Các quy định về điều kiện làm việc

Một phần của tài liệu Pháp luật lao động Việt Nam về thuyền viên làm việc trên các tàu vân tải biển nước ngoài, thực trạng và giải pháp (Trang 62 - 67)

Thuyền viên khi làm việc trên các tàu biển thường xuyên phải sống và làm việc trong các môi trường khó khăn như sự thay đổi khí hậu, thời tiết khi

tàu hành trình qua các vùng khí hậu khác nhau, múi giờ khác nhau; tác động từ hàng hóa chuyên chở; điều kiện vệ sinh phòng ở, vệ sinh thực phẩm; các điều kiện làm việc khác như nhiệt độ cao của buồng máy, tiếng ồn, mức độ rung, tác hại của sóng điện từ thường vượt quá tiêu chuẩn cho phép và kéo dài liên tục 24/24 giờ qua nhiều ngày đã ảnh hướng tới điều kiện làm việc chung của thuyền viên. Bên cạnh đó, những tác động về các điều kiện khách quan như hoạt động đơn điệu trong suốt hành trình, thiếu thông tin và các phương tiện giải trí cũng cộng hưởng để tạo ra những biến đổi nhất định về sức khỏe và chất lượng lao động của thuyền viên.

Các nội dung liên quan đến điều kiện làm việc ở trên tàu biển bao gồm: An toàn lao động và vệ sinh lao động

An toàn lao động, vệ sinh lao động (được gọi chung là bảo hộ lao động) là một trong những vấn đề được pháp luật lao động quy định chi tiết và chặt chẽ, đó là các bên tham gia hợp đồng không được tự thỏa thuận với nhau về an toàn lao động và vệ sinh lao động. Đây là các yếu tố bắt buộc người sử dụng lao động phải đáp ứng ở mức độ tối thiểu nhằm phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động (yếu tố pháp luật công với sự tham gia quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm và bảo vệ cho người lao động). Công ước SOLAS 74 (Việt Nam là thành viên từ năm 1981) đã đưa ra các quy định tối thiểu về kết cấu, trang thiết bị và khai thác tàu để bảo vệ an toàn sinh mạng cho mọi người trên tàu biển, bao gồm cả hành khách: các thông số về kết cấu phân khoang, thiết bị động lực, trang bị điện, hệ thống cứu sinh, cứu hỏa, các biện pháp an toàn đối với các tàu chở hàng đặc thù như tàu chở dầu, chở hóa chất, tàu hạt nhân. Theo quy định của Công ước, các quốc gia thành viên phải tiến hành kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cho các tàu biển khi tàu biển có đủ điều kiện của công ước; chính quyền cảng (giao cho cơ quan kiểm tra nhà nước tại cảng biển - Port state Control, PSC) tiến hành kiểm tra các trang thiết bị của tàu biển phù hợp với quy định của các Công ước về lao động và an

toàn hàng hải. Cụ thể, năm 2008 có 80 lượt chủ tàu của Việt Nam bị PSC nước ngoài lưu giữ và 6 tàu bị thu hồi giấy phép phải lên đà sửa chữa ngay, trong đó lỗi chủ yếu thuộc về khả năng chuyên môn của thuyền viên.

Theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải được: cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật về xuất khẩu lao động; các thông tin về tiêu chuẩn và điều kiện tuyển dụng, thời hạn hợp đồng, loại công việc sẽ làm và nơi làm việc, điều kiện làm việc và sinh hoạt, tiền lương, tiền làm thêm giờ, phụ cấp khác (nếu có), chế độ bảo hiểm và những thông tin cần thiết khác (Điều 18 khoản 1 Nghị định 81/2003/NĐ-CP)[4], (Điều 44 khoản 1, Luật người lao động việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) [18].

