Tài nguyên văn hóa phi vật thể

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tỉnh Nam Định (Trang 46)

♦ Các lễ hội truyền thống

Cùng với các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống của Nam Định với quy mô và tính đặc sắc riêng cũng có ý nghĩa lớn đối với phát triển du lịch. Đó là những lễ hội phản ánh nhiều nét sinh hoạt văn

hóa sinh động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là một sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn. Tùy theo đặc điểm của từng địa phương mà quy mô và thời gian lễ hội diễn ra khác nhau. Xét về khả năng khai thác phục vụ du lịch, mặc dù các lễ hội có quy mô, tính chất khác nhau và diễn ra trong một thời gian ngắn song có sức hấp dẫn không kém gì các di tích lịch sử văn hóa cách mạng. Đặc biệt tại Nam Định, các lễ hội thường gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa cách mạng nên đã tạo điều kiện cho việc khai thác tốt hơn các giá trị văn hóa của địa phương về cả di tích và lễ hội vào mục đích du lịch. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra trên 40 lễ hội truyền thống, các lễ hội này đều phản ánh khá đầy đủ đời sống tâm linh và bản sắc văn hóa của người dân địa phương, tiêu biểu là:

- Lễ hội đền Trần: được tổ chức từ ngày 1 – 20 tháng 8 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ các vị vua Trần và anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Các nghi thức tế lễ long trọng cùng với các hoạt động văn hóa, thể thao, dân gian truyền thống đặc sắc được tổ chức tại nhiều điểm thuộc khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần – chùa Tháp đã góp phần tạo nên tính hấp dẫn của lễ hội này.

- Lễ hội Phủ Giầy: được tổ chức hàng năm vào đầu tháng 3 âm lịch với các nghi lễ tôn thờ Mẫu Liễu Hạnh một trong bốn vị “Tứ bất tử” của nước ta. Đan xen với các nghi lễ quan trọng là các hoạt động văn hóa thể thao, dân gian truyền thống đặc sắc: múa rồng, múa lân, thả đèn trời, thả rồng bay, hát văn và độc đáo hơn cả là thi cờ người, hoa trượng hội.

- Lễ hội chợ Viềng: hội chợ Viềng họp một lần duy nhất trong năm vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch tại thôn Trung Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của vùng quê này. Dân gian thường gọi đây là chợ Phủ hay còn là chợ “mua may bán rủi”.

- Lễ hội chùa Cổ Lễ: hội chùa Cổ Lễ mở từ ngày 13 đến 16 tháng 9 âm lịch hàng năm. Đó là ngày hội tưởng niệm Đức Thánh Tổ hóa thân (14/09), một ngày trọng đại đã đi vào tiềm thức nhân dân trong vùng. Đây là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Nam Định còn bảo lưu được nhiều nghi thức, trò chơi dân gian đặc sắc như: rước kiệu, bơi chải, múa rối, tổ tôm điếm… phản ánh đời sống văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

- Lễ hội chùa Keo Hành Thiện: hàng năm, tại chùa có hai lần mở hội. Đó là hội xuân vào dịp tết Nguyên đán và hội tháng 9 âm lịch mở vào các ngày 13, 14, 15 để kỷ niệm ngày sinh của Thánh tổ Không Lộ. Hội xuân có các trò chơi bắt vịt, thi nấu cơm và các hình thức văn nghệ dân gian khác. Hội tháng 9 được tổ chức trọng thể, thực sự là ngày hội lịch sử. Ngoài những nghi thức lễ tiết mang tính chất tôn giáo, hội tháng 9 còn là nơi hội tụ những sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân nông nghiệp.

♦ Nghề và làng nghề thủ công truyền thống

Các làng nghề thủ công truyền thống ở Nam Định có lịch sử phát triển từ lâu đời. Hiện nay, các làng nghề cũng đã được quan tâm khai thác phục vụ phát triển du lịch (vừa là nơi tham quan, vừa là nơi sản xuất hàng lưu niệm cho khách du lịch), tiêu biểu là các làng nghề:

- Làng nghề trồng hoa cây cảnh Vị Khê: làng hoa cây cảnh Vị Khê nằm bên bờ sông Hồng thuộc xã Điền Xá, huyện Nam Trực cách thành phố Nam Định khoảng 5km về phía Đông Nam. Đây là một làng nghề truyền thống có tuổi đời trên 700 năm. Từ trên bờ đê sông Hồng nhìn xuống làng, nhà nào cũng trồng cây cảnh, cây thế. Nhiều nhất là các loại cây: sanh, si, tùng la hán, vạn tuế, cau vua… được uốn tỉa chăm sóc công phu thành các dáng, thế ẩn chứa quan niệm triết học phương Đông tạo nên sự kỳ thú hấp dẫn du khách. Trong làng còn lưu giữ bộ cây thế

khoảng 300 năm tuổi đã từng dự thi và giành giải thưởng cung đình Huế do vua ban tặng được coi như đồ gia bảo của làng nghề.

