Do ảnh hưởng của yếu tố nguồn khách và các sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch còn thiếu của điểm du lịch nên mặc dù doanh thu du lịch có sự gia tăng đáng kể 15%/ năm trong những năm gần đây, song nhìn chung vẫn chưa cao.
Khách nội địa đến Nam Định có chi tiêu thấp, trung bình một ngày khách nội địa chi khoảng 350.000 VNĐ/ người; khách quốc tế chi tiêu ước tính khoảng 700.000 VNĐ/ người năm 2010. Khách đi lễ hội chiếm tỷ trọng lớn mà mức chi tiêu trong ngày thấp là nguyên nhân dẫn đến doanh thu du lịch của Nam Định chưa cao nhưng cũng phải thấy rằng sản phẩm và dịch vụ du lịch của Nam Định chưa phong phú, chất lượng chưa cao nên chưa kích thích được nhu cầu tiêu thụ, mua sắm của khách du lịch.
Về cơ cấu chi tiêu của khách du lịch: theo số liệu thống kê của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Nam Định trong những năm gần đây thì doanh thu từ dịch vụ lưu trú chiếm 35%, ăn uống chiếm 30%, trong khi đó doanh thu từ hoạt động mua sắm chỉ chiếm 11%, lữ hành 11%, vận chuyển 2%. Như vậy, khách du lịch đến với Nam Định chi tiêu tới 2/3 chi tiêu của mình cho 2 dịch vụ chính là ăn uống và lưu trú, 1/3 cho các dịch vụ bổ xung. Cơ cấu này là chưa phù hợp với xu thế của các nước có ngành du lịch phát triển. Các chuyên gia của Tổ chức Du lịch Thế Giới đã chỉ ra rằng nhu cầu loại 1 của khách du lịch (nhu cầu ăn, ngủ) là có giới hạn nên việc tăng doanh thu thông qua tăng chi tiêu về ăn ngủ còn gặp nhiều hạn chế; còn nhu cầu loại 2 (chăm sóc sức khoẻ, vui chơi giải trí, tham quan các di tích, danh thắng…) thì hầu như không có giới hạn và thường hay xuất hiện tuỳ thuộc vào trạng thái tâm lý cũng như khả năng cung ứng, du khách rất sẵn lòng chi trả cho các dịch vụ này. Vì vậy ở các vùng du lịch phát triển, các nhà kinh doanh thường đưa ra hệ thống các sản phẩm dịch vụ du lịch rất phong phú và các khoản thu từ các dịch vụ này lớn hơn nhiều so với khoản thu từ dịch vụ ăn uống và lưu trú.
Thực trạng cơ cấu chi tiêu của khách du lịch ở Nam Định cũng nằm trong xu thế chung của nhiều địa phương khác là khách du lịch vẫn dành phần lớn chi tiêu của mình cho các dịch vụ lưu trú và ăn uống. Để tăng nguồn thu từ khách du lịch thì điều quan trọng là phải tạo hệ thống
hàng hoá, dịch vụ phong phú, tạo điều kiện cho khách du lịch chi tiêu nhiều hơn vào hoạt động mua sắm các hàng hoá lưu niệm, vận chuyển du lịch và các dịch vụ khác. Muốn như vậy cần phải đầu tư xây dựng các công trình vui chơi, giải trí hấp dẫn, các cơ sở bán hàng thủ công, mỹ nghệ có chất lượng cao, các dịch vụ bổ xung thêm cho hoạt động du lịch… để thu hút khách du lịch và khả năng chi tiêu của họ. Hiện nay khách du lịch đến với Nam Định phần lớn là khách đi lẻ nên vấn đề đóng bảo hiểm cho khách du lịch chưa được đề cập đến như là nguồn thu chung của ngành.