6. Kết cấu của luận văn
2.5.2. Những mặt hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động tín dụng tại Vietcombank Cam Ranh đến thời điểm hiện nay còn nhiều mặt hạn chế như sau:
- Số lượng các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với Chi nhánh còn ở mức khiêm tốn (15 DN), khá thấp so với số lượng doanh nghiệp hiện có trên địa bàn (gần 400 DN) và so với số lượng doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các TCTD khác trên địa bàn.
- Sản phẩm cho vay đối với doanh nghiệp tại Chi nhánh chưa phong phú, đa dạng, hiện chỉ mới áp dụng các hình thức cho vay truyền thống, chưa triển khai các sản phẩm cho vay như bao thanh toán, cho vay thấu chi doanh nghiệp,…
- Dư nợ cho vay cá nhân sản xuất kinh doanh tại chi nhánh đa phần đều có 100% tài sản thế chấp, điều này sẽ hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay của những khách hàng có tình hình tài chính tốt, phương án sản xuất kinh doanh khả thi nhưng không đáp ứng được yêu cầu về tài sản đảm bảo của ngân hàng. Tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo chưa có tính cạnh tranh. Vietcombank Cam Ranh định giá tài sản thường khoảng 70 - 80% giá trị thị trường và tỷ lệ cho vay tối đa 70% giá trị định giá thị trường.
- Vietcombank Cam Ranh qui định rất chặt chẽ về đối tượng, thủ tục vay vốn. Khách hàng phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh khả năng tài chính và chứng minh sử dụng vốn vay, điều này rất khó khăn đối với các hộ kinh doanh cá thể có nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, do họ không ghi chép sổ sách đầy đủ, hóa đơn nhập xuất hàng thường là hóa đơn bán lẻ và không lưu giữ đầy đủ. Do vậy, cán bộ tín dụng rất khó để xác minh khả năng tài chính và không có giấy tờ chứng minh với cấp phê duyệt tín dụng.
- Vietcombank chưa xây dựng bộ phận chuyên trách về tìm kiếm khách hàng, bộ phận thẩm định hồ sơ vay, bộ phận soạn thảo hợp đồng, công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bộ phận giải ngân, thu nợ. Hiện nay tại phòng giao dịch của Vietcombank Cam Ranh, một CBTD phải đảm trách hầu hết các khâu tác nghiệp từ tìm kiếm khách hàng, cho đến thẩm định, công chứng thế chấp và giải ngân. Việc ôm đồm nhiều công việc như vậy khiến CBTD mất nhiều thời gian và công sức để hoàn thành từ đầu đến cuối một hồ sơ vay dẫn đến không phát huy được tối đa chuyên môn chính là tìm kiếm khách hàng và công tác thẩm định.
- Mạng lưới hoạt động của ngân hàng còn hạn chế, chưa được phát triển rộng rãi trên địa bàn nên hạn chế khả năng giao dịch của khách hàng đối với ngân hàng.
- Công tác tiếp thị và quảng cáo chưa được Vietcombank Cam Ranh chú trọng do hạn chế về kinh phí. Các sản phẩm tín dụng chưa được phổ biến tới khách hàng một cách
rộng rãi. Các brochure, tờ rơi, quảng cáo về các sản phẩm tín dụng vẫn chưa được thực hiện hoặc được thực hiện nhưng còn ít, sơ sài, chưa cụ thể và chưa chuyên nghiệp. Vệc quảng cáo qua mẫu tin trên báo, truyền hình rất ít. Hiện tại, Vietcombank Cam Ranh vẫn chưa có website riêng để quảng bá hình ảnh và sản phẩm dịch vụ của mình đến khách hàng.
- Các sản phẩm cho vay của Vietcombank chưa ứng dụng công nghệ hiện đại (đơn vay vốn trực tuyến) nên chưa thuận tiện, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng một cách nhanh chóng, kịp thời.
- Chưa thành lập trung tâm tư vấn điện thoại tại chi nhánh, khi khách hàng gọi điện đến tìm hiểu các thông tin về lãi suất, sản phẩm cho vay, các khoản phí dịch vụ, … vẫn chưa gặp được trực tiếp người nắm rõ thông tin nhất mà thường phải qua nhiều bước trung gian, gây tốn thời gian, chi phí, mất thiện cảm của khách hàng.
- Trong thời gian vừa qua, Vietcombank Cam Ranh đã thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng, tuy nhiên đối tượng chăm sóc chủ yếu là khách hàng gửi tiết kiệm, chưa có chương trình chăm sóc khách hàng tín dụng, đặc biệt là khách hàng cá nhân.
Kết luận chương 2
Qua những phân tích trên, có thể nhận định rằng, tuy thị phần không chiếm được lợi thế lớn nhất nhưng Vietcombank Cam Ranh có được lợi thế về “Khả năng cạnh tranh của giá”, “Chất lượng nguồn nhân lực” và “Hình ảnh thương hiệu”. Bên cạnh đó, Vietcombank Cam Ranh đã từng bước thiết lập và tận dụng hiệu quả những nguồn lực hiện có, đặc biệt là nguồn nhân lực, đồng thời khai thác tốt các yếu tố bên ngoài để đẩy mạnh khả năng cạnh tranh trong hoạt động tín dụng. Qua điều tra khảo sát, khách hàng đã có những nhận xét tích cực về chất lượng dịch vụ của ngân hàng. Tuy nhiên, Vietcombank Cam Ranh cần tích cực thực hiện các giải pháp đột phá nhằm khắc phục những điểm yếu và thúc đẩy những mặt mạnh với mục đích tạo ra lợi thế cạnh tranh trong hoạt động tín dụng bền vững. Các giải pháp này nhằm tăng khoảng cách với các ngân hàng nhóm sau và thu hẹp khoảng cách với đối thủ đang dẫn đầu trên thị trường.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG CỦA VIETCOMBANK CAM RANH