Bảo hiểm và các chế độ an sinh liên quan đến thuyền viên

Một phần của tài liệu Pháp luật lao động Việt Nam về thuyền viên làm việc trên các tàu vân tải biển nước ngoài, thực trạng và giải pháp (Trang 71)

Pháp luật về bảo hiểm nói chung là tổng hợp những quy định của nhà nước về các hình thức và điều kiện vật chất, tinh thần cho người lao động

cũng như thành viên gia đình họ trong trường hợp thuyền viên bị giảm hoặc mất khả năng lao động.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hiểm và chế độ an sinh đối với thuyền viên (chủ yếu là chế độ hưu) thì đối với thuyền viên đã ký hợp đồng dài hạn với công ty cung ứng thuyền viên mà được cử đi làm việc trên tàu biển nước ngoài thì được công ty cung ứng thuyền viên đó đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở lương cụ thể và thường xuyên mà không theo chế độ lương làm việc trên biển (kể cả trong thời gian mà thuyền viên đó không làm việc trên tàu biển nước ngoài. Đối với thuyền viên ký hợp đồng với công ty cung ứng lao động dưới dạng theo hợp đồng đi làm việc trên tàu biển nước ngoài độc lập thì thuyền viên có thể tự đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ sau này theo mức độ tự nguyện (Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2008) [4].

Một vấn đề đặt ra là đối với thuyền viên Việt Nam khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà trong quá trình làm việc trên tàu biển nước ngoài bị ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết thì có thể được hưởng đồng thời hai chế độ bảo hiểm do Bảo hiểm Việt Nam và bảo hiểm nước ngoài trả. Tuy nhiên, khi thuyền viên làm việc trên tàu biển nước ngoài thì mức phí đóng góp bảo hiểm xã hội chưa được quy định cụ thể khi cơ sở đóng phí bảo hiểm xã hội bắt buộc dựa trên cơ sở tiền lương của người lao động, nhưng thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài lại không đồng đều nhau về thời gian công tác ở cùng một tàu hoặc cùng thời gian lao động nhưng lại đảm nhiệm các chức danh khác nhau, hoặc làm việc trên các tàu có quốc tịch khác nhau, hoặc cũng có những trường hợp khác nhau về thời gian làm việc trên biển với thời gian nghỉ hay bồi dưỡng kiến thức trên bờ.

Đối với vấn đề bảo hiểm thân thể cho thuyền viên (hay gia đình thuyền viên) khi có thương vong hay ốm đau xảy ra, theo tập quán chung của hàng hải quốc tế, bảo hiểm đối với thuyền viên thuộc bảo hiểm P & I (Hội bảo trợ và bồi thường trách nhiệm dân sự của chủ tàu - Protection and Indemnity).

Chủ tàu có trách nhiệm mua bảo hiểm cho thuyền viên của mình theo quy định của Hội P & I mà chủ tàu là thành viên nhằm bảo đảm thuyền viên được hồi hương và có các khoản chi phí bù đắp khi bị ốm đau, thương tật hay bị chết (kể cả các khoản tiền dành cho gia đình của thuyền viên) trong mọi trường hợp. Đối với Việt Nam, do quy mô đội tàu biển còn nhỏ nên các chủ tàu không trực tiếp tham gia làm hội viên của các hội bảo hiểm P & I mà đều mua bảo hiểm của các công ty bảo hiểm Bảo Việt hay Bảo Minh (thường mua gắn liền với bảo hiểm thân tàu biển), sau đó các công ty này thay mặt cho các chủ tàu Việt Nam tham gia là một hội viên của Hội bảo trợ và bồi thường của các chủ tàu miền Tây nước Anh hoặc tái bảo hiểm cho Hội này.

Trong thực tế, đối với hợp đồng bảo hiểm thì số tiền bảo hiểm mà phía Việt Nam yêu cầu đối với mức bồi thường cho thương tật của thuyền viên được chia thành 14 mức độ (trên cơ sở của lương cơ bản) tương ứng với các mức, trong đó mức cao nhất được bồi thường khoảng 16.750 USD; trong trường hợp thuyền viên bị chết là 35.000 USD). Nhật Bản quy định cụ thể hóa các mức độ tổn thương sức khỏe của thuyền viên một cách chi tiết, đối với trường hợp thuyền viên bị chết (trừ tự tử), mức đề nghị bồi thường là 82.500 USD (mức này được thay đổi theo từng năm phù hợp với khuyến nghị của ITF) [31, tr. 56].

Một phần của tài liệu Pháp luật lao động Việt Nam về thuyền viên làm việc trên các tàu vân tải biển nước ngoài, thực trạng và giải pháp (Trang 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)