Quy định của Tổ chức Liên đoàn công nhân vận tải quốc tế (International Transport Worker’s Federation, ITF)

Một phần của tài liệu Pháp luật lao động Việt Nam về thuyền viên làm việc trên các tàu vân tải biển nước ngoài, thực trạng và giải pháp (Trang 41 - 42)

(International Transport Worker’s Federation, ITF)

Là một tổ chức nghề nghiệp phi chính phủ, Liên đoàn công nhân vận tải quốc tế đại diện cho người lao động của ngành vận tải biển trên khắp thế giới và thúc đẩy lợi ích của họ thông qua các cuộc vận động toàn cầu. ITF được thành lập từ năm 1896 và ngày nay đại diện cho lợi ích của hơn 600.000 thuyền viên là công dân của tổ chức công đoàn thành viên trên toàn thế giới, đồng thời đưa ra nhiệm vụ đấu tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thuyền viên không kể quốc tịch của họ hay quốc tịch của tàu biển nơi họ làm

việc. ITF còn ban hành "Giấy chứng nhận xanh" cho các tàu thoả mãn các việc kiện của ITF như mức lương tối thiểu, ngày nghỉ, thời giờ làm việc, điều kiện làm việc, chế độ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe… cho thuyền viên [29, tr. 145]. Với nhiệm vụ chính của ITF là đưa ra các khuyến nghị đối với chính phủ và các công ty vận tải biển trên thế giới về việc đảm bảo và duy trì điều kiện làm việc an toàn, chế độ tiền lương và an sinh xã hội đảm bảo trên cơ sở các quy định của ILO, IMO…, đồng thời thông qua hệ thống thanh tra của mình trên thế giới (hiện tại có hơn 300 thanh tra, giám sát tại các cảng trên thế giới), vận động thuyền viên đấu tranh chống lại các chủ tàu không tuân thủ các khuyến nghị đã được thừa nhận chung của ITF và luật pháp quốc tế, đặc biệt là các chủ tàu từ bỏ cờ của quốc gia mình để đăng ký mang cờ của quốc gia khác (cờ thuận tiện) nhằm tìm kiếm thuyền viên rẻ nhất cùng với chế độ làm việc không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu.

Hiện nay, các khuyến nghị của ITF về chế độ lao động của thuyền viên được các quốc gia coi là tập quán quốc tế về lao động thuyền viên và được áp dụng phổ biến trong các hợp đồng thuê thuyền viên, là cơ sở quan trọng cho việc giải quyết các tranh chấp về lao động thuyền viên trên thế giới.

Các chủ tàu của Việt Nam hiện nay cũng như tổ chức Công đoàn Việt Nam chưa đăng ký trở thành thành viên của ITF hoặc hợp tác với tổ chức này để có những chính sách bảo vệ thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài, nhất là những tàu biển mang cờ thuận tiện hoặc những quốc gia có trình độ hàng hải kém phát triển, mặc dù trong thực tế các hợp đồng thuyền viên đều viện dẫn tới các khuyến nghị của ITF về quyền và nghĩa vụ của thuyền viên, về chế độ lao động và các chế độ phúc lợi khác của thuyền viên như chế độ tiền lương, điều kiện làm việc, thời gian làm việc.

Một phần của tài liệu Pháp luật lao động Việt Nam về thuyền viên làm việc trên các tàu vân tải biển nước ngoài, thực trạng và giải pháp (Trang 41 - 42)