0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (107 trang)

Đối tượng điều chỉnh

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG VIỆT NAM VỀ THUYỀN VIÊN LÀM VIỆC TRÊN CÁC TÀU VÂN TẢI BIỂN NƯỚC NGOÀI, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 25 -30 )

Đối tượng điều chỉnh của pháp luật nói chung, là những quan hệ phát sinh trong xã hội mà pháp luật cần phải điều chỉnh để hướng các quan hệ xã hội này theo một trật tự nhất định phù hợp với lợi ích của nhà nước và xã hội.

Trong tư pháp quốc tế, đối tượng điều chỉnh là các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng, bao gồm các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động và tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài. Yếu tố nước ngoài, theo Điều 758 Bộ luật Dân sự năm 2005 là:

Quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài [15, tr. 8].

Quan hệ lao động thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế Việt Nam là những quan hệ lao động phát sinh giữa người lao động với người sử dụng lao động mà có ít nhất một bên là người nước ngoài, (pháp luật Việt Nam quy định cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam cũng là chủ thể nước ngoài) khi người lao động đến làm việc tại quốc gia của người sử dụng lao động.

Quan hệ lao động là thuyền viên có yếu tố nước ngoài của Việt Nam chủ yếu điều chỉnh những quan hệ lao động sau đây:

- Quan hệ lao động giữa cá nhân thuyền viên với người sử dụng lao động, bao gồm quan hệ giữa thuyền viên Việt Nam với người sử dụng lao

động nước ngoài để làm việc trên tàu biển nước ngoài hoặc giữa thuyền viên nước ngoài với người sử dụng lao động Việt Nam khi làm việc trên các tàu biển mang quốc tịch Việt Nam, hoặc quan hệ lao động giữa thuyền viên Việt Nam với người sử dụng lao động Việt Nam trên tàu biển thuộc sở hữu của chủ tàu Việt Nam nhưng được mang cờ quốc tịch nước ngoài. Pháp luật điều chỉnh bao gồm pháp luật của quốc gia mà tàu mang cờ, pháp luật theo quốc tịch của thuyền viên (hoặc nơi cư trú của thuyền viên), pháp luật của quốc gia thứ ba mà các bên có thể lựa chọn.

- Quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động nước ngoài với tổ chức cung ứng thuyền viên Việt Nam (cho thuê thuyền viên) hoặc ngược lại.

- Quan hệ giữa người lao động và/hoặc người sử dụng lao động với các cơ quan nhà nước và tổ chức công đoàn khi các chủ thể này tham gia vào quan hệ lao động nhằm giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

Trong quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài nói chung, không chỉ tư pháp quốc tế Việt Nam điều chỉnh mà pháp luật lao động - bằng các quy phạm công khi quy định mang tính bắt buộc, nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong quá trình làm việc ở nước ngoài. Ví dụ như pháp luật lao động Việt Nam quy định về việc người sử dụng lao động (kể cả tổ chức cung ứng lao động) phải đảm bảo điều kiện làm việc tối thiểu, chế độ tiền lương, chế độ sinh hoạt, đào tạo và hướng dẫn người lao động về chuyên môn, các kỹ năng khác để người lao động có thể thực hiện tốt các điều khoản của hợp đồng, bên cạnh đó còn yêu cầu và người lao động phải tuân thủ theo quy định khác do pháp luật quy định đối với người Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, xuất khẩu lao động là lĩnh vực được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là một hoạt động kinh tế xã hội, góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu

nhập và tăng cường hợp tác quốc tế. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2007 (Điều 134): Nhà nước khuyến khích các chủ thể mở rộng thị trường lao động nhằm tìm kiếm việc làm ở nước ngoài cho người lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật nước sở tại và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có khả năng lao động, tự nguyện và có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện khác theo pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và yêu cầu của bên nước ngoài thì được đi làm việc ở nước ngoài. Về nguyên tắc của tư pháp quốc tế, người lao động Việt Nam khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, phải tuân thủ theo các quy định của hợp đồng lao động đã ký với bên nước ngoài và theo quy định của pháp luật của quốc gia đó về chế độ lao động, về quyền và nghĩa vụ, về chế độ phúc lợi chung và các quyền và nghĩa vụ khác liên quan mà người lao động nước ngoài được hưởng theo quy định của pháp luật nước sở tại.

Quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài (theo quy định tại Điều 135a) [7] gồm:

- Được cung cấp các thông tin liên quan tới chính sách, pháp luật về lao động, điều kiện tuyển dụng, được đào tạo và được phổ biến về quyền và các nghĩa vụ khi lao động ở nước ngoài;

- Được ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đồng thời được bảo vệ quyền lợi thể hiện trong hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại;

- Được bảo hộ về lãnh sự và tư pháp;

- Được bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp vi phạm hợp đồng gây ra. Trong quá trình lao động ở nước ngoài, công dân Việt Nam phải thực hiện một số nghĩa vụ cơ bản sau:

- Thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản được ghi nhận trong hợp đồng;

- Tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và tôn trọng phong tục tập quán nước sở tại;

- Nộp phí xuất khẩu lao động;

- Có quyền khiếu nại tố cáo, khởi kiện với cơ quan Nhà nước có thầm quyền của Việt Nam hoặc nước sở tại về các vi phạm của doanh nghiệp xuất nhập khẩu lao động và người sử dụng lao động ở nước ngoài;

- Phải bồi thường thiệt hại do việc vi phạm hợp đồng của mình gây ra. Về cơ bản, đây là các quy phạm thực chất do Việt Nam quy định cho người lao động trước khi họ đi lao động ở nước ngoài và nó quy định một cách chưa cụ thể và dường như chỉ mang tính nguyên tắc. Mặt khác, nó có thể được áp dụng cho những loại hình xuất khẩu lao động nói chung trong đó có thuyền viên, nhưng chắc chắn rằng không thể đầy đủ và cụ thể được.

Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định tương tự như Bộ luật Lao động, nghĩa là cũng quy định theo hướng xây dựng các quy phạm pháp luật thực chất để điều chỉnh việc người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, và mới chỉ quy định về nguyên tắc những quyền và nghĩa vụ mà người lao động được hưởng hay phải thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài. Ví dụ, tại Điều 45 khoản 4 quy định về nghĩa vụ của người lao động: có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động; hoặc tại Điều 17 khoản 1 quy định về hợp đồng cung ứng lao động: phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động.

Lao động thuyền viên trên tàu biển là loại hình lao động đặc thù và khá phức tạp do môi trường lao động chịu ảnh hưởng của sóng gió, bão tố và rủi ro hàng hải, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, ý thức tổ chức kỷ luật lao động cao, có trình độ kỹ thuật nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ cơ bản. Xét về khía cạnh pháp luật, thuyền viên làm việc trên tàu biển nước ngoài chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật như: luật của nước mà tàu mang cờ (chủ

yếu về chế độ lao động, nội quy lao động), nước có cảng mà tàu neo đậu (các nghĩa vụ lao động liên quan đến môi trường biển và an toàn hàng hải), nước mà thuyền viên mang quốc tịch (quyền và nghĩa vụ chung của người lao động), cũng như chịu sự điều chỉnh của các điều ước quốc tế về thuyền viên, các quy định của chủ tàu và các tổ chức cung ứng thuyền viên. Vì vậy, thuyền viên phải đối mặt với nhiều khó khăn như môi trường làm việc, thời giờ làm việc, chế độ tiền lương, bảo vệ sức khỏe, chế độ an sinh xã hội cho thuyền viên không đảm bảo và pháp luật bảo vệ từ quốc gia mà thuyền viên mang quốc tịch còn hạn chế.

Để vận hành và khai thác con tàu an toàn và kinh tế, phù hợp với mục đích sử dụng, luật hàng hải quốc tế cho phép quốc gia mà tàu mang cờ được quy định số lượng thuyền viên cho một thuyền bộ nhưng không vượt quá số người mà một xuồng cứu sinh có thể chứa được (đối với tàu nhỏ là bè cứu sinh). Thực tế đòi hỏi pháp luật của quốc gia mà thuyền viên mang quốc tịch phải có những quy định cụ thể, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thuyền viên của quốc gia mình khi làm việc trên các tàu biển nước ngoài.

Dưới giác độ pháp luật, người lao động luôn được pháp luật đặt trên cơ sở hài hòa giữa quyền và lợi ích của người sử dụng lao động với người sử dụng lao động và với nhà nước. Theo quy định của pháp luật, người lao động ký hợp đồng với người sử dụng lao động để đảm nhiệm và hoàn thành một hoặc một số công việc nhất định, và nhận được những quyền lợi liên quan. Đối với những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì pháp luật luôn yêu cầu người sử dụng lao động phải đảm bảo các điều kiện làm việc tối thiểu nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động, đồng thời cũng yêu cầu có những chính sách xã hội hợp lý như chế độ lương, phụ cấp hay bảo hiểm ở mức cao hơn so với những loại hình lao động khác. Đồng thời cũng đòi hỏi người lao động phải được đào tạo chuyên môn ở một trình độ nhất định.

Với lao động trong lĩnh vực hàng hải - một trong những lĩnh vực lao động gắn liền với nhiều rủi ro và hiểm họa từ thiên nhiên, cũng như có ít sự trợ giúp từ đất liền khi có sự cố xảy ra, do đó đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn, với độ tuổi nhất định và có sức khỏe tốt. Cũng chính vì vậy mà lao động thuyền viên được đào tạo trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn quốc tế, được đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn trong quá trình làm việc, được hưởng chế độ tiền lương, bảo hiểm và an sinh tối thiểu cũng như các quyền và lợi ích khác liên quan. Mặc dù ngành vận tải biển của Việt Nam vẫn còn non trẻ và còn có những hạn chế trên thị trường vận tải quốc tế và lao động thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài cũng mới đang trên đà phát triển, nhưng trong tương lai, với chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước, các hoạt động này sẽ ngày càng phát triển. Hệ thống quy phạm pháp luật lao động điều chỉnh vấn đề lao động thuyền viên có yếu tố nước ngoài nói chung và lao động thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài nói riêng đã cơ bản phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, đáp ứng được đòi hỏi về quản lý, giám sát và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu biển nước ngoài. Tuy nhiên, hệ thống quy phạm điều chỉnh quan hệ lao động này còn thiếu, tản mạn và chưa có tính pháp điển cao, thường được thể hiện thông qua hệ thống quy phạm thực chất mà rất ít quy phạm xung đột nên chưa điều chỉnh được một cách bao quát và toàn diện các quan hệ pháp luật lao động có yếu tố nước ngoài.

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG VIỆT NAM VỀ THUYỀN VIÊN LÀM VIỆC TRÊN CÁC TÀU VÂN TẢI BIỂN NƯỚC NGOÀI, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 25 -30 )

×