Vai trò bảo hộ nhãn hiệu đối với doanh nghiệp

Một phần của tài liệu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo luật sở hữu trí tuệ 2005 (Trang 36 - 37)

Nhãn hiệu là tài sản vô hình rất có giá trị của doanh nghiệp. Một nhãn hiệu mạnh có thể bảo đảm mức độ an toàn lâu dài, tốc độ phát triển lớn với tỷ suất lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Bảo hộ nhãn hiệu là bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp. Nhãn hiệu được bảo hộ sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chủ sở hữu nhãn hiệu đồng thời bảo vệ sản phẩm của họ khỏi nguy cơ bị làm nhái, làm giả, ảnh hưởng tới uy tín cũng như thu nhập của doanh nghiệp. Sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp đưa ra thị trường mang nhãn hiệu đã được bảo hộ sẽ được người tiêu dùng tin tưởng. Nhãn hiệu có uy tín sẽ giúp cho doanh nghiệp dễ dàng tiêu thụ sản phẩm, đặt mức giá bán cao hơn các sản phẩm cùng loại khác. Một ví dụ chứng minh thực tế này là hai chiếc sơ mi cùng do Công ty An Phước sản xuất, không có sự khác biệt về hình thức và chất liệu, nhưng nếu mang nhãn hiệu Pierre Cardin thì có giá bán cao hơn nhiều lần so với mang nhãn hiệu An Phước. Có thể nói, hiện nay tỉ lệ giá trị tài sản vô hình (trong đó có nhãn hiệu) đang chiếm ưu thế áp đảo tuyệt đối khi định giá tài sản của doanh nghiệp. “Thống kê của

Interbrand năm 2006 về tỷ lệ giá trị tài sản trong tổng tài sản doanh nghiệp cho thấy nhãn hiệu chiếm ít nhất 1/3 giá trị cổ phiếu, có những trường hợp rất cao như McDonald’s chiếm 71%, Disney chiếm 68%, NOKIA và COCA-COLA chiếm 51%. Còn tại Việt Nam, khi tập đoàn Vina Capital mua 30% cổ phần (tương đương 3 triệu đô la) của Công ty Phở 24, họ đã định giá nhãn hiệu Phở 24 giá 7 triệu đô la tương đương với 70% tổng giá trị hiện nay của chuỗi nhà hàng này” (16). Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vươn ra chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Chẳng doanh nghiệp nào xuất khẩu hàng hóa mà không có nhãn hiệu, thực tế đáng buồn là “hiện hơn 90% mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến xuất khẩu của Việt Nam phải thông qua trung gian bằng các nhãn hiệu hàng hóa của nước ngoài” [54]. Như vậy là các doanh nghiệp của chúng ta đã không biết tận dụng sự bảo hộ của Nhà nước đối với nhãn hiệu để thu lợi cho mình. Bảo hộ nhãn hiệu còn giúp tạo giá trị cho doanh nghiệp thông qua các hình thức chuyển giao quyền đối với nhãn hiệu như li-xăng, chuyển nhượng.

Một phần của tài liệu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo luật sở hữu trí tuệ 2005 (Trang 36 - 37)