Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong những khâu đột phá, then chốt là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực, đặc biệt phải phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua
đào tạo và huấn luyện [21, tr. 102]. Đào tạo và huấn luyện thuyền viên là một trong những điều kiện cần thiết để một người có thể tham gia vào một quan hệ lao động nhất định. Trình độ nghề nghiệp là một yếu tố rất cần thiết vì không có trình độ nghề nghiệp, người lao động sẽ ít có cơ hội tham gia quan hệ lao động cũng như duy trì và ổn định quan hệ lao động [20, tr. 12].
Trong lĩnh vực lao động hàng hải, xuất phát từ mục tiêu an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển cũng như đảm bảo các quyền lợi khác nhau trên tàu, nên thuyền viên phải được đào tạo, huấn luyện và được cấp chứng chỉ ở một trình độ nhất định mới được làm việc trên tàu biển. Căn cứ vào khả năng chuyên môn, các chứng chỉ nghề nghiệp, người sử dụng lao động bố trí thuyền viên đảm nhiệm các chức danh chuyên môn trên tàu biển. Để đảm nhiệm một chức danh chuyên môn cụ thể, thuyền viên bắt buộc phải trải qua một thời gian đảm nhiệm chức danh kế cận trong một thời hạn nhất định.
Về nguyên tắc chung, quy định về đào tạo và huấn luyện thuyền viên là một trong những điều kiện tiên quyết và bắt buộc trong lao động hàng hải, kể cả những lao động không đảm nhiệm các chức danh chuyên môn hàng hải trên tàu biển. Quy định này không chỉ nhằm mục đích đảm bảo an toàn sinh mạng cho chính thuyền viên trên tàu biển đó mà còn liên quan đến an toàn hàng hải nói chung, nên việc đào tạo và huấn luyện thuyền viên có ý nghĩa rất quan trọng.
Để đảm nhiệm một chức danh cụ thể trên tàu biển, thuyền viên phải trải qua quá trình đào tạo chuyên môn (ở Việt Nam là đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề hàng hải trong hệ thống giáo dục quốc dân), đào tạo chứng chỉ chuyên môn (huấn luyện an toàn cơ bản, huấn luyện đặc biệt, huấn luyện nghiệp vụ) và đào tạo chức danh chuyên môn (sĩ quan quản lý, sĩ quan vận hành và trợ giúp) theo quy định của các công ước quốc tế liên quan đến an toàn hàng hải khi đã có thời gian đảm nhiệm các chức danh kế cận theo quy định. Trong thực tế đào tạo huấn luyện thuyền viên, các quốc gia nói
chung và Việt Nam nói riêng đều căn cứ vào Công ước STCW 78/95 làm nền tảng, nên có rất ít hiện tượng xung đột pháp luật trong chế định đào tạo và huấn luyện. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật trong nước hiện nay về đào tạo và huấn luyện thuyền viên của Việt Nam còn bộc lộ một số hạn chế nhất định khi quy định về chế định này. Cụ thể như thời gian đào tạo và huấn luyện còn kéo dài do chuyên môn theo hệ thống giáo dục quốc dân còng huấn luyện theo quy định của quốc tế và đòi hỏi thời gian thực tế.
Khi làm việc trên tàu biển nước ngoài để đảm nhiệm một chức danh cụ thể, thuyền viên Việt Nam phải được đào tạo, huấn luyện theo tiêu chuẩn tối thiểu và có chứng chỉ quốc tế tuân theo Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên - STCW 1978/1995 (Việt Nam là thành viên năm 1981), Quyết định số 31/2008/QĐ-BGTVT ngày 26/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên Việt Nam, như quy định về tiêu chuẩn đào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ cho các thuyền viên trên tàu biển thuộc các bộ phận boong, máy, radio; các chứng chỉ huấn luyện đặc biệt và xuồng cứu nạn nhằm đảm bảo cho các thuyền viên có trình độ chuyên môn nhất định để vận hành con tàu an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường biển [26, tr. 60], quy định về chuyên môn đối với thuyền viên ở bộ phận phục vụ hay trợ giúp. Các thuyền viên khi đáp ứng đủ yêu cầu về thâm niên đi biển (sea service), tuổi đời (age), sức khỏe (medical fitness) sẽ được tham gia huấn luyện về khả năng chuyên môn và được cấp chứng chỉ theo quy định chứng chỉ này thường có giá trị trong phạm vi 5 năm. Đối với thuyền viên làm việc trên các tàu chở dầu, tàu khách ro - ro thì được huấn luyện theo chương trình và được cấp chứng chỉ riêng. Việt Nam là một trong 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có tên trong danh sách trắng (White list - danh sách các quốc gia được công nhận bằng cấp đào tạo phù hợp với tiêu chuẩn chung và có giá trị quốc tế). Điều đó cũng bước đầu tạo thuận lợi cho thuyền viên Việt Nam được đào tạo trong nước nhưng khi làm việc cho tàu biển nước ngoài vẫn được công nhận về
trình độ chuyên môn như đối với thuyền viên của các quốc gia khác được thừa nhận chung về trình độ chuyên môn.
