Lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Nam Định

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tỉnh Nam Định (Trang 30)

Theo các công trình nghiên cứu khoa học, mảnh đất Nam Định được hình thành cách đây khoảng 70 triệu năm do ảnh hưởng tạo sơn thời kỳ Đại Tân Sinh, nâng ghềnh đá phía Nam sông Hồng cao lên, biển Đông lùi dần và từng bước hình thành vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Dấu tích các loại động thực vật có ở vùng biển và những hóa thạch tìm thấy trong lòng đất cho thấy đây là vùng đất màu mỡ, phì nhiêu, tạo nhiều cơ hội cho con người quần tụ thành cộng đồng.

Thời thuộc Đường, Nam Định thuộc huyện Chu Duyên. Đời Trần được gọi là lộ Thiên Trường, sau lại chia làm ba lộ: Kiến Xương, An Tiêm, Hoàng Giang. Thời thuộc Minh vùng đất này được chia làm ba phủ: Trấn Nam, Phụng Hóa, Kiến Bình. Đời Lê thuộc xứ Sơn Nam, đến niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2 năm 1741, vùng đất này thuộc lộ Sơn Nam Hạ. Đến triều Nguyễn, năm 1832 đổi tên thành tỉnh Nam Định với 4 phủ, 18 huyện bao gồm phần đất tỉnh Thái Bình hiện nay. Năm 1890, Thái Bình tách ra thành tỉnh riêng, Nam Định còn lại 2 phủ và 9 huyện. Từ năm 1926, tỉnh Nam Định có 2 phủ và 7 huyện, 78 tổng, 708 xã, riêng thành phố Nam Định có 10 phường. Đến những năm 1930, địa giới hành chính của tỉnh Nam Định không có thay đổi nhiều.

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, các đơn vị hành chính trong tỉnh luôn có sự thay đổi. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Nam Định thuộc Liên Khu 3. Năm 1953, 7 xã phía Bắc sông Đào thuộc huyện Nghĩa Hưng được cắt nhập vào huyện Ý Yên. Đồng thời 3 huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên nhập vào tỉnh Hà Nam. Đến tháng 4 - 1956, 3 huyện này lại được cắt trả cho Nam Định. Tháng 5 – 1965, Nam Định

hợp nhất với Hà Nam thành tỉnh Nam Hà. Cuối năm 1967, 2 huyện Giao Thủy và Xuân Trường hợp thành huyện Xuân Thủy. Tháng 3 - 1968, 7 xã phía Nam sông Ninh Cơ thuộc huyện Trực Ninh nhập với huyện Hải Hậu, 2 huyện Trực Ninh và Nam Trực nhập thành huyện Nam Ninh. Năm 1976, tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh. Đến năm 1991 lại chia tách và tái lập tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình. Tháng 11 – 1996, tỉnh Nam Hà tách thành 2 tỉnh là Nam Định và Hà Nam. Sau đó, trong nội bộ tỉnh Nam Định, các huyện hợp nhất trước đây lại chia tách và tái lập như cũ, đó là : Xuân Trường, Trực Ninh, Giao Thủy, Nam Trực và tái lập huyện Mỹ Lộc (gồm 10 xã). Năm 1997, xã Nam Vân, Nam Phong được cắt nhập từ huyện Nam Trực về thành phố Nam Định. Như vậy, đến cuối thế kỷ XX tỉnh Nam Định có 10 đơn vị hành chính bao gồm: 1 thành phố và 9 huyện, 225 xã, phường, thị trấn.

Nam Định là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của triều Trần (thế kỷ XIII – XIV) và sinh dưỡng nhiều danh nhân, danh sĩ, võ tướng mà tên tuổi và sự nghiệp của họ đã được sử sách ghi công, nhân dân tôn thờ mà nổi bật nhất là Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Nam Định còn là mảnh đất văn hiến, có truyền thống hiếu học với trường thi được lập từ thời Lê ở làng Năng Tĩnh. Trong chế độ khoa bảng thời phong kiến Nam Định có 5 trạng nguyên, 3 bảng nhãn, 14 hoàng giáp, 62 tiến sĩ và phó bảng, riêng làng cổ Hành Thiện có 91 vị đỗ đại khoa và cử nhân, nổi danh là: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Đào Sư Tích, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo, Trần Bích San...

