Hiện nay rất nhiều người tưởng rằng tên thương mại và nhãn hiệu là một, nhưng thực ra điều đó là nhầm lẫn. Tên thương mại và nhãn hiệu cùng là dấu hiệu chỉ dẫn thương mại, nhưng chức năng của chúng khác nhau. Theo Luật SHTT 2005 “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh” [36], “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.” [36] Chỉ qua hai định nghĩa nêu trên chúng ta đã có thể nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa tên thương mại và nhãn hiệu. Tên thương mại dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh, còn nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa và dịch vụ. Như vậy, trường hợp không cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh sẽ có thể có những tên thương mại trùng nhau. Sự khác biệt giữa các tên thương mại chỉ giới hạn trong phạm vi khu vực kinh doanh. Trong giao dịch, tên thương mại được sử dụng để gọi tên chủ thể kinh doanh do đó tên thương mại có thể bao gồm thành phần phân biệt (thành phần này có thể đăng ký làm nhãn hiệu), thành phần xác định hình thức doanh nghiệp và có thể là thành phần chỉ ra lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ: Công cổ phần dệt len Mùa Đông là một tên thương mại, trong đó “Công ty cổ phần” là phần chỉ ra loại hình doanh nghiệp, “dệt len” chỉ ra lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp và thành
phần phần biệt là “Mùa Đông”. Một doanh nghiệp chỉ có một tên thương mại. Trong khi đó, nhãn hiệu là dấu hiệu có tính phân biệt cao được sử dụng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các chủ thể khác nhau. Một doanh nghiệp có thể sản xuất nhiều loại sản phẩm hoặc kinh doanh nhiều loại dịch vụ, vì vậy một doanh nghiệp có thể có nhiều nhãn hiệu. Trong rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp lấy thành phần phân biệt trong tên thương mại làm nhãn hiệu. Nhãn hiệu khi đã được bảo hộ có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc. Các hàng hóa, dịch vụ khi đưa ra thị trường có thể có hoặc không có nhãn hiệu, nhưng đã tiến hành hoạt động kinh doanh chủ thể kinh doanh phải có tên gọi và tên gọi này phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi bắt đầu kinh doanh. Từ sự khác biệt trong mục đích sử dụng của tên thương mại và nhãn hiệu mà pháp luật cũng quy định cơ chế xác lập quyền cho hai đối tượng này khác nhau. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó, còn quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập thông quả thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo nguyên tắc chung, quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia nơi nó được đăng ký; còn quyền đối với tên thương mại được bảo hộ không những chỉ trong phạm vi quốc gia nơi chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh mà còn tại tất cả các nước thành viên Công ước Paris (với điều kiện tuân thủ những quy định của pháp luật nước sở tại, nhưng không cần qua thủ tục đăng ký). [2]
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng trong trường hợp tên thương mại trùng với nhãn hiệu thì quyền đối với các đối tượng đó luôn bổ sung cho nhau, góp phần củng cố, mở rộng quyền năng cho người nắm giữ chúng khi chúng cùng thuộc về một chủ thể. Xung đột giữa tên thương mại và nhãn hiệu có dấu hiệu trùng nhau chỉ nảy sinh khi quyền đối với nhãn hiệu được thủ đắc bởi một chủ thể khác, không phải là chủ thể có quyền đối với tên thương mại đó. Trong những trường hợp như vậy quyền đối với tên thương mại có thể bị bác bỏ nếu quyền đối với nhãn hiệu được xác lập sớm hơn. Và ngược lại, quyền đối với nhãn hiệu cũng
sẽ không được xác lập nếu có căn cứ để cho rằng việc đăng ký nhãn hiệu là vi phạm quyền đối với tên thương mại đã được xác lập trước đó.