Pháp luật hàng hải về lao động thuyền viên của Việt Nam hiện nay chỉ quy định một cách chung chung về đào tạo, huấn luyện thuyền viên mà không quy định cụ thể và mang tính bắt buộc cho các chủ tàu cũng như người cung cấp các dịch vụ xuất khẩu lao động thuyền viên về các nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ. Mặt khác, quy định pháp luật của Việt Nam hiện nay còn có một số điểm hạn chế nhất định nên trong thực tế chưa thúc đẩy được việc xuất khẩu lao động thuyền viên, cũng như chưa đảm bảo được các quyền và lợi ích chính đáng của thuyền viên. Cụ thể ở một số nội dung sau:
Thứ nhất: Về độ tuổi được đào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ
chuyên môn để làm việc trên các tàu biển nước ngoài.
Theo quy định của pháp luật, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải từ 18 tuổi trở lên (Điều 134 khoản 2) [14], nhằm đảm bảo rằng, người lao động khi đến độ tuổi đó trên bình diện chung đã có đủ sức khỏe và trình độ nhận thức tối thiểu. Cũng tại Điều 42 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 mặc dù không trực tiếp quy định về độ tuổi nhưng lại quy định người lao động được đi làm việc ở nước ngoài phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, nên cũng hiểu độ tuổi đó là 18. Trong khi đó, thuyền viên Việt Nam được đào tạo và huấn luyện theo hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm từ đại học, cao đẳng, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Khi tốt nghiệp các cơ sở đào tạo này và có một số chứng chỉ huấn luyện an toàn cơ bản, thuyền viên có đủ điều kiện về chuyên môn để đảm nhiệm chức danh tối thiểu trên tàu biển là thủy thủ trực ca. Nếu một thuyền viên tốt nghiệp trường sơ cấp nghề hàng hải (tốt nghiệp Trung học cơ sở là 15 tuổi, đào tạo 12 tháng), thì thuyền viên đó phải đợi khoảng 2 năm để đủ 18 tuổi mới được tham gia lao động trên các tàu biển nước ngoài.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 18 Quyết định số 31/2008 ngày 26/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ
chuyên môn của thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam quy định điều kiện chung để được cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thì thuyền viên phải có đủ độ tuổi lao động (15 tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động Việt Nam) và tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định, hoặc theo quy định tại Công ước STCW 78/95 (quy định II/4 và III/4), đối với thủy thủ trực ca boong, máy thì độ tuổi tối thiểu là 16 (trước đó phải được đào tạo huấn luyện không ít hơn 06 tháng). Cũng tại Quyết định số 47/2005/BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định điều kiện thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài và thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam (khoản 1 Điều 6) quy định, thuyền viên phải có đủ sức khỏe, khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn và trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cũng có thể hiểu quy định này đã thừa nhận độ tuổi lao động trong lĩnh vực hàng hải là 18 tuổi.
Công ước số 58 về tuổi tối thiểu làm việc trên biển năm 1936 của ILO (Điều 2) quy định độ tuổi tối thiểu làm việc trên tàu biển là 15 tuổi và phù hợp với quy định chung của ILO về độ tuổi lao động nói chung.
Theo quy định của luật Anh (Merchant Shipping Act 1970) thì độ tuổi tối thiểu để làm việc trên biển là từ 18 tuổi trở lên, trong đó tính toán đến những người có khả năng nhưng giới hạn trong độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi cũng có thể được tuyển dụng [29, tr. 135].
Như vậy, về độ tuổi để đào tạo, huấn luyện trước khi làm việc trên các tàu biển nói chung và tàu biển nước ngoài nói riêng, thuyền viên Việt Nam lại chịu sự ràng buộc và điều chỉnh của các quy phạm pháp luật chưa đồng nhất với nhau.
