Thoạt tiên khi đọc qua tiêu đề này hẳn nhiều người sẽ thắc mắc liệu có thể tồn tại hay không sự nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp khi mà hai đối tượng này có bản chất khác hẳn nhau. Tuy nhiên, trên thực tế câu trả lời lại là có. Kiểu dáng công nghiệp là kết quả của hoạt động sáng tạo nhằm tìm kiếm một dáng vẻ bề ngoài có khả năng đem lại sự thích thú cho người sử dụng. Nhãn hiệu là chỉ dẫn thương mại mà trong nó khía cạnh sáng tạo – tuy vẫn có – song không quyết định như kiểu dáng công nghiệp, yếu tố quyết định đối với nhãn hiệu là ở chỗ nó chuyển tải thông tin về sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng nhằm chống lại việc sử dụng không được sự cho phép những dấu hiệu có khả năng lừa dối người tiêu dùng. Chức năng của hai đối tượng này hoàn toàn phân biệt, nhưng thực tế vẫn xảy ra sự nhầm lẫn vì việc tồn tại nhiều dạng đối tượng SHTT khác nhau trong một sản phẩm trí tuệ là rất phổ biến. Có trường hợp một đối tượng duy nhất vừa thuộc dạng SHTT này, vừa thuộc dạng SHTT khác. Ví dụ như hình chai đựng nước của Hãng Coca Cola, chiếc chai này đã được bảo hộ nhãn hiệu dưới dạng nhãn hiệu ba chiều, nhưng hình dáng của chiếc chai này chính là đối tượng để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp; hoặc hình dáng bao bì hàng hóa vừa có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu vừa có thể đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Luật
SHTT của hầu hết các nước đều chấp nhận trạng thái cùng tồn tại này. Bản chất, phạm vi của từng loại quyền SHTT, cụ thể là quyền đối với nhãn hiệu và kiểu dáng là khác nhau, có sự phân biệt rõ ràng, do đó ít có khả năng xảy ra xung đột giữa hai loại quyền khác nhau. Ngoài ra, quy định về thủ tục xác lập quyền, bao gồm việc đánh giá tính mới của kiểu dáng công nghiệp và đánh giá tính phân biệt của nhãn hiệu cho phép không để xảy ra tình huống xác lập hai quyền xung đột nhau. Trong trình tự xác lập quyền sở hữu công nghiệp còn có một thủ tục quan trọng, đó là khả năng thu hẹp hoặc hủy bỏ một quyền đã được xác lập vì lý do không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ. Vì thế, nguy cơ xung đột giữa quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu khó có thể xảy ra.
Trạng thái “cùng tồn tại” các loại quyền SHTT khác là thực tế khách quan. Luật SHTT của các nước đều có xu hướng không quy định nghĩa vụ lựa chọn bảo hộ mà chấp nhận cơ chế đồng bảo hộ.