Câu sai ngữ pháp và ảnh hưởng của nó đến hiệu quả thông tin

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về câu sai trên báo in tiếng Việt năm 2005 (Trang 73)

6. Cấu trúc luận văn

2.4.1. Câu sai ngữ pháp và ảnh hưởng của nó đến hiệu quả thông tin

của báo in

Đối với báo in, ngôn ngữ viết là phương tiện chuyển tải toàn bộ nội dung của tác phẩm báo chí. Người viết báo và độc giả giao tiếp với nhau trước hết qua ngôn ngữ và bằng ngôn ngữ. Bởi vậy, ngôn ngữ có vai trò quyết định đối với hiệu quả thông tin của các tờ báo. Khi ngôn ngữ được sử dụng không chuẩn xác, nó sẽ là trở lực lớn nhất trong truyền thông.

Câu sai nói chung, câu sai ngữ pháp nói riêng có thể được coi là một trở lực trong hoạt động truyền thông của báo chí. Cái đích mà bất kỳ tờ báo nào cũng mong muốn đạt là: Làm thế nào để người đọc tiếp nhận được thông tin từ tờ báo một cách dễ dàng, nhanh chóng và có chất lượng nhất. Hiệu quả tiếp nhận thông tin của độc giả thể hiện ở chỗ: Độc giả hiểu được đúng nội dung thông tin được thể hiện trong mỗi bài viết. Độc giả nắm bắt thông tin về sự việc, sự kiện một cách đầy đủ, chân thật. Những thông tin ấy phải mạch lạc, tường minh.

Tác giả của cuốn Nhà báo – Bí quyết kỹ năng nghề nghiệp cũng nhấn

mạnh rằng: Cái làm nên giá trị của tin tức trên báo in là “hệ số được đọc” của tin tức đó. Và yếu tố quan trọng khiến công chúng lựa chọn đọc một tin tức là sự sáng rõ về mặt ngôn ngữ của văn bản tin tức. [40, tr.71 và tr.270 – 285]. Điều đó có ý nghĩa là câu sai nói chung, câu sai ngữ pháp nói riêng là một yếu tố làm giảm giá trị của tin tức, bởi nó thường làm cho văn bản tin tức trở nên tối nghĩa hay khó hiểu.

Ở mức độ nhẹ nhất, câu sai ngữ pháp thường khiến cho người đọc phải dừng lại đôi chút để kiểm tra xem liệu mình đã hiểu đúng nghĩa của câu, hiểu đúng ý của tác giả hay chưa? Từ đó làm gián đoạn quá trình tiếp nhận thông tin của độc giả.

Ví dụ (42): “Chính, YTECO đã, tạo điều kiện cho các hãng nước ngoài lũng đoạn thị trường dược trong nước, tạo thành thế độc quyền. (Bài “YTECO đã thao túng thị trường dược như thế nào?”, TP 125, tr.4). Câu này thừa hai dấu phẩy.

Câu sai có thể khiến cho độc giả không hiểu hoặc hiểu sai vấn đề. (Xem ví dụ (14), trang 49).

Câu sai ngữ pháp có ảnh hưởng lớn đến tâm lý tiếp nhận của độc giả. Câu sai là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến quyết định của độc giả về việc tiếp tục đọc hay bỏ dở bài báo, nhất là trong trường hợp độc giả gặp phải nhiều lỗi câu sai trong một bài báo hay một số báo.

Chẳng hạn, các câu sai do thiếu thành phần câu (thiếu chủ ngữ, thiếu vị ngữ, thiếu bổ ngữ, thiếu nòng cốt câu) thường khiến độc giả phải dừng quá trình tiếp nhận để tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Ai đã làm việc đó? (đối với câu sai do thiếu chủ ngữ); Người đó đã làm gì? (đối với câu sai do thiếu vị ngữ)….

Ví dụ, câu sai do thiếu chủ ngữ như câu sau đây sẽ khiến độc giả phải đặt ra câu hỏi về chủ thể của hành động đã được nói đến trong câu:

Ví dụ (43): “Từ năm 1995 trở lại đây, ngoài phóng viên trong quân đội và một số cơ quan báo chí trung ương, đã mở rộng tuyên truyền ra các báo đài địa phương ven biển, vùng có đảo”. (Bài “Chúng tôi góp sức nối Trường Sa với đất liền”, TP121, tr.6).

Phần đông độc giả có tâm lý: Nếu thông tin ở câu trước chưa rõ ràng thì sẽ không đọc sang các câu tiếp theo, mà dừng lại để kiểm tra lại thông tin, với mong muốn giải đáp ngay thắc mắc của mình. Chẳng hạn với ví dụ (43), độc

giả sẽ đặt ra câu hỏi: Ai đã mở rộng tuyên truyền? Người đọc sẽ phải quay trở lại câu trước đó hoặc thậm chí phải đọc lại bài báo từ đầu mới có thể đoán hiểu được ý của tác giả. Họ có thể tìm được câu trả lời khi đọc kỹ lại các đoạn văn trước câu sai. Họ cũng có thể không tìm được câu trả lời (đặc biệt là đối với các câu thiếu vị ngữ - cốt lõi thông báo của câu). Dù có tìm được câu trả lời cho thắc mắc của mình hay không, độc giả cũng đã bị gián đoạn trong quá trình tiếp nhận thông tin. Sự gián đoạn (“vấp”) trong quá trình tiếp nhận như vậy của độc giả khiến cho họ có thể:

+ Một là, độc giả tiếp tục đọc bài báo nếu người đó thực sự quan tâm đến nội dung của bài viết. Khi đó, hiệu quả tiếp nhận thông tin của độc giả đã giảm đi đôi chút.

+ Hai là, do nội dung của bài viết không nằm trong phạm vi quan tâm của độc giả nên sau khi bị “vấp”, họ bỏ dở bài viết đó để chuyển sang một tin, bài khác. Khi đó, hiệu quả thông tin của bài viết đối với độc giả giảm xuống rất thấp.

+ Thậm chí, có thể xẩy ra trường hợp thứ ba, nếu độc giả “vấp” phải hai, ba hay bốn câu sai ngữ pháp trong một bài báo hay một tờ báo, họ có thể bỏ dở luôn việc đọc toàn bộ tờ báo. Lúc này, hiệu quả thông tin của tờ báo sẽ giảm mạnh, thậm chí có thể giảm xuống tới mức bằng không.

Như vậy, câu sai ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả thông tin của báo in và như thế, báo chí không làm tốt chức năng mẫu mực dùng tiếng Việt.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về câu sai trên báo in tiếng Việt năm 2005 (Trang 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)