- Làng nghề thủ công chạm khắc gỗ La Xuyên: làng nghề thuộc xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, nằm bên quốc lộ 10, cách thành phố Nam Định 21km về phía Tây Nam. Làng nghề được hình thành cách đây 10 thế kỷ. Từ nơi đây đã có rất nhiều nghệ nhân đến xây dựng cố đô Hoa Lư, kinh đô Thăng Long, Đông Đô, kinh thành Huế và nhiều đình, đền, chùa, miếu, lăng, phủ ở mọi miền đất nước. Hiện nay, làng nghề vẫn còn tồn tại và phát triển. Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân và các thợ thủ công lành nghề nhiều sản phẩm nổi tiếng về độ bền, vẻ đẹp của các hoa văn mảng khối, đường nét gợi chất thơ từ nhiều điển tích cổ phương Đông. Du khách có thể mua những sản phẩm của làng nghề để kỷ niệm cho chuyến đi. Đền thờ ông tổ làng nghề được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích lịch sử văn hóa vào năm 1991. Hàng năm, dân làng đều tổ chức lễ hội mùa xuân vào ngày 6/3 âm lịch, nét đặc trưng của lễ hội là nghi thức kéo lửa để khai hội (trai làng kéo lạt giang cọ vào thanh gỗ xoan ngâm tạo nhiệt, nhiệt truyền làm cháy bùi nhùi rơm khô, một cụ cao niên lấy ngọn lửa thắp hương cho cả làng làm lễ dâng hương).

- Làng nghề đúc đồng Tống Xá: làng nghề đúc đồng Tống Xá thuộc xã Yên Xá, huyện Ý Yên. Ngoài việc làm nên các sản phẩm truyền thống như lư đồng, tượng đồng, các đồ kỷ vật,… làng nghề còn sản xuất các đồ lưu niệm vừa mang tính nghệ thuật vừa có giá trị sử dụng cao. Đây cũng là nơi làm ra các công trình nổi tiếng như: tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội, tượng 14 vị vua thời Trần đặt ở điện Trùng Hoa (Nam Định), tượng tam thế Phật tổ Như Lai đặt tại chùa Bái Đính (Ninh Bình),… Đến với làng nghề đúc đồng Tống Xá, du khách sẽ thấy được sự nhộn nhịp của làng, được gặp gỡ

những người thợ tài hoa đã làm ra những sản phẩm đúc đồng cao cấp và được quan sát những công đoạn để làm nên một sản phẩm.

- Làng nghề rèn Vân Chàng thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Trực. Làng nghề nằm liền kề bên tỉnh lộ 55 cách thành phố Nam Định 9km về phía Nam nổi tiếng với nghề rèn, đồ sắt phục vụ cho nhu cầu sản xuất và đời sống của cư dân trong vùng. Nhiều sản phẩm của làng nghề từ lâu đã nổi tiếng khắp vùng “móng Can Lao dao Vân Chàng”. Đến với làng nghề du khách được tận mắt nhìn những người thợ thủ công đang làm nghề do cha ông truyền lại từ bao đời nay. Làng nghề rèn Vân Chàng còn gắn liền với phiên chợ Viềng tổ chức vào ngày 8 tháng giêng âm lịch hàng năm. Người đi chợ Viềng không quên mua một món đồ lấy may trong đó có những sản phẩm được sản xuất từ làng nghề Vân Chàng.

- Làng nghề dệt thủ công Cổ Chất: làng nghề dệt Cổ Chất nằm ở vùng đất bãi ven sông Hồng nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Từ thành phố Nam Định theo tuyến quốc lộ 21 hoặc xuôi theo dòng sông Hồng khoảng 20km về phía Đông Nam là tới làng dệt lụa Cổ Chất. Đây là một làng nghề truyền thống có từ khá lâu của Nam Định. Sản phẩm chủ yếu làng nghề là sợi tơ tằm và vải đũi. Đến làng nghề du khách sẽ có dịp quan sát cảnh những người nông dân chăn tằm, ươm tơ, kéo kén, dệt lụa trên những khung cửi gỗ thô sơ. Sản phẩm của làng nghề là một trong những món đồ lưu niệm mà du khách khó có thể từ chối để kỷ niệm chuyến tham quan về Nam Định.