Người lao động Việt Nam đi làm việc trên các tàu vận tải biển nước ngoài, khi ký kết các hợp đồng, cần phải biết những thông tin chính xác về các điều kiện về cơ sở vật chất như: Quốc tịch tàu, tên tàu, nơi đóng, năm đóng, loại tàu và hàng hóa chuyên chở (đặc biệt đối với tàu chở hàng nguy hiểm), hãng đăng kiểm… Các nội dung trên cũng cần được các thuyền viên, các tổ chức cung ứng thuyền viên tham khảo từ nhiều nguồn thông tin và công khai để đưa ra các khuyến nghị, các kinh nghiệm liên quan tới các chức danh đảm nhiệm theo hợp đồng. Tuy nhiên trong thực tế, các tổ chức cung ứng lao động thuyền viên của Việt Nam chưa thực sự quan tâm tới vấn đề quan trọng này (thường họ chủ yếu quan tâm tới việc khai thác được thị trường, tiền lương của thuyền viên và những lợi ích có thể đạt được). Các điều khoản liên quan đến an toàn lao động, vệ sinh lao động của tàu cũng như của thuyền viên thường cũng được quy định chung chung hoặc không đòi hỏi phía chủ tàu phải đảm bảo hay cam kết đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn tối thiểu. Vấn đề này có thể gặp nhiều trong trường hợp tàu biển mang "cờ thuận tiện" mà pháp luật về lao động hàng hải của Việt Nam chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh theo phương thức quy phạm thực chất trong pháp luật của chúng ta theo hướng đây là những trường hợp bảo lưu trật tự công cộng (vì

những điều khoản này phải đảm bảo các tiêu chí tối thiểu liên quan đến an toàn sinh mạng con người trên biển mà các bên không được tự do thỏa thuận).

Vệ sinh lao động trên tàu biển cũng là một trong những vấn đề được cộng đồng hàng hải quốc tế quan tâm vì liên quan đến sức khỏe của thuyền viên trong thời gian làm việc trên tàu biển. Tàu biển phải đạt được các tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng, độ sáng, tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về hơi, khí độc, bụi, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác. Nơi làm việc có chất nguy hại phải có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phải đặt ở vị trí mọi thuyền viên dễ thấy, dễ đọc. Các yếu tố đó phải được kiểm tra và đo lường định kỳ. Theo quy định của Nhật Bản, ngoài việc bảo đảm tàu biển luôn trong tình trạng an toàn (trang thiết bị kết cấu, trang thiết bị động lực, trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, trang thiết bị thông tin liên lạc) thì thuyền viên còn được bảo đảm việc vận chuyển những hàng hóa không ảnh hưởng tới sức khỏe, truyền thống hay lịch sử của thuyền viên đó (Điều 5.1) [29]. Các chủ tàu phải bảo đảm các trang thiết bị liên quan đến an toàn hàng hải và an toàn sinh mạng con người trên biển theo SOLAS 74 và quản lý theo ISM code/IMO [32].

Thuyền viên khi ký hợp đồng lao động và khi làm việc phải được đảm bảo trang bị các phương tiện bảo hộ cá nhân theo chức danh và công việc được giao (kể cả phương tiện để rời tàu khi cần thiết như phao bè, phao cá nhân…) [3]; thuyền viên phải khám sức khỏe trước khi làm việc trên biển (theo Quyết định số 20/2008/QĐ-BYT ngày 09/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam hoặc Quyết định số 31/2008/QĐ-BGTVT ngày 26/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (phụ lục III) về Giấy chứng nhận sức khỏe); thuyền viên phải được tiêm chủng phòng ngừa các bệnh lây nhiễm và có Sổ tiêm chủng quốc tế theo quy định; tàu phải có Giấy chứng nhận diệt chuột hoặc miễn diệt chuột (động vật có khả năng lây bệnh lớn) (Quyết định số 54/2005/QĐ-BGTVT ngày 27/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

quy định về các loại giấy chứng nhận và tài liệu đối với tàu biển; thuyền viên phải được đảm bảo thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định là 08 tiếng một ngày và 44 tiếng trong một tuần và được nghỉ 9 ngày trong một năm (Bộ luật Lao động năm 2007 và Quyết định số 29/2008/BGTVT ngày 16/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam). Tuy nhiên, Việt Nam chưa quy định cụ thể cho thời gian làm việc trên biển là mấy tháng để đảm bảo về sức khỏe và tinh thần của thuyền viên mà thông thường là 10 tháng (± 2 tháng) và Nhật Bản quy định là thời gian làm việc trên biển của thuyền viên từ 8 đến 10 tháng.

