Sau khi thống nhất đất nước, để phát triển kinh tế khắc phục hậu quả tàn phá của chiến tranh và thoát khỏi sự nghèo nàn lạc hậu, từ năm 1986, Việt Nam đã lựa chọn chính sách đổi mới, mở cửa, quan hệ với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị xã hội khác nhau dựa trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng cùng có lợi. Việt Nam đánh giá bước tiến của Hàn Quốc đạt được "Kỳ tích sông Hàn" là một đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới và thực sự mong muốn hợp tác kinh tế với Hàn Quốc.
Trong bối cảnh thị trường thế giới đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt về kinh tế cũng như những lợi thế cạnh tranh trong nước những năm qua đem lại sự phát triển thần kỳ của mình đang mất dần đi, Hàn Quốc rất cần mở rộng những thị trường mới. Hàn Quốc muốn hoạt động ở Việt Nam, coi Việt Nam là địa bàn chủ yếu trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá và ảnh hưởng của mình, bởi đối với Việt Nam, về mặt địa chính trị là quốc gia trung tâm trong khu vực Đông Nam Á, có những tiềm năng tăng trưởng tiềm tàng như nguồn nhân lực và tài nguyên phong phú chưa được khai thác đúng mức, cũng như có những ảnh hưởng nhất định trong khu vực. Có thể thấy, muốn nhanh chóng mở rộng mối quan hệ giữa hai nước, trước hết phải thấy được kết quả đúng đắn từ mối quan hệ về lợi ích thương mại, đầu tư giữa hai bên.
Từ sau năm 1975 đến khoảng 1986, giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã xuất hiện những mối quan hệ gián tiếp về thương mại thông qua nước thứ ba nhưng với quy mô nhỏ. Mãi đến năm 1988 các giao dịch trực tiếp mới được hình thành và phải đến năm 1990, giao lưu kinh tế với Việt Nam của Hàn Quốc mới bắt đầu được thúc đẩy nhưng vẫn chủ yếu ở cấp độ giao dịch quần chúng với khoảng 100 triệu USD giá trị hàng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam [37; 58]. Mặc dù thời gian này Mỹ đang thực hiện cấm vận kinh tế đối với Việt Nam nhưng quy mô thương mại với Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng tăng nhanh theo sự phát triển sôi động của những giao lưu kinh tế ở cấp
độ quần chúng giữa nhân dân hai nước. Trước yêu cầu của các doanh nghiệp về việc đầu tư trực tiếp ngày càng tăng tại Việt Nam, dẫn đến việc chính phủ Hàn Quốc ủng hộ việc thúc đẩy và mở rộng hợp tác kinh tế với Việt Nam vào năm 1991 qua sự kiện tháng 1- 1991, đoàn ngoại giao Hàn Quốc dẫn đầu là đại sứ Hàn Quốc tại Thái Lan sang thăm Việt Nam để bàn về việc thiết lập quan hệ. Tháng 4-1992 Việt Nam, Hàn Quốc đã cùng đặt ra cơ quan đại diện để liên lạc giữa hai bên.
Ngày 22-11-1992, Hàn Quốc và Việt Nam chính thức đặt quan hệ ngoại giao cấp cao nhất (cấp đại sứ). Với việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, vấn đề hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc cũng đã được thực hiện theo đúng những chuẩn mực quốc tế. Sau khi thiết lập quan hệ, việc ký kết các hiệp định giữa hai bên về các vấn đề bảo vệ quyền đầu tư, xét xử các vấn đề về kinh doanh, hiệp định về tránh đánh thuế 2 lần... đã làm nền tảng cho việc mở rộng giao lưu kinh tế hàng năm giữa hai nước sau này.
Quan hệ mậu dịch Việt Nam - Hàn Quốc được duy trì nhiều năm trước khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Tuy nhiên, xét về quy mô trao đổi, có thể lấy năm 1989 là điểm khởi đầu cho sự phát triển này với tổng kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 86 triệu USD. Năm 1990, quy mô giao dịch đạt 150 triệu USD, và năm 1991 là 250 triệu USD. Đến năm 1993, thời điểm một năm sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ, quy mô đã tăng lên đến 820 triệu USD, năm 1995 là 1 tỷ 544 triệu USD, năm 1997 đạt 1,8 tỷ USD [10; 3] và năm 2001 đã tăng tới 2 tỷ 120 triệu USD [37; 38].