- Làng nghề sơn mài Cát Đằng: nghề sơn mài ở thôn Cát Đằng xã Yên Tiến huyện Ý Yên được khởi nghiệp từ thời Trần đến thời Lê và phát triển mạnh vào thời Nguyễn. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng nghề vẫn được gìn giữ và phát triển. Các sản phẩm sơn mài của Cát

Đằng không chỉ nổi tiếng bởi chất lượng tốt và giá trị nghệ thuật cao mà còn do kỹ thuật làm sáng tạo từ nguyên liệu nứa.

Nhìn chung, các làng nghề thủ công truyền thống ở Nam Định đều có khả năng khai thác phục vụ phát triển du lịch không chỉ ở khía cạnh mặt hàng lưu niệm mà còn ở giá trị văn hóa cội nguồn của chúng. Với ý nghĩa đó có thể tổ chức cho khách du lịch tham quan các làng nghề kết hợp với tham dự lễ hội và các di tích liên quan đến các vị Tổ nghề, tạo cho các sản phẩm du lịch văn hóa thêm đặc sắc và hấp dẫn.

♦ Văn hóa nghệ thuật

Đối với du lịch, văn hóa nghệ thuật là một loại hình, một sản phẩm du lịch độc đáo đang được đầu từ phát triển. Nằm trong vùng châu thổ sông Hồng, Nam Định có nền văn hóa dân gian phong phú. Nền văn hóa này bắt nguồn từ đời sống của nhân dân và được phát triển với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa đa dạng với các loại hình nghệ thuật như hát chèo, hát văn, múa rối nước,… Tỉnh Nam Định hiện đang có gần 50 đội chèo quần chúng, 2 phường múa rối nước hoạt động theo hướng xã hội hóa.

Nghệ thuật chèo ở Nam Định phát triển khá sớm. Chiếu chèo Nam từ xưa đã nổi tiếng cùng với nhiều nghệ nhân tên tuổi.

Rối nước Nam Định từ lâu đã được biết đến với “Rối nước làng Rạch” (Nam Trực), “Rối nước làng Bàn Thạch” (Nghĩa Hưng) là hai phường rối nước nổi tiếng ở Nam Định. Nghệ thuật múa rối nước bắt nguồn từ làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực được thành lập vào thế kỷ thứ 10 và nơi đây cũng xuất hiện truyền thống làm tượng, sơn mài, chạm khắc gỗ và làm con trò của nghệ thuật múa rối nước. Nghệ thuật múa rối nước đã ăn sâu vào tinh thần của những người dân nơi đây. Hiện nay, phường rối nước của thôn có 40 người. Các tích trò của rối làng Rạch phản ánh sinh động cuộc sống, có nội dung ca ngợi tình yêu

quê hương đất nước, uống nước nhớ nguồn. Tiêu biểu là các tích trò: Trần Hưng Đạo ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, cấy lúa, đấu vật, múa tứ linh, chọi trâu, múa sư tử. Hiện nay, phường rối nước làng Rạch thường xuyên được mời biểu diễn định kỳ tại Bảo tàng dân tộc học (Hà Nội) để phục vụ du khách.

♦ Văn hóa ẩm thực:

Người Nam Định không chỉ giỏi làm ra nhiều nông sản, đặc sản quý như gạo tám thơm, tám xoan Hải Hậu, nếp quýt Xuân Đài,… mà còn giỏi chế biến nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng như bánh nhãn (Hải Hậu), bánh gai bà Thi, kẹo Sìu Châu (Nam Định), nem nắm (Giao Thủy), phở Nam Định…

Nói đến món ăn đặc sản ở Nam Định không thể không nói tới “Phở Nam Định”. Phở gia truyền Nam Định có nguồn gốc từ họ Cồ ở làng Vân Cù xã Đồng Sơn huyện Nam Trực. Sau đó được truyền ra các làng bên. Vào thập niên 50 người Nam Định mang món phở ra Hà Nội và bán theo xe đẩy. Từ những năm 60 đến trước những năm 90 của thế kỷ XX, vì nhiều lý do nên phở Nam Định vắng bóng, nhưng từ những năm 90 trở lại đây phở Nam Định phục hồi trở lại và ngày càng phát triển. Cùng với phở Hà Nội, phở Sài Gòn, thì phở Nam Định có mặt ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tại phành phố Nam Định khách du lịch có thể tìm đến quán phở Đồng Nguyên trên đường Trần Nhật Duật hoặc quán phở Đán trên đường Hai Bà Trưng.

Văn hóa ẩm thực của Nam Định phong phú, đa dạng, tinh tế và hấp dẫn. Hương vị đặc biệt của các món ẩm thực địa phương đã làm cho người Nam Định tự tin mời du khách bốn phương.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tỉnh Nam Định (Trang 46)