năng cung ứng của Việt Nam
Đối với Việt Nam, công tác xuất khẩu lao động, nhất là lao động kỹ thuật có trình độ quốc tế là một trong những lĩnh vực đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Với trên 80 triệu dân, trong đó lực lượng lao động trẻ chiếm hơn 50%, nhưng trong thực tế, tỷ lệ người lao động qua đào tạo còn thấp (năm 2008, tỷ lệ này khoảng 26,7% và đến tháng 6/2009, Việt Nam đã mở rộng thị trường ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 400.000 người và hàng năm đưa về hơn 1,7 tỷ USD nhưng chủ yếu là lao động giản đơn) [26, tr. 87]. Trong thực tế, không phải ngành nghề nào cũng xuất khẩu được lao động với số lượng lớn, trong khi đó, lĩnh vực xuất khẩu thuyền viên có tiềm năng lớn với chất lượng đào tạo thuyền viên được công nhận trên toàn thế giới. Tính đến tháng 3/2009, Việt Nam có khoảng 15.000 thuyền viên làm việc trên 500 tàu biển nước ngoài (kể cả các tàu vận tải biển mang quốc tịch nước ngoài do các chủ tàu Việt Nam thuê để khai thác). Xu hướng đến năm 2020, Việt Nam có thể xuất khẩu được 100.000 thuyền viên với nguồn thu ước tính là 1,5 tỷ USD (trung bình là 1.500 USD/người/tháng) [21, tr. 30], nếu Việt Nam có những biện pháp phù hợp thúc đẩy công tác này, như sửa đổi và hoàn thiện dần hệ thống quy phạm pháp luật lao động có yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc tế, có chính sách phát triển đồng bộ việc mở rộng thị trường xuất khẩu thuyền viên. Philippin là một quốc gia có trình độ thuyền viên phát triển chung như Việt Nam, nhưng trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, và trong khoảng 10
tháng năm 2008, đã mang về cho nước họ trên 20 tỷ USD, chiếm gần 34% GDP của nước này.
Ngành công nghiệp vận tải biển mặc dù đang có những khó khăn nhất định do khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục, do đó ngành hàng hải đang đứng trước những cơ hội mới và theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới, sẽ có những phát triển đột biến. Theo đánh giá của Hội đồng hàng hải quốc tế và Baltic (BIMCO) thì đến năm 2015, ngành hàng hải thế giới thiếu khoảng 46.000 sĩ quan thuyền viên cho nhu cầu phát triển (không tính số lượng thuyền viên hiện tại). Các quốc gia châu Á có khả năng cung cấp khoảng 47% số lượng thuyền viên còn thiếu, trong đó có Việt Nam [21, tr. 27].
Mặc dù số lượng thuyền viên theo nhu cầu phát triển tăng lên nhưng các Tổ chức quốc tế liên chính phủ (ILO, IMO) hay phi chính phủ (ITF, ISF) lại tiếp tục quan tâm tới việc bảo vệ quyền lợi, nâng cao chất lượng và các điều kiện làm việc, đảm bảo sức khỏe về thể chất và tinh thần cho thuyền viên làm việc trên các tàu vận tải biển nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu lao động thuyền viên không chỉ mang lại cho đất nước một nguồn ngoại tệ đáng kể, mà còn có ý nghĩa lớn hơn đó là việc tận dụng các cơ hội để học hỏi công nghệ, kinh nghiệm vận hành các con tàu lớn, hiệu đại, được quản lý theo các quy trình khắt khe, nghiêm ngặt của các công ước về an toàn hàng hải quốc tế. Đây chính là những lực lượng nòng cốt góp phần đưa ngành hàng hải của Việt Nam có đủ khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế trong tương lai.
Trong suốt thập kỷ qua, việc áp dụng các công ước về lao động thuyền viên trên các tàu biển của Tổ chức Lao động quốc tế, các công ước về an toàn hàng hải, bộ luật quản lý an toàn hàng hải (ISM code) của Tổ chức Hàng hải thế giới, cũng như sự kiểm tra nghiêm ngặt của các quốc gia có cảng đã góp phần nâng cao chất lượng lao động thuyền viên, trong đó có thuyền viên của
Việt Nam. Thị phần thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu biển nước ngoài ngày càng tăng lên đã chứng tỏ rằng trình độ chuyên môn và các điều kiện khác của thuyền viên Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn chung của quốc tế về lao động thuyền viên.
Vấn đề bảo vệ người lao động trong quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài nói chung và thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu biển nước ngoài nói riêng đã được pháp luật Việt Nam quy định trong luật lao động, luật hàng hải, luật dân sự, luật quốc tịch và các luật khác liên quan. Tuy nhiên, tính chuyên sâu cho lĩnh vực đặc thù này còn hạn chế như hệ thống quy phạm chưa đầy đủ, còn chồng chéo, thường thay đổi liên tục và không có tính ổn định cao.