Tài nguyên văn hóa vật thể

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tỉnh Nam Định (Trang 41)

Di tích lịch sử văn hóa

Các di tích lịch sử văn hóa của tỉnh rất đa dạng và phong phú, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung và truyền thống văn hóa lâu đời, phong tục tập quán của Nam Định nói riêng. Vì vậy, ngoài các giá trị về lịch sử, văn hóa, các di tích còn có giá trị rất lớn về mặt du lịch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên hai nghìn di tích lịch sử văn hóa cách mạng trong đó gần ba trăm di tích đã được xếp hạng bao gồm: đình, đền, chùa, phủ,… Các di tích lịch sử văn hóa này đều có những nét kiến trúc độc đáo, có sự giao thoa của các kiến trúc cổ và hiện đại, kiến trúc phương Đông và phương Tây, tiêu biểu là:

- Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần – chùa Tháp: trải rộng trên địa bàn các phường Lộc Vượng, Lộc Hạ (thành phố Nam Định) và một số xã của huyện Mỹ Lộc bao gồm 45 di tích gắn với lịch sử của vương triều Trần – một triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Xưa kia nơi đây vốn là hành cung Thiên Trường với các cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa (nơi giành cho các Thái Thượng Hoàng và các vua đương triều ngự), cung Đệ Nhất, Đệ Nhị xã Mỹ Trung, cung Đệ Tam, Đệ Tứ phường Lộc Hạ (giành cho các Thái Hoàng, Thái Hậu, các phi tần tôn nữ ở). Nơi đây được ví như kinh đô thứ hai thời Trần. Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần – chùa Tháp được xây dựng ngay trên quê hương nhà Trần đã và đang làm sống dậy truyền thống hào khí Đông A. Do vậy, các giá trị văn hóa ở đây được bảo tồn và khai thác góp phần vào việc xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là khu di tích có giá trị trong du lịch để giới thiệu những bài học dựng nước, giữ nước của cha ông ta.

Đền Thiên Trường (còn gọi là đền Thượng) thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định là nơi thờ bài vị 14 vị vua nhà Trần. Đền có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”, ngoài sân có hai dãy dải vũ, trước đền có hồ nước hình chữ nhật. Trong đền có trưng bày khá nhiều hiện vật liên quan đến cuộc kháng chiến thần thánh chống quân Nguyên Mông của nhân dân Đại Việt và các di vật khảo cổ tìm thấy ở đây.

Đền Cố Trạch là nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia tộc và các danh tướng thân tín của ông. Năm 1852 trong lần tu sửa đền Thiên Trường, nhân dân đã đào được một tấm bia có dòng chữ “Hưng Đạo thân vương Cố Trạch” (nhà cũ của Hưng Đạo Vương) nên nhân dân dựng ngôi đền thờ ông trên nền nhà cũ và gọi là đền Cố Trạch. Ngôi đền được xây dựng bên cạnh đền Thiên Trường. Về quy mô, đền Cố Trạch có nhiều nét giống như đền Thiên Trường bao gồm nhà đại bái, thiêu hương, cung đệ nhị và cung đệ nhất.

Đền Trùng Hoa nằm ở phía Tây đền Thiên Trường trong khuôn viên của khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần – chùa Tháp. Kiến trúc của đền Trùng Hoa cũng giống như đền Thiên Trường và Cố Trạch bao gồm: tiền đường, thiêu hương, trung đường và chính tẩm. Mặc dù mới được phục dựng nhưng kiến trúc của đền Trùng Hoa mang phong cách của thời Hậu Lê. Khác với đền Thiên Trường thờ bài vị, đền Trùng Hoa là nơi thờ tượng của 14 vị hoàng đế nhà Trần được đúc bằng đồng.

Chùa Phổ Minh còn gọi là chùa Tháp nằm cách khu di tích đền Trần khoảng 300m về phía Tây. Ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý đã được vương triều Trần mở rộng vào năm 1262 để phục vụ nhu cầu lễ Phật của các Thái Thượng Hoàng và các thân vương quý tộc thời Trần. Công trình có giá trị nhất, giữ vai trò chủ đạo ở chùa là cây tháp Phổ

Minh cao 19m51 gồm 14 tầng, trên ngọn tháp đặt quách đá đựng xá lỵ của vua Trần Nhân Tông – vị đệ nhất tông phái Trúc Lâm Tam Tổ.

