Hồng Thái Nhạc ta vừa thấy cái tàn ác của một kẻ hẹp hòi, ích kỉ, cái đê tiện của một con người ngu dốt, cái hèn nhát của một con người cơ hội. Hắn có tình cảm với bà Bạch vợ cả của Tây Môn Náo nhưng hắn không dám thú nhận sự thật đó. Chung quy cái mà Hồng Thái Nhạc theo đuổi chỉ là những quyền lợi, oai phong cá nhân. Mặc cho những cái đó có làm ảnh hưởng tới những người xung quanh như thế nào. Hắn là đại diện cho những người làm cách mạng, đáng lẽ hắn phải là người đem lại một cuộc sống mới cho người dân, nhưng hóa ra hắn chỉ mang tới đau khổ cho mọi người.