Đời Trần, nhân dân Nam Định đã góp phần ba lần đánh thắng đế quốc Nguyên – Mông. Thời thuộc Minh, nhân dân đã ủng hộ nghĩa quân của Trần Triệu Cơ đánh thắng trận Bồ Đề buộc tướng Mộc Thạnh tháo chạy về thành Cổ Lộng. Trong khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, người dân Nam Định đã bí mật liện hệ với nghĩa quân để giết giặc cứu nước. Đặc biệt, với nghề rèn truyền thống, người dân Vân Chàng đã

ngày đêm rèn vũ khí cho nghĩa quân. Ở Cổ Lộng – Chuế Cầu (Ý Yên), nhân dân còn tham gia nghĩa quân Lam Sơn đánh thành Cổ Lộng giúp nghĩa quân tiến lên phía Bắc tiêu diệt giặc Minh.

Khi nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy kéo quân ra Bắc, người Nam Định đã tích cực tham gia lập phòng tuyến Tam Điệp góp phần làm cuộc thần tốc đánh đuổi giặc Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long. Dưới triều Nguyễn, do chính sách cai trị hà khắc khiến nhân dân khổ cực, người dân Nam Định đã hợp sức nổi dậy chống lại quan quân triều đình Huế. Trong đó tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của nông dân do Phan Bá Vành chỉ huy. Năm 1858 giặc Pháp đánh chiếm bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) mở đầu cho cuộc xâm lược nước ta, Phạm Văn Nghị đã tập hợp nghĩa sĩ Nam Định tiến vào Nam diệt thù. Thực dân Pháp đánh phá Bắc Kỳ và Nam Định, đề đốc Lê Văn Điểm, án sát Hồ Bá Ôn đã chỉ huy quân chiến đấu ngoan cường bao vây quân địch. Phong trào Cần Vương được nhân dân trong tỉnh hưởng ứng, trong đó có cuộc nổi dậy ở Nam Trực do cụ nghè Cù Hữu Lợi và cụ Vũ Đình Lục chỉ huy.

Đầu thế kỷ XX , thực dân Pháp câu kết với chế độ phong kiến tay sai ra sức khai thá c, vơ vét tài nguyên , áp bức, bóc lột nhân dân ta thậm tệ. Trong đó , thực dân Pháp đã xây dựng nhà máy dệt Nam Định lớn nhất Đông Dương , song chính sự ra đời của nhà máy này đã tạo điều kiện khách quan để giai cấp công nhân trong tỉnh hình thành và không ngừng lớn mạnh . Không cam chịu cảnh bần hàn , công nhân, nông dân và một số tầng lớp dân cư đã đoàn kết đấu tranh đòi quyền lợi . Đặc biệt, kể từ khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lập cơ sở ở Nam Định (1926 - 1927), phong trào đấu tranh không ngừng lớn mạnh , với mục đích đòi quyền dân sinh , dân chủ , mang ý thức chính trị và giai cấp rõ rệt. Tháng 6 - 1929, Tỉnh uỷ lâm thời được thành lập và chi bộ Đảng đầu tiên ở Nam Định ra đời , phong trào đấu tranh diễn ra mạnh mẽ từ thành

thị đến nông thôn . Nam Định trở thành một trong những trung tâm đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến mạnh nhất cả nước .

Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3 - 2 - 1930 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ , nhân dân Nam Định đã viết tiếp những trang sử vàng chói lọi về truyền thống chống ngoại xâm và lao động cần cù sáng tạo , xây dựng Nam Định ngày càng đàng hoàng hơn , giàu đẹp hơn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tỉnh Nam Định (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)