Liên quan đến vệ sinh lao động trên tàu biển, Công ước MARPOL 73/78 (Việt Nam là thành viên từ năm 1991 tham gia 2 phụ lục: I và II trong tổng số 6 phụ lục) cũng quy định tàu biển đó phải được đảm bảo rằng việc thải ra môi trường biển (hoặc giữ lại tàu) các chất có khả năng gây ô nhiễm cho môi trường chung và môi trường sống của thuyền viên như dầu, hàng hóa là chất lỏng độc chở xô hay dưới dạng bao gói, nước thải của tàu, rác thải của tàu và khí thải do tàu thải ra.

Như vậy, xét trên bình diện tổng quát, Việt Nam cũng đã có các quy định về việc bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh lao động để áp dụng cho các tàu biển Việt Nam, làm cơ sở để thuyền viên Việt Nam xem xét khi làm việc trên tàu biển nước ngoài. Thuyền viên có quyền yêu cầu người sử dụng lao động bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh theo quy định của các Công ước quốc tế liên quan; có quyền từ chối làm việc hoặc rời tàu nếu thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền (thanh tra lao động của ILO, ITF hoặc PSC khi phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo an toàn, vệ sinh hoặc chủ tàu vi phạm các quy định về bảo hộ lao động). Bên cạnh đó, để gián tiếp điều chỉnh về điều kiện làm việc đối với thuyền viên, Thông tư số 22/2003/TT-LĐTBXH ngày 13/10/2003 của Bộ Lao động-Thương binh và

Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ; Quyết định số 47/2005 ngày 23/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và một số văn bản pháp luật khác về lao động, quy định các tổ chức cung ứng lao động phải đăng ký hợp đồng cho thuê thuyền viên để kiểm tra điều kiện làm việc trên tàu biển nước ngoài đó có phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, trong các quy định về điều kiện làm việc cho thuyền viên Việt Nam khi làm việc trên các tàu biển nước ngoài, mới chỉ có quy định đối với các tổ chức cung ứng thuyền viên như là một điều khoản của hợp đồng mà chưa quy định chi tiết, cụ thể về điều kiện, chất lượng của "nơi làm việc - tàu biển"; các quyền của thuyền viên khi phải làm việc trên các tàu biển nước ngoài không đủ tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn lao động và vệ sinh lao động trên biển. Do đó, các quy phạm pháp luật thực chất hay xung đột của Việt Nam cần quy định cụ thể về điều kiện làm việc cho thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài, và trong trường hợp điều kiện làm việc đó không đáp ứng các tiêu chuẩn chung, hoặc thấp hơn so với tiêu chuẩn của Việt Nam thì đơn vị cung ứng thuyền viên trước khi ký hợp đồng cung ứng phải có trách nhiệm tìm hiểu và yêu cầu chủ tàu bảo đảm các điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động trên tàu biển theo tiêu chuẩn của Việt Nam; quy định về việc kiểm tra nhà nước tại cảng biển (PSC) kiểm tra theo quy định của các công ước quốc tế và tiêu chuẩn của Việt Nam về điều kiện làm việc đối với các tàu biển nước ngoài mà có thuyền viên Việt Nam đang làm việc khi đến các cảng biển của Việt Nam để từ đó đưa ra các khuyến nghị hoặc thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia.

Một phần của tài liệu Pháp luật lao động Việt Nam về thuyền viên làm việc trên các tàu vân tải biển nước ngoài, thực trạng và giải pháp (Trang 62 - 67)