Về cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch ở Thành phố Hạ Long (Trang 94 - 96)

-

4.2.2.2.Về cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư

Để phát triển du lịch, ngoài yếu tố tiềm năng du lịch, trình độ quản lý thì hiệu quả phát triển du lịch phụ thuộc rất lớn kết cấu hạ tầng du lịch. Muốn thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển du lịch, TP cần có chính sách, cơ chế huy động vốn linh hoạt, tập trung vào những nội dung sau:

+ Kết hợp tốt việc sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước với các nguồn vốn khác. Cần huy động tối đa các nguồn vốn trong nước và nước ngoài. Vốn ngân sách nhà nước (cả trung ương và địa phương) ưu tiên sử dụng vào việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nội bộ tại các khu du lịch trọng điểm, vào công tác bảo vệ và tôn tạo tài nguyên, xúc tiến quảng bá du lịch… TP cần có các chính sách và giải pháp nhằm tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách của TP theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn từ chương trình hành động quốc gia về du lịch để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển nguồn nhân lực.

Tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hướng đồng bộ, có trọng điểm làm cơ sở kích thích phát triển du lịch trên địa bàn toàn TP.

Nguồn vốn tích lũy của doanh nghiệp và vốn đầu tư từ dân cư, cần có cơ chế khuyến khích các hình thức liên kết, liên doanh trên cơ sở Luật Đầu tư để xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống khách sạn, nhà hàng cao cấp, mua sắm các phương tiện vận chuyển. Cần phải coi đây là nguồn vốn ưu tiên cho chiến lược phát triển lâu dài, nhất là vốn của các doanh nghiệp nhà nước.

Đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài: coi trọng huy động vốn ODA và vốn vay các ngân hàng nước ngoài. Tiếp nhận vốn phải cân nhắc thận trọng từng điều khoản để tránh bị lệ thuộc. Khi sử dụng nguồn vốn cần chú ý sử dụng hệ thống quản lý chặt chẽ của cơ quan tài chính, cơ quan kiểm toán.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://lrc.tnu.edu.vn

Khai thác nguồn vốn từ các chương trình hợp tác quốc tế của Nhà nước để tăng cường đầu tư cho hoạt động du lịch của TP. Đối với nguồn vốn FDI, thực hiện liên doanh trong điều kiện chúng ta thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý. Quá trình liên doanh hợp tác đầu tư thực hiện dự án phải tính tới các yếu tố như ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt,… để tránh rủi ro.

+ Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực then chốt. TP cần chú trọng phát triển một số công trình lớn, hiện đại mang tầm quốc tế. Xây dựng danh mục các dự án và kêu gọi vốn đầu tư. Công bố các dự án trọng điểm cần thu hút đầu tư. Kết hợp đầu tư nâng cấp các điểm tham quan du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch với đầu tư cho tuyên truyền, quảng bá và đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng du lịch. Xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch như hệ thống giao thông, điện, nước, bưu điện, y tế và các dịch vụ công khác. Chú ý đầu tư vào những điểm giàu tiềm năng, có khả năng phát triển du lịch cao, quy mô lớn và có thể mở rộng trong tương lai.

+ Thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư. TP cần hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư như: đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, ưu tiên vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng,…xây dựng hệ thống cung cấp thông tin về đầu tư phát triển du lịch để các nhà đầu tư đánh giá đúng thị trường hiện tại và thị trường tiềm năng. Tạo sự bình đẳng giữa đầu tư trong nước và nước ngoài, giữa tư nhân với Nhà nước. Có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng hạ tầng đến các khu du lịch, sau đó hoàn trả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thu được của hoạt động kinh doanh du lịch hoặc nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://lrc.tnu.edu.vn

+ Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau như đầu tư, quản lý, bảo vệ, tôn tạo di tích thắng cảnh, bảo tồn phục dựng các lễ hội truyền thống, hoạt động văn hoá dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch ở Thành phố Hạ Long (Trang 94 - 96)