Đền Bảo Lộc nằm cách khu đền Trần – chùa Tháp khoảng 3km về phía Bắc. Đền được xây dựng trên phần đất vốn là ấp An Lạc – trang ấp của An Sinh Vương Trần Liễu. Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia tộc và các tướng lĩnh của người. Ngôi đền được xây dựng với quy mô kiến trúc rộng lớn, tòa tiền đường cao hai tầng, hai bên có chùa và phủ thờ mẫu, phía sau là tòa khải thánh. Xung quanh đền đã phát hiện được rất nhiều di vật thời Trần. Chính nơi đây, xưa kia đã gắn bó mật thiết với cuộc đời của Trần Hưng Đạo với gia đình và thân phụ của ông.

Khu di tích Cao Đài thuộc xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, cách thành phố Nam Định 10km về phía Tây Nam. Đây là khu thái ấp xưa của Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải. Hiện còn mộ của vợ ông là công chúa Phụng Dương (con gái Thái sư Trần Thủ Độ) và tấm bia ca ngợi công chúa Phụng Dương khắc năm Hưng Long thứ nhất (1293) triều vua Trần Anh Tôn.

Chùa Đệ Tứ thuộc thôn Đệ Tứ, ngoại thành Nam Định. Chùa được xây dựng trên nền móng của cung Đệ Tứ, nơi giành cho các hoàng thái hậu, cung tần mỹ nữ nhà Trần sinh sống. Tại đây, quá trình khảo cổ đã phát hiện được một sân gạch hoa, mỗi viên có kích thước 40cm x 40cm, trang trí họa tiết hoa cúc dây, là một phong cách nghệ thuật tiêu biểu của thời Trần, hệ thống chân tảng đá chạm cánh sen, sóc đã và nhiều di vật có giá trị.

- Ngôi nhà số 7 – Bến Ngự : thuộc phường Phan Đình Phùng, thành phố Nam Định là nơi thành lập chi hội đầu tiên của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội Nam Định. Đây là di tích lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của người dân Nam Định. Nhà số 7 phố Bến

Ngự còn là nơi sinh ra Tam nguyên Trần Bích San đồng thời là từ đường dòng họ của ông. Hiện nay ngôi nhà vẫn còn giữ nguyên trên diện tích 890m2 với nhà từ đường rộng 5 gian quay hướng Đông được xây dựng theo phong cách cổ truyền, mái lợp ngói nam.

- Cột cờ Nam Định: nằm trên đường Tô Hiệu phường Ngô Quyền thành phố Nam Định cột cờ Nam Định thời xưa còn được gọi là kỳ đài. Đây là một trong bốn cột cờ được xây dựng vào đầu thời Nguyễn và dần hoàn thiện qua các năm 1833, 1843. Nơi đây đã diễn ra những trận chiến đấu chống thực dân Pháp của quân dân thành Nam và cũng là nơi cắm lá cờ đỏ sao vàng khẳng định thắng lợi của cách mạng tháng 8 trên quê hương Nam Định. Trải qua gần 2 thế kỷ, cột cờ thành Nam đã chứng kiến những sự kiện lịch sử, sự đổi thay của quê hương, đất nước. Đây là một công trình kiến trúc cổ, có giá trị lịch sử và văn hóa.

- Di tích lịch sử văn hóa Phủ Giầy: thuộc xã Kim Thái huyện Vụ Bản gồm 21 di tích liên quan đến sự tích, truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một trong “tứ bất tử” của diện thần Việt Nam. Quần thể di tích được bao bọc bởi dãy núi sót đột khởi giữa vùng đồng bằng châu thổ tạo nên nét độc đáo. Các di tích được xây dựng với quy mô bề thế mang phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc. Một số di tích quan trọng như phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Mẫu đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Bên cạnh đó, chúng ta còn tìm thấy ở đây tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng cổ xưa và phát triển mạnh vào thế kỷ XVIII – XIX.

- Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản): ngôi đền được xây dựng trên nền nhà cũ của gia đình ông và được dân làng làm vào đầu thế kỷ XVI ngay sau khi ông mất một thời gian để ghi nhớ công ơn của ông.

- Nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh: di tích nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh thuộc dong 7, thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường. Đây là quê hương, nơi sinh trưởng của đồng chí Trường Chinh người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Nam Định. Ngôi nhà lưu niệm hiện còn giữ được những hình ảnh, hiện vật quý giá về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của người.

- Chùa Keo Hành Thiện: nằm đối diện với chùa Keo Thái Bình qua sông Hồng, chùa Keo Hành Thiện được xây dựng từ thời Lý. Kiến trúc chùa chủ yếu bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Chùa có quy mô bề thế với 13 tòa rộng, dãy dài gồm 121 gian chạm khắc thời Hậu Lê tạo thành những cụm kiến trúc hài hòa cân đối. Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị của thế kỷ XVII như: án thư, sập thờ, tượng pháp cùng nhiều chuông khánh, văn bia cổ, hoành phi câu đối và sách chữ Hán nói về vẻ đẹp chùa Keo.

- Chùa Cổ Lễ: có tên tự là chùa “Thần Quang” tọa lạc tại trung tâm thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, cách thành phố Nam Định 15km về phía Đông Nam. Chùa được xây dựng từ thời Lý, được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Lần trùng tu, xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX để lại cho ngôi chùa quy mô kiến trúc như ngày nay. Công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao ở chùa là cây tháp cửu phẩm liên hoa cao 32m được xây dựng trên bè móng ghép bằng 50 cây gỗ lim, trong chùa có quả chuông đồng nặng 9000kg.

- Cầu Ngói – chợ Lương (xã Hải Anh, huyện Hải Hậu): Cầu được thiết kế theo kiểu “Thượng gia hạ trì” nghĩa là “trên là nhà, dưới là sông” hết sức độc đáo và hấp dẫn. Cầu nằm trên 18 cột đá vuông, có 9 gian nhà cầu mái cong lợp ngói nam, uốn lượn nhịp nhàng mềm mại. Hai bên cầu

có hai hành lang để khách nghỉ chân uống nước, ngắm phong cảnh sông nước làng quê.

- Nhà thờ Phú Nhai (xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường): Nhà thờ Phú Nhai được xây dựng năm 1930 có tháp chuông cao 44m. Đây là nhà thờ có quy mô lớn và có nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Hàng năm, vào ngày lễ thánh nơi đây là điểm tập trung của hàng ngàn con chiên trên mọi miền đất nước. Với quy mô lớn, kiến trúc độc đáo nhà thờ là nơi thu hút nhiều khách quốc tế đến tham quan, nghiên cứu tìm hiểu, đặc biệt là những người theo đạo Thiên chúa.

Ngoài ra, còn có rất nhiều các di tích khác có giá trị như: đền Bảo Lộc, đền Bà Kiến Quốc phu nhân, chùa Đại Bi, đình Hưng Lộc, đền thờ trạng nguyên Nguyễn Hiền,… Tìm hiểu những địa phương có từ 2 -3 di tích được công nhận như xã Nam Giang (huyện Nam Trực), xã Phương Định (huyện Trực Ninh), xã Yên Ninh (huyện Ý Yên),… ta thấy rất rõ yếu tố tụ điểm văn hóa bản địa từ lâu đời.

Hệ thống từ đường, các di tích liên quan đến việc hình thành các làng nghề truyền thống, các di tích liên quan đến sự nghiệp cách mạng đang góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của văn hóa Nam Định.

Có thể nói, các di tích lịch sử văn hóa cách mạng của Nam Định có giá trị cao đối với phát triển du lịch. Nếu được tổ chức, quản lý và khai thác một cách hợp lý để phát huy được giá trị của tài nguyên du lịch quý giá này thì chắc chắn du lịch Nam Định sẽ có sức hấp dẫn lớn và đem lại những đóng góp hiệu quả cho sự phát triển du lịch của tỉnh.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tỉnh Nam Định (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)