III.1.1 ĐẶC ĐIỂM TRONG QUAN HỆ VỀ CHÍNH TRỊ

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 1992 - 2002 đặc điểm và khuynh hướng (Trang 87)

I. HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC VIỆN TRỢ

III.1.1 ĐẶC ĐIỂM TRONG QUAN HỆ VỀ CHÍNH TRỊ

Mối quan hệ chính trị Việt Nam - Hàn Quốc đã vượt qua được những rào cản trong quá khứ, trở thành những tiền đề thuận lợi, đặt nền móng cho sự hợp tác lợi ích thực tiễn về mặt kinh tế giữa hai nước. Mười năm đã trôi qua kể từ ngày ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước đến nay, quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng và tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thực của Chính phủ và nhân dân hai nước, góp phần xứng đáng vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Cũng mười năm đó, quan hệ chính trị giữa hai nước đã mang những đặc điểm sau:

- Một là, quan hệ về chính trị giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc với những chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước hàng năm. Việt

Nam và Hàn Quốc đã thiết lập được cơ chế gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam như Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo cao nhất của Hàn Quốc như Tổng thống, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch quốc hội đều đã từng sang thăm hữu nghị chính thức lẫn nhau. Trong mười năm đó, thì chưa năm nào lãnh đạo hai nước không có các cuộc thăm hỏi và làm việc với nhau kể cả khi cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực nổ ra cuối năm 1997. Các chuyến viếng thăm và các cuộc gặp gỡ tiếp xúc cấp cao đã đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, bàn bạc và quyết định những biện pháp lớn để phát triển quan hệ hợp tác phù hợp với diễn biến tình hình ở mỗi nước và trên thế giới.

Thông qua sự hợp tác hiệu quả về chính trị, chính phủ hai nước cũng đã nhanh chóng tạo dựng được những hành lang pháp lý đảm bảo cho quan hệ hợp tác các mặt phát triển thuận lợi bằng việc ký kết một loạt các hiệp định và thoả thuận cấp Chính phủ, cấp Bộ và cấp Tỉnh như Hiệp định Thương mại, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định văn hoá, Hiệp định Vận tải biển, Hiệp định Hải quan, Hiệp định về hợp tác du lịch... Việc hai nước thiết lập cơ chế hợp tác thông qua nhiều kênh đối thoại ở các cấp khác nhau như cơ chế gặp gỡ thường niên cấp Bộ trưởng, Uỷ ban liên Chính phủ về Hợp tác kinh tế và Khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc, cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp hành động giữa các cơ quan đại diện Ngoại giao hai nước ở nước thứ ba và tại các tổ chức quốc tế, cũng như việc thường xuyên giao lưu giữa các tổ chức quần chúng đoàn thể hữu nghị đã góp phần rất quan trọng vào việc không ngừng tăng cường hiểu biết, hữu nghị và hợp tác Việt - Hàn cả trên chiều rộng lẫn chiều sâu.

Không dừng lại sự hợp tác song phương như vậy, với tư cách là hai nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và cũng là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, có cùng mục tiêu hoà bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam và Hàn Quốc đã thường xuyên trao đổi, phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn ASEAN+3, ASEAN, ARF, ASEM, APEC, Liên Hợp Quốc... Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ tích cực của Hàn Quốc giúp Việt Nam đăng cai và tổ chức các hoạt động quốc tế lớn cũng

như quá trình xin gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO)... Về phần mình, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn thông cảm và ủng hộ nguyện vọng chính đáng của Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc mong muốn hoà bình, hoà giải và thống nhất bán đảo Triều Tiên.

- Hai là, mặc dù có những khác biệt về hệ thống chính trị nhưng lãnh đạo cả hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đều mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương lên những tầm cao mới, đáp ứng ý nguyện của nhân dân và nhu cầu hợp tác giữa hai nước. Trong phát biểu chào mừng Tổng thống Kim Yong Sam thăm chính thức Việt Nam tháng 11- 1996, Tổng bí thư Đỗ Mười đã khẳng định mong muốn chung của nhân dân Việt Nam xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác hiệu quả với nhân dân Hàn Quốc: "Chúng tôi rất coi trọng việc tăng cường quan hệ nhiều mặt với Hàn Quốc". Còn Tổng thống Kim Yong Sam trong lời đáp cũng nói lên ý nguyện của nhân dân Hàn Quốc: "Chúng tôi sẽ cùng chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm phát triển tạo nên "kỳ tích sông Hàn" để tạo nên "kỳ tích sông Mê Kông" [75; 36] Ý chí đó còn được thể hiện qua nhiều chuyến viếng thăm cấp cao, nhiều phát biểu đầy tình nghĩa của lãnh đạo mỗi nước khi gặp gỡ nhau. Tổng thống Kim Yong Sam đã từng nói: "...cơ sở của mối quan hệ gắn bó lâu đời và những kinh nghiệm từng trải giống nhau như vậy, nên mặc dù quan hệ ngoại giao còn ngắn ngủi, nhân dân hai nước đã gần gũi nhau nhanh chóng" [Nhân dân, 22/11/1996]. Ý chí của các vị lãnh đạo hoà quyện cùng ý nguyện của nhân dân hai nước là một nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc như đã được thể hiện rất sinh động trong 10 năm qua.