Thứ hai: Về thời gian đào tạo và kinh phí đào tạo, huấn luyện thuyền viên
Theo quy định của Luật hàng hải quốc tế, để được bố trí một chức danh nhất định trên tàu biển, thuyền viên phải được đào tạo và huấn luyện để
trang bị các kiến thức phù hợp với chức danh đảm nhiệm, cũng như cập nhật các kiến thức mới. Theo Công ước STCW 78/95, thuyền viên khi đảm nhiệm một chức danh bất kỳ trên tàu biển đều phải được đào tạo, huấn luyện ở một trình độ nhất định và đáp ứng yêu cầu về độ tuổi, sức khỏe, thời gian công tác trên tàu biển mà không quy định cụ thể về thời gian đào tạo cho một khóa huấn luyện. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật Việt Nam, trước khi được đào tạo huấn luyện để cấp các chứng chỉ hàng hải, thuyền viên đó đã học hay đang học chương trình đại học, cao đẳng, trung cấp hay sơ cấp nghề (thông thường đảm nhiệm và có trình độ chuyên môn tốt phải là các thuyền viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng hải mới đảm nhiệm các chức danh chính trên tàu biển nước ngoài). Do đó thời gian đào tạo và huấn luyện để thuyền viên có thể làm việc trên các tàu biển nước ngoài phải từ 4 năm trở lên. Trong khi đó ở Philippin, Indonesia thời gian đào tạo và huấn luyện cho thuyền viên để xuất khẩu lao động chỉ là 3 năm [21, tr. 52].
Để khuyến khích được việc học tập và đảm bảo chất lượng, vấn đề kinh phí đào tạo và huấn luyện chuyên môn hàng hải cũng là vấn đề được pháp luật quan tâm, coi đây là một trong những chính sách phát triển xuất khẩu thuyền viên. Hiện nay, theo quy định pháp luật thì kinh phí đào tạo và huấn luyện hàng hải cho thuyền viên để xuất khẩu lao động sẽ do người học trả (Điều 18 khoản 2, Nghị định 81/2003 ngày 17/7/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài). Đây là kinh phí đào tạo, huấn luyện ban đầu đối với người lao động và họ phải trả kinh phí này. Nhưng pháp luật lại không quy định, trong trường hợp đào tạo bổ sung, cập nhật kiến thức cho thuyền viên khi đã làm việc trên tàu biển nước ngoài một thời gian nhất định hoặc thuyền viên đó học tập để được cấp chứng chỉ chuyên môn ở chức danh cao hơn thì kinh phí đó do người lao động trả hay không, nên dẫn tới các công ty cung ứng thuyền viên của Việt Nam đã lợi dụng quy định không rõ ràng đó để gây khó khăn cho thuyền viên, mặt khác ảnh hưởng đến việc thúc đẩy đào tạo
và huấn luyện nâng cao trình độ cho thuyền viên phát triển liên tục. Điều này có thể nhận thấy qua ví dụ thực tế tranh chấp lao động tại Công ty cổ phần hợp tác lao động với nước ngoài (INLACO-HP) giữa thuyền viên Việt Nam sau khi làm việc trên tàu biển nước ngoài tranh chấp với Công ty về khoản kinh phí bồi thường đào tạo huấn luyện (tháng 7/2009), Theo hợp đồng đào tạo bổ sung (cập nhật kiến thức), đào tạo thực hành, đào tạo nâng cao cho sĩ quan thuyền viên, về kinh phí do người lao động trả nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trong khi đó theo tập quán quốc tế (quy định của Liên đoàn Công nhân vận tải thế giới) người sử dụng lao động (chủ tàu) phải trích một phần kinh phí hàng tháng để dành cho việc đào tạo nâng cao trình độ cho thuyền viên đang làm việc cho họ hoặc trả kinh phí cho người cung ứng lao động để đơn vị này tổ chức đào tạo, huấn luyện nâng cao, cập nhật kiết thức cho thuyền viên (theo quy định của IMO, trung bình là 40 USD/người/tháng được tính theo tháng làm việc trực tiếp trên tàu biển). Đây chính là biện pháp cụ thể và hữu hiệu nhằm đảm bảo thuyền viên được đào tạo và huấn luyện liên tục. Nó mang tính bắt buộc và do chủ tàu phải trả khoản kinh phí này nên thuyền viên chấp nhận việc học tập nâng cao trình độ được tốt hơn.
Thứ ba: về cấp giấy chứng nhận đào tạo, huấn luyện thuyền viên.
Hiện nay, các cơ sở đào tạo và huấn luyện thuyền viên của Việt Nam có đủ điều kiện để đào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ trực ca cho thuyền viên cũng như cho người lao động nói chung ở trên tàu biển và trên cơ sở của White list, có giá trị pháp lý trên toàn thế giới. Tuy nhiên trong thực tế, các chủ tàu nước ngoài muốn các thủ tục kiểm tra nhà nước tại cảng biển được thuận lợi, mặt khác muốn lợi dụng sự lỏng lẻo của pháp luật của một số quốc gia nên thường yêu cầu thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu biển nước ngoài đó phải đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn mà Việt Nam đã cấp sang giấy chứng nhận của quốc gia mà tàu mang cờ (chủ yếu là cờ thuận tiện). Pháp luật về lao động hàng hải của Việt Nam hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể nào về hiện tượng này, hoặc cũng có thể coi đây là
yêu cầu riêng của chủ tàu đối với thuyền viên theo quy định của quốc gia mà tàu mang cờ.