Kỷ luật lao động và trách nhiệm kỷ luật

Một phần của tài liệu Pháp luật lao động Việt Nam về thuyền viên làm việc trên các tàu vân tải biển nước ngoài, thực trạng và giải pháp (Trang 67)

Kỷ luật lao động trên tàu biển là việc thuyền viên phải tuân theo thời gian trực ca theo chức danh chuyên môn được phân công, đảm bảo an toàn

lao động, vệ sinh lao động trên tàu biển và các khu vực khác theo quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia nơi tàu đang hoạt động.

Trong thực tế, kỷ luật lao động trên tàu biển nước ngoài chính là nội quy của tàu biển được ban hành trên cơ sở các công ước quốc tế về an toàn hàng hải (Bộ luật về quản lý an toàn quốc tế - ISM Code, SOLAS 1974) và ý chí của chủ tàu. Thuyền viên khi đảm nhiệm chức danh được giao phải tuân thủ theo thời làm việc chính thức và làm thêm giờ theo quy định hoặc khi tàu có sự cố trên biển, đảm bảo việc tác nghiệp hàng hải theo chức danh. Đó còn là tác phong làm việc công nghiệp, hiệu quả và ý thức tổ chức kỷ luật của thuyền viên Việt Nam trong môi trường lao động quốc tế [11].

Hiện nay, các chủ tàu nước ngoài thường có các nội quy lao động trên tàu và yêu cầu các thuyền viên phải tuân thủ đầy đủ các nội dung đó. Và đây chính là những biện pháp quản lý cụ thể và hữu hiệu nhất mà chủ tàu (người sử dụng lao động) muốn thể hiện ý chí riêng của mình để quản lý hoạt động lao động của thuyền viên trong quá trình hành hải hay nhiệm vụ vận tải hàng hóa. Để điều chỉnh vấn đề này, pháp luật của một số quốc gia như Nhật Bản, Anh yêu cầu các chủ tàu phải đăng ký nội quy lao động trên tàu biển để quản lý, kiểm soát và theo dõi chế độ làm việc của thuyền viên cho phù hợp với quy định của các Công ước quốc tế hoặc pháp luật quốc gia mà tàu mang cờ.

Trong tư pháp quốc tế Việt Nam cũng có các quy định về trách nhiệm của thuyền viên Việt Nam khi làm việc trên các tàu biển nước ngoài. Đó là việc thuyền viên có nghĩa vụ nghiên cứu và thực hiện đầy đủ các yêu cầu của nội quy trên tàu biển đã được thuyền trưởng thay mặt cho chủ tàu thông báo khi thuyền viên này bắt đầu nhận nhiệm vụ trên tàu biển. Nội quy đó còn được quy định trong "Sổ tay quản lý an toàn" phát cho mỗi thuyền viên, được niêm yết công khai và thực hành thường xuyên về nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp, thực hành cứu sinh, cứu hỏa trên tàu, kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu, kế hoạch an ninh tàu. Thuyền viên Việt Nam khi làm việc trên các tàu

biển nước ngoài còn phải tham khảo các quy định về kỷ luật lao động trong các công ước quốc tế liên quan khác như MAPOL 73/78, SOLAS 74, STCW 78/95, COLREG 72.

Như vậy, kỷ luật lao động trên tàu biển nước ngoài là một trong những vấn đề có tính riêng biệt và thực hiện theo các công ước quốc tế được thừa nhận chung và luật của quốc gia mà tàu mang cờ điều chỉnh. Tư pháp quốc tế Việt Nam về lao động có yếu tố nước ngoài đã quy định cụ thể về việc thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo chức danh được giao một cách mẫn cán. Tuy nhiên, quy phạm xung đột về lao động hàng hải nói chung của Việt Nam cũng chưa chỉ ra được, trong trường hợp các tàu biển có nội quy lao động không phù hợp với luật pháp quốc tế và các chế độ làm việc theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam thì xử lý như thế nào để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho thuyền viên Việt Nam khi đưa ra được các biện pháp xử lý phù hợp hơn, tránh việc thuyền viên không thực hiện được nên phải chịu trách nhiệm kỷ luật.

Cũng theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam (khoản 2 Điều 49, Bộ luật Lao động Việt Nam 2007) [14] thì nội quy lao động phải phù hợp với thỏa ước lao động tập thể. Nhưng thỏa ước lao động tập thể đó phải được tổ chức công đoàn và đại diện người lao động thương thảo với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong lĩnh vực lao động hàng hải nói chung, các quy phạm pháp luật thực chất của Việt Nam cũng không quy định cụ thể hoặc hướng dẫn cho các tổ chức cung ứng thuyền viên về việc tham gia điều chỉnh các nội quy lao động trên tàu biển đối với thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu biển nước ngoài, nhất là trong những trường hợp mà bên Việt Nam cung cấp cả thuyền bộ cho một tàu biển nước ngoài nhất định.

Trách nhiệm kỷ luật là một loại trách nhiệm pháp lý do chủ tàu áp dụng đối với thuyền viên có hành vi vi phạm kỷ luật lao động bằng cách áp

dụng các biện pháp kỷ luật nhất định tương xứng với tính chất, mức độ lỗi và hậu quả thiệt hại vật chất đã gây ra cho chủ tàu và/hoặc người thứ ba.