Ngoài ra, sau khi thiết lập quan hệ, về phía Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc luôn bày tỏ sự ân hận và hối tiếc vì sự tham chiến của quân đội Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Hàn Quốc mỗi lần tiếp kiến các nhà lãnh đạo Việt Nam đều chân thành xin lỗi nhân dân Việt Nam và ra sức đóng góp vun vén cho quan hệ hai nước phát triển đi lên ngày một tốt đẹp hơn, cũng như tích cực tiến hành những hoạt động hàn gắn vết thương chiến tranh.

- Ba là, hai nước Việt - Hàn đều có thể bổ sung cho nhau không chỉ về chính trị mà còn về kinh tế và an ninh. Tuy là một đất nước không giàu về tài nguyên thiên nhiên và điều kiện khí hậu không mấy thuận lợi, nhưng Hàn Quốc có nhiều thập kỷ tích luỹ kinh nghiệm phát triển, có nguồn vốn đáng kể, có trình độ công nghệ khá cao và nằm ở vị trí địa - chính trị rất quan trọng trên thế giới (nằm ở trung tâm của khu vực Đông Bắc Á. Về phía mình, bên cạnh vị trí địa chính - trị thuận lợi (nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo), tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, có thị trường rộng lớn, có nhu cầu về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, đồng thời Việt Nam có một ảnh hưởng nhất định trong bán đảo Đông Dương cũng như khu vực Đông Nam Á.

Khi tính đến mặt ảnh hưởng chính trị, hai nước có vai trò đáng kể ở khu vực trong một số phương diện, vì vậy Việt Nam và Hàn Quốc có thể chia sẻ quan điểm về những vấn đề khu vực hoà bình, ổn định, phát triển và phồn vinh. Về an ninh, an ninh quốc gia của hai nước gắn liền với an ninh chung của khu vực, do đó, an ninh của một trong hai nước là một nhân tố tác động tới an ninh của nước kia và ngược lại. Một điều dễ thấy là bất ổn trên bán đảo Hàn Quốc không thể không ảnh hưởng tới an ninh của Việt Nam về mặt này hay mặt khác.

- Bốn là, hai bên có nhiều điểm tương đồng về địa lý, lịch sử và văn hoá. Việt Nam và Hàn Quốc đều là hai nước châu Á, nằm ở phía tây Thái Bình Dương, có vị trí địa chính trị chiến lược rất quan trọng ở khu vực, là cửa ngõ đi vào lục địa Á - Âu. Cả hai dân tộc này từng bị ngoại bang đô hộ nên rất hiểu ý nghĩa của độc lập tự do, tự chủ, tự cường, do vậy rất đỗi tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm. Cùng cảnh ngộ đất nước bị chia cắt lâu dài do sự can thiệp từ bên ngoài tạo ra, Việt Nam thấu hiểu được sự mong mỏi thống nhất đất nước của nhân dân và chính phủ Hàn Quốc trong tiến trình hoà hợp thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Với sự thông cảm sâu sắc đó, nhân dân Việt Nam mong muốn bán đảo Hàn Quốc có hoà bình, ổn định và nguyện vọng thống nhất của cả dân tộc Triều Tiên sớm được thực hiện. Chính phải gánh

chịu sự mất mát to lớn này do sự chia cắt đất nước gây nên, nhân dân Việt Nam và nhân dân Hàn Quốc dễ thông cảm và gắn bó với nhau hiện nay và trong tương lai.

Cả hai dân tộc đều có truyền thống giữ gìn và kế thừa nền văn hoá dân tộc trong lịch sử lâu dài hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá của nhân loại. Cả Việt Nam và Hàn Quốc đều có bản sắc văn hoá dân tộc và văn hoá độc đáo, không có mâu thuẫn và xung đột sắc tộc. Hai nước đều có nhiều tôn giáo và cùng chung sống hoà bình trên khắp đất nước, nhưng chưa khi nào xảy ra tranh chấp và mâu thuẫn do sự khác biệt về tôn giáo; các tôn giáo ở cả hai nước đã đoàn kết một lòng và tham gia bảo vệ đất nước khi có hoạ ngoại xâm.

- Năm là, quan hệ hai nước được xây dựng và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá và khu vực hoá phát triển mạnh với xu thế hoà bình, ổn định và hợp tác để phát triển là xu thế chủ đạo. Việc Việt Nam, Hàn Quốc đều tham gia các diễn đàn đối thoại thể chế đa phương khu vực và quốc tế như ASEAN PMC, ARF, ASEAN+3, ASEAN+1, ASEM, APEC, Liên Hợp Quốc và trong tương lai không xa là WTO khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức này, đã tạo thêm nhiều cơ hội cho hai bên tìm ra nhiều điểm đồng thuận để thúc đẩy quan hệ song phương, hợp tác đa phương tại các tổ chức khu vực, liên khu vực và toàn cầu tạo ra cơ hội để các nước thành viên, mà trong đó Việt Nam và Hàn Quốc là hai nước thành viên.

Tất cả các nhân tố chính trị ngoại giao trên là nền tảng vững chắc để đặt nền móng cho việc phát triển các quan hệ kinh tế, văn hoá, giáo dục, thể thao... giữa hai nước không chỉ phát triển rực rỡ như mười năm qua, mà còn là những tạo đà cho việc nâng cao quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, một mối quan hệ "hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI".

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 1992 - 2002 đặc điểm và khuynh hướng (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)