Để điều chỉnh thống nhất vấn đề này, IMO đã ban hành Nghị quyết A.849 (số 20) ngày 27/11/1997 về Bộ luật điều tra tai nạn và sự cố hàng hải trên cơ sở thuyền viên đã vi phạm nội quy lao động và các quy định khác liên quan đến an toàn hàng hải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chức trách được giao hoặc trong các trường hợp khác. Từ đó, chủ tàu (thuyền trưởng có thể được ủy quyền) áp dụng các biện pháp kỷ luật nhất định.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thuyền viên vi phạm các quy định chung có thể bị xử lý kỷ luật bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, điều động lên khỏi tàu, chấm dứt hợp đồng lao động, đồng thời, tùy theo mức độ lỗi và hậu quả của sự thiệt hại do hành vi của mình gây ra, thuyền viên có thể phải gánh chịu một khoản tiền bồi thường cho chủ tàu hoặc người thứ ba. Khoản tiền này có thể được trừ vào lương, hoặc theo quy định của luật dân sự.

Những thủ tục kỷ luật áp dụng trên tàu biển mang quốc tịch của Anh được quy định bởi luật hành vi về thương thuyền (Merchant Navy of Conduct). Luật này cho phép sử dụng 5 mức độ đối phó với những vi phạm gồm: Cảnh cáo không văn bản (được dùng cho những vi phạm lần đầu, không quan trọng và thuyền trưởng ủy quyền cho đại phó hoặc máy trưởng thực hiện); cảnh cáo bằng văn bản (áp dụng cho những vi phạm nặng hơn hoặc những người đã bị cảnh cáo không bằng văn bản nhưng có hành vi tái phạm, được ghi vào hồ sơ của tàu và của công ty); cảnh cáo bằng văn bản của thuyền trưởng (được áp dụng cho những vi phạm lỗi nghiêm trọng hoặc đã vi phạm hai lần với mức ghi vào văn bản); khiển trách của thuyền trưởng bằng văn bản và đây là lần cảnh cáo cuối cùng dành cho những thuyền viên đã vi phạm trước đó và được thông báo cho các thuyền viên của tàu được biết. Sa thải được áp dụng cho những trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng.

Tùy theo mức độ lỗi vi phạm, thuyền trưởng phải tuân theo các quy trình của pháp luật và được xem xét ngay. Khi tổ chức cuộc họp trên tàu để

đánh giá hành vi và đưa ra biện pháp kỷ luật phù hợp, thuyền trưởng phải tiến hành xét xử công bằng và phải có sự hiện diện của người vi phạm (trong trường hợp người vi phạm vắng mặt do say rượu, đánh nhau cần cách ly, thuyền viên không tuân lệnh, thuyền viên bỏ tàu…) thì các nhân chứng phải viết bản xác nhận về sự việc và khẳng định thuyền viên đó không ở trong tình trạng thích hợp để nghe xét hỏi của hội đồng kỷ luật. Mọi trường hợp xử lý của thuyền trưởng đều phải ghi vào sổ nhật ký tàu. Nếu tàu phải chịu thêm phí tổn phụ dưới hình thức thuê mướn lao động thay thế thuyền viên vi phạm, thuyền trưởng được quyền trừ vào lương của người vi phạm

Đối với trường hợp thuyền viên vi phạm kỷ luật nghiêm trọng (thuộc mục 9, Luật hành vi), thuyền trưởng có thể cho đương sự thôi việc. Và trong một số trường hợp nhất định, thuyền trưởng có thể đuổi việc ngay đối với thuyền viên vi phạm với mức nghiêm trọng mà không cần thông báo trước, không cần thủ tục khác. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp cho thôi việc đều được thông báo trước, ít nhất một lần nhắc nhở và ghi trong sổ nhật ký và khi tàu đến một cảng nhất định. Luật này cũng cho phép thuyền viên, nếu thấy hình thức kỷ luật đó không phù hợp hoặc không đảm bảo quyền lợi thì có thể kiện ngược lại đối với chủ tàu và thuyền trưởng.

Theo pháp luật của Hy Lạp thì hình thức kỷ luật thuyền viên trên tàu gồm 4 mức là: Khiển trách hoặc phạt trừ 1/5 lương (do thuyền trưởng hoặc cảng vụ quyết định); treo bằng tạm thời hoặc treo bằng vĩnh viễn (do Ủy ban kỷ luật thương mại Hàng hải quyết định). Nếu thuyền viên phạm tội hình sự, thuyền trưởng có quyền xét xử luôn về mặt tư pháp. Trong trường hợp thuyền viên bỏ tàu thuyền trưởng phải làm các thủ tục cáo trạng và phải báo cáo lên Bộ Thương mại Hàng hải và thuyền viên phạm tội đó có thể phải chịu mức án một năm tù và bị treo bằng từ hai đến năm năm [28, tr. 132; 136].

Một phần của tài liệu Pháp luật lao động Việt Nam về thuyền viên làm việc trên các tàu vân tải biển nước ngoài, thực trạng và giải pháp (Trang 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)